Multimedia Đọc Báo in

Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

14:23, 29/07/2012

Rời tay súng, những thương binh, bệnh binh lại tiếp tục tay cày tay cuốc “chiến đấu” trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. Họ đã tựa lưng vào nhau, chia sẻ những gì có thể với mong muốn cùng vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu mạnh. Câu chuyện giúp nhau làm kinh tế của các cựu chiến binh nói chung và thương, bệnh binh nói riêng ở Hội Cựu chiến binh xã Ea Tân, huyện Krông Năng là một minh chứng.

Thương binh Phạm Đình Nghị (đứng giữa) trao đổi với các đồng đội  về cách phát hiện bệnh nấm trên cây hồ tiêu.
Thương binh Phạm Đình Nghị (đứng giữa) trao đổi với các đồng đội về cách phát hiện bệnh nấm trên cây hồ tiêu.

Khó có thể hình dung được vùng đất “khỉ ho, cò gáy” Ea Tân ngày nào lại thay đổi nhanh chóng đến thế: những ngọn đồi đầy cây dại trước kia giờ đã được thay thế bằng các vườn cà phê, hồ tiêu xanh ngút ngàn, những ngôi nhà xây khang trang mọc lên ngày càng nhiều… Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Tân Nguyễn Văn Hịnh vui vẻ cho biết: “Hiện toàn Hội có 327 hội viên nhưng không còn hộ nghèo, số hộ khá, giàu chiếm tới 55%, còn lại là hộ trung bình. Đó là thành quả của hơn 10 năm, các thương, bệnh binh đoàn kết, nỗ lực không mệt mỏi trong lao động sản xuất”.

Những ngày bắt đầu lập nghiệp trên vùng đất mới Ea Tân, các thương, bệnh binh phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu vốn sản xuất. Bởi lẽ, đa số họ từ các tỉnh phía Bắc vào, hành trang mang theo chỉ là chiếc ba lô và… những vết thương thường xuyên đau nhức! Thế nhưng với quyết tâm và bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ, họ đã đoàn kết, hỗ trợ nhau từ cân ngô giống đến ngày công lao động … để phát triển kinh tế gia đình. Một trong những gương tiêu biểu vươn lên trong gian khó là thương binh Phạm Đình Nghị ở thôn Đoàn Kết. Năm 1970, khi đang học dở lớp 7, ông Nghị tình nguyện vào bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường B3 (Kon Tum). Năm 1976 ông ra quân, vào làm công nhân ở Công ty cao su Dầu Tiếng (thuộc tỉnh Sông Bé cũ) và Công ty cao su Krông Buk (Dak Lak), năm 1996 ông xin nghỉ và đưa vợ con về Ea Tân lập nghiệp. Với số tiền tích cóp được, ông mua 4 ha đất, rồi đi đào hồ thuê để nuôi 8 miệng ăn và mua giống sản xuất. Bằng phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu ông trồng hoa màu để lấy lương thực, vừa có cái để ăn, vừa phục vụ chăn nuôi. Tích lũy được chút vốn, ông chuyển sang trồng cà phê, lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn về cách chăm sóc vì ở quê ông chỉ quen với trồng cây lúa, cây màu. Nhờ học hỏi từ kinh nghiệm người đi trước và sách báo, vườn cà phê được chăm sóc rất khoa học từ khâu lựa chọn giống đến bón phân, phun thuốc, tỉa cành, thu hoạch… đến nay 4 ha cà phê của gia đình ông mỗi năm cho sản lượng 15 tấn nhân, tính ra năng suất đạt gần 4 tấn/ha. Không bằng lòng với việc chuyên canh cây cà phê, ông mở rộng diện tích trồng thêm 5 sào tiêu, nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Với giá cà phê và tiêu hiện nay, tổng thu nhập của gia đình ông đạt gần 1 tỷ đồng. Ông Nghị cho biết: “Có được kết quả như hôm nay là cả một quá trình nỗ lực vươn lên của bản thân, gia đình và sự hỗ trợ của đồng chí đồng đội. Bây giờ cuộc sống đã có của ăn của để, mình lại quay sang giúp đồng đội, những ai khó khăn, cần giống, cần vốn tôi đều sẵn sàng hỗ trợ”.

Nhìn cuộc sống sung túc của gia đình thương binh ¾ Ngụy Đình Luyến (thôn Đoàn Kết), ít ai có thể biết rằng cách đây hơn 15 năm, gia đình ông đã từng đối mặt và phải “chiến đấu” với không ít khó khăn. Năm 1994, ông Luyến đưa vợ con vào định cư tại huyện Krông Năng với số “vốn” lớn nhất đó là lòng quyết tâm. Sau 1 năm làm thuê ở thị trấn huyện và xã Ea Tóh, tích cóp được mấy chỉ vàng, ông Luyến đưa cả gia đình vào xã Ea Tân lập nghiệp. Quyết định này của ông Luyến đã bị nhiều người can ngăn và cho rằng ông “dở hơi” vì vào thời điểm đó, xã Ea Tân nói chung, khu vực thôn Đoàn Kết nói riêng vẫn còn được xem là vùng “rừng thiêng nước độc”. Tuy nhiên, với ông thì lại khác. Một mặt, ông đã nhìn thấy tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp ở khu vực này, mặt khác chính vì không nhiều người muốn vào Ea Tân sản xuất nên giá chuyển nhượng đất đai còn rẻ, phù hợp với những người nghèo như gia đình ông trong việc tìm kiếm đất canh tác.

Từ ngày vào Ea Tân, vợ chồng ông vừa đi làm thuê, vừa tranh thủ thời gian khai hoang số đất mới mua được. Gọi là khai hoang bởi thật ra đó chỉ là những khu đất toàn là cây dại, người dân địa phương khoanh lại rồi chuyển nhượng cho nhau. Cùng với nỗ lực của vợ chồng ông, các cựu chiến binh trong thôn, xã cũng góp thêm lời động viên, giúp nhau vài ngày công không lấy tiền, chia sẻ những kinh nghiệm trồng cà phê, tiêu hoặc hỗ trợ cây giống, vốn... Nhờ chịu khó cộng với sự đùm bọc của đồng đội, chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình đã dần đi vào ổn định. Đến nay, gia đình ông có 5 ha cà phê và tiêu, mỗi năm cũng mang về khoản thu nhập cả tỷ đồng. Nhà cửa khang trang, của ăn của để dư dả nhưng vợ chồng ông vẫn miệt mài với nương rẫy, chẳng bao giờ nghỉ ngơi, ông Luyến tâm sự: “Dù cuộc sống đã đầy đủ nhưng vợ chồng tôi vẫn phải chăm chỉ, tiết kiệm như ngày xưa. Bây giờ làm để có thêm điều kiện giúp đỡ các đồng đội khác trong trường hợp họ cần đến mình; đồng thời để giáo dục thế hệ trẻ nói chung, con cháu trong gia đình nói riêng về tính cần cù, tiết kiệm và đặc biệt là không bao giờ lùi bước trước khó khăn”.

Những tấm gương sáng ấy không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn là những hội viên tích cực trong hoạt động giúp đỡ đồng chí đồng đội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu thông qua đóng góp quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất…Với mức đóng ban đầu từ 30.000 đến 50.000 đồng, số tiền thu được dùng cho việc hỗ trợ vốn đối với các hội viên khó khăn hơn theo hình thức quay vòng, những hội viên khó khăn nhất được ưu tiên vay vốn trước… Đến nay, bình quân mỗi hội viên đã góp vào quỹ này khoảng 1,4 triệu đồng; tổng nguồn vốn của quỹ đã lên đến con số gần 450 triệu đồng. Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Đoàn Kết Nguyễn Văn Mâu tâm sự: “Sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng đội đã đem lại nhiều ý nghĩa. Ngoài việc trực tiếp tháo gỡ một phần khó khăn về vốn, cây con giống, sức lao động… cho những hội viên nghèo, nó còn giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống. Và, điều này đã thôi thúc những hội viên nghèo phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng tốt của đồng đội mình. Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng giúp các hội viên tiếp tục cuộc chiến đấu thắng giặc đói, giặc nghèo trong những năm qua”.

Tính đến nay, quỹ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo của Hội CCB huyện Krông Năng đã đạt 1,3 tỷ đồng. 5 năm qua đã giải quyết hỗ trợ vốn cho khoảng 630 lượt hội viên. Ngoài ra, Hội còn vận động hội viên làm đổi công 22.330 ngày, giúp hội viên già yếu thiếu lao động thu hoạch kịp thời vụ 2.012 công, hội viên khó khăn nợ tiền dầu 300 giờ; để tưới cà phê; kết hợp với Trung tâm khuyến nông, các đơn vị sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng tổ chức 112 lớp tập huấn với hơn 970 lượt hội viên tham gia nhằm tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi… Trong 5 năm qua, đã có thêm 320 hội viên thoát nghèo, hiện số hộ  nghèo (theo tiêu chí mới) trong hội viên là 204 hộ, tương đương 6% so với tổng số hội viên; số hộ trung bình khá chiếm hơn 73%; số hộ giàu, khá chiếm trên 20%. 

Nguyễn Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.