Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng với đồng đội

12:57, 29/07/2012

Không một chút tư lợi, chẳng kể vất vả, gian nan, ngày ngày những người đã qua một thời trận mạc ấy vẫn dồn hết tâm huyết vào công việc chỉ với một niềm mong mỏi tập hợp được thật nhiều “sức mạnh” để giúp đồng đội của mình có điều kiện sống tốt hơn.


Người sống trọn nghĩa vẹn tình


Ông Phạm Quyết Thắng nghiên cứu kỹ hồ sơ của các đối tượng để rút ngắn thời gian giải quyết.
Ông Phạm Quyết Thắng nghiên cứu kỹ hồ sơ của các đối tượng để rút ngắn thời gian giải quyết.

Năm 1990, rời quân ngũ về địa phương (nay thuộc phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) thương binh 4/4 Phạm Quyết Thắng được chính quyền địa phương, đồng đội tín nhiệm cử làm cán bộ chuyên trách công tác thương binh - xã hội. Với suy nghĩ công việc được đảm nhiệm là cơ duyên để mình có thể tri ân đồng đội, ông đã không quản ngại khó khăn về giao thông, địa bàn rộng, thậm chí những cơn đau đầu hành hạ để đến 240 gia đình chính sách trên địa bàn tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng đối tượng, từ đó đề xuất với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời.

Thủa ấy, tài sản lớn nhất của vợ chồng ông Phạm Quyết Thắng chỉ là chiếc ba lô con cóc, sau nhiều năm dành dụm từ đồng lương ít ỏi mới mua được chiếc xe đạp “cà tàng”. Chính chiếc xe đạp này đã giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ, đem niềm vui đến sớm cho nhiều gia đình chính sách trong xã. “Đều đặn tới kỳ nhận tiền trợ cấp, tôi lọc cọc đạp xe lên thị xã Buôn Ma Thuột nhận tiền cho các đối tượng. Không như bây giờ, đường lúc ấy rất khó đi, có hôm cả buổi sáng chờ vẫn chưa nhận được tiền đành đạp xe về nhà ăn cơm (phụ cấp của cán bộ làm công tác thương binh xã hội “ba cọc ba đồng” nên chẳng dám vào quán ăn dù là một đĩa cơm bụi) rồi vội vàng quay ngược lại cho kịp giờ hành chính. Định bụng sau khi nhận được tiền sẽ vào quán uống ly nước cho đỡ khát nhưng nghĩ các đối tượng chính sách đang đợi ở nhà là lại nóng ruột hấp tấp đạp xe về. Một số người nhà xa, già yếu tôi đạp xe tới tận nhà phát ngay với hy vọng họ có thêm chút đỉnh để chi tiêu. Có những hôm phát xong tiền trợ cấp, đồng hồ đã điểm 22 giờ. Người mệt nhoài, nhưng bụng thấy vui”, ông Thắng bồi hồi nhớ lại.

20 năm làm công tác thương binh xã hội, điều khiến ông Phạm Quyết Thắng vui nhất là đã góp phần giúp 21 đối tượng chính sách có nhà cửa khang trang; giải quyết chế độ người có công cho 12 đối tượng và chế độ thương binh cho 7 trường hợp; hàng trăm người trên 85 tuổi, trẻ em tàn tật, mồ côi được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội…

“Sống” cùng cựu thanh niên xung phong


Chị Trịnh Thị Hương (bìa phải) giải đáp chế độ, chính sách cho cựu TNXP Nguyễn Thị Thích ở thôn 7,  xã Hòa An (huyện Krông Pak).
Chị Trịnh Thị Hương (bìa phải) giải đáp chế độ, chính sách cho cựu TNXP Nguyễn Thị Thích ở thôn 7, xã Hòa An (huyện Krông Pak).

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, chị Trịnh Thị Hương, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh hiểu rõ những hy sinh gian khổ, những cống hiến thầm lặng của lực lượng thanh niên TNXP trong kháng chiến.

