Multimedia Đọc Báo in

Họp chợ gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông

06:22, 06/08/2012

Chợ buôn Chàm, xã Cư Drăm (Krông Bông) là chợ trung tâm cụm 3 xã Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao. Do trong chợ đã quá tải nên mấy năm nay, nhiều bà con mang các loại hàng hóa ra bày bán ngay bên lề đường (tỉnh lộ 12), trước cổng chợ, gây cản trở giao thông và ẩn chứa những tai nạn nguy hiểm.

Do mỗi tuần chợ chỉ họp 2 phiên vào thứ tư và thứ bảy nên lượng người đi mua hàng khá đông. Mặc dù địa phương đã trích ra một phần quỹ đất để xây dựng nhà giữ xe nhưng mỗi phiên chợ vẫn có hàng trăm chiếc xe đạp, xe máy của những người đi chợ dựng ngổn ngang trên đoạn đường ngay ngã 3 trước cổng chợ. Đặc biệt, ngay trước cổng chợ, mấy năm nay vẫn còn tồn tại mội bãi rác tự phát không được xử lý, gây ô nhiễm cho những hộ dân xung quanh.

Nhiều xe máy dựng ngay dưới lòng đường.
Nhiều xe máy dựng ngay dưới lòng đường.

Tình trạng họp chợ gây cản trở giao thông cũng đang diễn ra tại chợ thôn 4, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông).  Đây là khu chợ chính lâu đời và bề thế nhất của xã, mỗi tuần họp 3 phiên vào thứ ba, thứ năm và  chủ nhật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người bán hàng cứ bày hàng hóa như: băng đĩa, gà, vịt và các loại rau củ quả… ngổn ngang xuống cả lòng đường.

Nhiều người dân khi đi chợ vì tiện lợi muốn mua hàng nhanh chóng nên cũng dừng xe giữa lòng đường để mua hàng bất chấp nguy hiểm. Bên cạnh đó, tại một số quán ăn uống và bán hàng tạp hoá gần chợ, nhiều khách hàng cũng ngang nhiên dựng xe đạp, xe máy chiếm dụng lòng lề đường làm cho đoạn đường đã chật hẹp lại càng chật hẹp thêm. Tình trạng họp chợ này làm ách tắc giao thông nghiêm trọng, mất mỹ quan nơi công cộng cũng như ô nhiễm môi trường.

Đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan sớm sắp xếp lại trật tự chợ buôn Chàm, xã Cư Drăm cũng như xử lý nghiêm những trường hợp họp chợ lấn chiếm lòng lề đường tại chợ thôn 4, xã Hòa Phong.

Tùng Lâm – Long Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.