Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ những thôn, buôn...

22:05, 28/07/2012

Sự đầu tư quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đã góp phần thay đổi mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các thôn buôn vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn... Niềm vui được nhân lên từ cuộc sống no đủ, nhận thức nâng cao, sự học ngày càng được coi trọng.

Từ niềm vui của Ea Yiêng

Một thời nhắc đến Ea Yiêng, người ta không quên câu chuyện về cái sự nghèo do nhận thức hạn chế, đẻ nhiều, đẻ dày ở đây. Nhưng mới đây nghe ông Mơ Rông, Bí thư Đảng ủy xã kể, ai cũng mừng cho Ea Yiêng. Ông Mơ Rông kể rằng: Các Chương trình mục tiêu Quốc gia triển khai thực hiện trên địa bàn xã đã góp phần đẩy lùi đói nghèo, nhận thức của người dân được từng bước nâng lên. Bà con trong buôn làng đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, thu nhập bình quân đầu người vì vậy cũng được tăng lên, nhiều hộ thoát nghèo và bắt đầu có tích lũy. Những hủ tục lạc hậu bị bài trừ, người dân đã tích cực hơn trong việc đến khám chữa bệnh tại trạm y tế. Bên cạnh đó, nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Cư Drang và Kon Hring được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 530 triệu đồng đã tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, giúp người dân duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần duy trì, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.


"Gieo chữ" ở vùng sâu.

 

Giãi bày của ông Mơ Rang cũng là niềm vui của nhiều địa phương khi từ năm 2006 đến năm 2011, Krông Pak đã huy động trên 144,2 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ cho các buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo đó, các công trình giao thông, thủy lợi, điện, đường... được đầu tư đã giúp người dân ở các xã vùng khó khăn dễ dàng lưu thông, giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh như: thâm canh lúa lai, trồng tre lấy măng, cà phê ghép, ca cao ghép, rau an toàn, mô hình ủ rơm, hỗ trợ máy băm cỏ thức ăn gia súc… Việc đầu tư xây dựng các mô hình đã tạo điều kiện, giúp bà con đồng bào nắm bắt được khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất.

Người dân buôn Dhia 1 và Dhia 2 đã “an cư lạc nghiệp”

Những ngày gần đây, người dân hai buôn Dhia 1 và Dhia 2, xã Cư Né, huyện Krông Buk vui như mở hội vì được Nhà nước cấp đất ở, hỗ trợ tiền xây nhà.

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Y Mtut Niê phấn khởi: “Vậy là từ nay, gia đình mình đã thực sự “chia tay” với cảnh sống nay đây mai đó!”. Y Mtut lập gia đình từ năm 1996 nhưng vì bố mẹ 2 bên đều khó khăn nên không có nhiều tiền của cho các con lập nghiệp. Chưa an cư chưa lạc nghiệp, cuộc sống nay đây mai đó của vợ chồng Y Mtut khiến việc học của các con cũng bị gián đoạn. Năm 2011, Y Mtut được xét cấp một lô thổ cư 250m2 và còn được Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng tiền mặt để làm nhà. Hiện tại, Y Mtut đang xây dựng một căn nhà khá khang trang, rộng 70m2 trên lô đất vừa được cấp. Niềm vui của Y Mtut cũng là niềm vui chung của đồng bào hai buôn Dhia 1 và Dhia 2, nhất là các gia đình nghèo.

Buôn Dhia 1 và Dhia 2 có tổng số 363 hộ, trong đó có nhiều hộ thiếu đất ở phải sống nhờ nhà người thân hoặc ở hẳn trên các rẫy cà phê. Trước những khó khăn này, Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để quy hoạch, xây dựng điểm dân cư với quy mô khoảng 15 ha (tương đương 223 lô thổ cư), có đầy đủ các công trình giao thông, điện. Đối tượng được xem xét, cấp đất là những hộ dân nghèo của hai buôn Dhia 1 và Dhia 2 chưa có nhà ở, sống nương nhờ hoặc trên nương rẫy. Tính đến nay, đã có 116 hộ được cấp đất tại đây, trong đó có 55 hộ xây dựng xong nhà cửa và đến ở. Hiện tại, chính quyền địa phương đang tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cấp đất cho 67 hộ khác. Ngoài việc được cấp đất, các hộ dân còn được hỗ trợ 16 triệu đồng tiền mặt để làm nhà, đào giếng…

“Nuôi” con chữ ở làng Mường

Về xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông), đi đến đâu đều nghe những lời tấm tắc khen ngợi về sự học ở thôn 6 - làng Mường. 157 hộ dân trong thôn (trong đó, có 105 hộ dân tộc Mường, 60 hộ nghèo và cận nghèo) phần lớn đều phát triển kinh tế nhờ việc trồng cây lúa nước và chăn nuôi thêm. Vậy mà vừa rồi, nhiều nhà cũng trong tình trạng “trống chuồng”. Hỏi ra mới biết, không ít gia đình vừa bán đi con heo, bao lúa cuối cùng trong nhà để làm “lộ phí đi đường” cho con em mình vượt vũ môn hoặc trang trải học phí cho kỳ học mới ở giảng đường đại học! Quả thật, khó khăn vẫn chưa lùi xa nhưng sự học nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Hiện thôn 6 có gần 100 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh, chưa kể có một số con em đã ra trường, đi làm tại các địa phương trong cả nước. Nhiều gia đình có đến 3-5 con em vào đại học như hộ bà Nguyễn Thị Nhì, Bùi Cường Thái… Thôn trưởng Lê Văn Nhép cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhiều cho con, em của người Mường đến gần hơn với giảng đường đại học, tỷ lệ đỗ đại học hằng năm ở đây đạt trên 80%...


Các mô hình trình diễn góp phần giúp người dân  áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Các mô hình trình diễn góp phần giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Ở làng Mường hôm nay cái nghèo, thiếu thốn vẫn có thừa, nhưng trong hoàn cảnh ấy, bao nhiêu gia đình đã giáo dục, hướng con em mình theo đến cùng với con chữ. Khó khăn nhất phải kể đến 60 hộ nghèo và cận nghèo trong làng, song điều đáng nói là nhà nào cũng có con em đang theo học các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Sức mạnh vươn lên có lẽ ở sự tự nhận thức của bà con trong làng và trên hết, bởi họ tin rằng, học để thoát nghèo và làm giàu thêm cho xứ Mường trên cao nguyên.

Thôn 4A không có trường hợp sinh con thứ ba

Nằm trên địa bàn xã vùng sâu Cư Kbang của huyện biên giới Ea Súp, thôn 4A là nơi cư ngụ của đồng bào thuộc 8 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Thái, Cao Lan, Dao, Sán chỉ, Chứt, Kinh). Những năm trước, đa số đồng bào ở thôn 4A vẫn quan niệm “đông con hơn giòn của” dẫn đến tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày nên cái nghèo cứ mãi bủa vây.

Để cải thiện tình hình, chính quyền và các đoàn thể của thôn xác định phải bắt đầu từ việc  thay đổi nhận của người dân về sinh đẻ có kế hoạch. Với phương châm “đến tận ngõ, gõ tận cửa”, chiến dịch truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được chính quyền và các đoàn thể thôn phối hợp thực hiện chặt chẽ. Chia sẻ về công tác này, chị Ma Thị Thóa, cộng tác viên dân số thôn 4A cho biết: “Khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải trong quá trình tuyên truyền vận động là nhiều người dân không biết tiếng phổ thông, trong khi cả thôn có đến 8 dân tộc anh em sinh sống mà mặt bằng dân trí lại không đồng đều. Chính vì thế, để có thể tuyên truyền, vận động được từng gia đình, từng chị em trong độ tuổi sinh sản, chúng tôi đã phải nhờ đến đội ngũ “thông dịch viên” dịch lại những lời tuyên truyền vận động sang tiếng địa phương của họ…”. Chị Thóa cũng cho biết, thời gian đầu việc tiếp xúc với các hộ dân để tuyên truyền cũng rất khó khăn, bởi hầu như các gia đình đều có chung quan điểm là họ đẻ được thì nuôi được, không nhờ người khác phải lo. Thế nhưng, khi công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ trên nhiều mặt: tuyên truyền trực tiếp tại từng gia đình, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt phụ nữ… nhiều chị em cũng đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc sinh đẻ có kế hoạch. Mưa dầm thấm lâu, sau một thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, công tác DS-KHHGĐ của thôn đã có những đổi thay đáng kể. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm rõ rệt (trước đó, mỗi năm trong thôn luôn có những trường hợp sinh con thứ 3, thậm chí là thứ 4). Đặc biệt, trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn thôn không có các trường hợp sinh con thứ 3.

Hương Ngọc Lan Oanh


Ý kiến bạn đọc