Năm 1999, Nhà nước có chính sách giải quyết chế độ cho lực lượng TNXP, chị Hương cùng Ban Liên lạc Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh lặn lội đến từng xã, huyện rà soát, lập danh sách, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng. Ngoài nguồn kinh phí của cấp trên, chị tranh thủ vận động, kêu gọi các cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh sẻ chia giúp thêm cựu TNXP làm nhà tình nghĩa. Từ năm 2003 đến cuối năm 2006, Hội Cựu TNXP tỉnh đã xây dựng được 120 nhà tình nghĩa tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, lập hàng chục sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 3 triệu đồng) tặng cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong những lần tham dự các hội nghị, báo cáo điển hình, chị tranh thủ thời gian gặp gỡ các doanh nghiệp, những nhà tài trợ kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần nhằm chia sẻ khó khăn với cựu TNXP. Trong 6 tháng đầu năm 2012, chị đã đề xuất Trung ương Hội Cựu TNXP hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa và tặng 7 suất trợ cấp thường xuyên cho cựu TNXP tỉnh nhà; vận động Đoàn từ thiện Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa và tặng quà cho cựu TNXP tại các huyện Cư M’gar, M’Drak, Cư Kuin. Mới đây, chị đã hoàn chỉnh và chuyển 26 hồ sơ cựu TNPX khó khăn về nhà ở cho Ban  Liên lạc chiến sĩ Trường Sơn để xem xét hỗ trợ kinh phí làm nhà.

Những hy sinh mất mát của các cựu TNXP trong kháng chiến là rất lớn, nhưng trên thực tế, việc giải quyết chế độ, chính sách còn nhiều bất cập. Nhiều người bị thương tật nhưng không thể làm chế độ vì đơn vị cũ đã giải tán, nhiều gia đình cựu TNXP lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhưng không có cơ chế chính sách để giúp đỡ. Đây là điều chị Hương luôn trăn trở  nhất là khi những cựu TNXP nay đều đã ở tuổi ông, tuổi bà. Đều đặn vào dịp lễ, tết, chị Hương thường cùng chồng, con đến thăm những gia đình cựu TNXP, với chị đây là cách tốt nhất để tri ân đồng đội, đồng thời giáo dục con cái và nhắc nhở chính mình phải sống xứng đáng với những cống hiến của cựu TNXP.

Tấm lòng của một cựu binh


Bà Phước đang nghiên cứu tài liệu  chuyên môn.
Bà Phước đang nghiên cứu tài liệu chuyên môn.

 

Hơn 15 năm giữ vai trò cán bộ chuyên trách công tác Lao động – Thương binh Xã hội (LĐTBXH) của thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar), dường như bà Nguyễn Thị Phước đã thuộc nằm lòng địa chỉ, hoàn cảnh, đặc điểm của các đối tượng chính sách, xã hội trên địa bàn, bởi theo bà có nắm rõ hoàn cảnh mới có thể tham mưu cho lãnh đạo cách hỗ trợ phù hợp nhất.    

Cũng là một thương binh trở về sau chiến tranh, hơn ai hết bà Phước luôn thấu hiểu những đau thương, mất mát của các thương binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn, do đó bà luôn tâm niệm phải thực hiện thật tốt công việc để góp phần làm dịu những nỗi đau ấy. Tuổi tác đã cao, sức khỏe có hạn, nhưng hằng ngày bà vẫn chịu khó học hỏi, nghiên cứu tài liệu chuyên  môn, nhất là các văn bản về chế độ chính sách để có thể vận dụng chính xác, kịp thời trong công việc. Không những thế, hằng tháng, bà còn dành nhiều thời gian phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ vậy, những chính sách liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ luôn được thực hiện đầy đủ; nhiều trường hợp người dân đến kê khai, làm mới hồ sơ cũng được bà hướng dẫn, giúp đỡ tận tình; các chương trình tình nghĩa đều được thực hiện tốt. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của thị trấn đã huy động được gần 150 triệu đồng và đã phối hợp cùng ngân sách địa phương hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 12 gia đình chính sách trên địa bàn khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ; con thương binh, liệt sĩ được giải quyết chế độ trợ cấp thường xuyên và trợ cấp một lần kịp thời…

Những việc làm của bà Phước đã góp phần giúp những gia đình chính sách trên địa bàn cảm nhận được sự ấm áp của tình đồng đội, tình thương yêu, chia sẻ của cộng đồng để có thêm động lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Giờ đây, tuy không còn đảm nhiệm công tác LĐTBXH nữa, nhưng bà Phương vẫn là “cánh tay đắc lực” trong việc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương. Với người cựu binh ấy, khi nào sức khỏe còn cho phép bà còn tiếp tục việc làm tri ân công lao của những chiến sĩ, đồng đội đã quên thân vì Tổ quốc.

Kim Oanh – Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc