Multimedia Đọc Báo in

Trụ cầu bê tông tiền tỷ bị bỏ hoang, người dân “đánh đu” tính mạng cùng cầu tạm

06:57, 20/08/2012

Cao điểm của một mùa mưa lũ nữa đang đến và người dân xã Vụ Bổn (Krông Pak) lại phấp phỏng nỗi lo cầu tạm bắc qua suối Nước Trong. Ngay cạnh đó, những mố cầu bê tông hoành tráng được xây dựng hàng tỷ đồng vẫn bỏ hoang chờ… hỏng như “trêu ngươi” người qua đường...

Người dân đang gia cố lại những đoạn cầu hỏng để chống chọi với mưa lũ...
Người dân đang gia cố lại những đoạn cầu hỏng để chống chọi với mưa lũ...

Chị Nguyễn Thị Chương ở thôn 6 than thở: “Nhìn mấy cái trụ cầu đồ sộ nằm phơi mưa nắng gần chục năm nay mà người dân phải đi cầu tạm bên cạnh mà thấy thật khó hiểu. Tôi có con trai chuẩn bị vào học lớp 10 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thị trấn Phước An, sắp tới mỗi ngày cháu đều phải đi học 25km qua cầu Nước Trong (địa phận thôn 15 và thôn 1). Mùa mưa bão rồi, cầu thì năm nào cũng bị ngập, bị trôi và có người chết đuối, tôi lo quá!”… Không chỉ gây lo lắng cho hàng trăm phụ huynh có con đi học qua cầu mà từ nhiều năm nay chiếc cầu tạm đã trở thành nỗi ám ảnh, làm gián đoạn giao thông, hạn chế trong lưu thông hàng hóa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như gây bất tiện trong sinh hoạt cho hơn 10 nghìn người dân ở 16 thôn phía bên kia sông mỗi khi mùa mưa lũ tới.

Thực ra, cầu Nước Trong (hay còn gọi là cầu 15, cầu Vụ Bổn) thuộc địa bàn xã Vụ Bổn được khởi công xây dựng năm 2004, sau khi con đường từ huyện Krông Pak đi huyện Krông Bông thông suốt. Theo thiết kế, cầu được làm bằng bê tông với chiều dài trên 100 m, tổng vốn đầu tư  gần 10 tỷ đồng, thời gian thi công 1 năm, do Tổng công ty cà phê Việt Nam (VINACAFE) cấp vốn giao cho Nông trường 718 đóng trên địa bàn làm chủ đầu tư quản lý xây dựng. Nhưng sau khi xây xong 4 trụ và mố cầu bằng bê tông hết hơn 2 tỷ đồng, năm 2005 nhà thầu phải dừng vì không có vốn tiếp tục thi công. Năm 2006 VINACAFE ra quyết định giải thể Nông trường cà phê 718, sau đó chuyển cho Công ty Cà phê 719 làm chủ đầu tư, nhưng không bố trí vốn nên công trình vẫn… nguyên trạng. Cuối năm 2009, trước những bức xúc cũng như nhu cầu cấp thiết của người dân, UBND tỉnh gửi công văn đề nghị VINACAFE tiếp tục đầu tư để sớm đưa cây cầu vào sử dụng nhưng không có phản hồi. Hiện 4 trụ cùng 2 mố cầu sau thời gian dài “thi gan cùng mưa nắng” đã xuống cấp nghiêm trọng. Để giải quyết việc đi lại của người dân sinh sống trong vùng, đầu năm 2010 UBND xã Vụ Bổn đã cho tư nhân thầu xây dựng cầu phao bắc qua sông. Cầu được ghép bởi những thùng phuy, mặt cầu là những thanh gỗ xẻ đóng đinh và buộc dây thép trông khá tạm bợ nhưng lượng người và phương tiện giao thông đi lại đông đúc. Những lúc nước dâng cao, cầu chòng chành chao đảo rất đáng sợ, nhiều đoạn các thanh gỗ bị bong ra khiến một số người và phương tiện qua lại rơi xuống sông. Đặc biệt, năm nào mùa lũ cũng có người thiệt mạng vì qua cầu bị nước cuốn trôi. Thấy cầu hư hỏng nhiều, bà con sinh sống 2 bên cầu thường tự nguyện đưa vật liệu, gỗ, đinh vít ra gia cố lại nhưng cũng chỉ là tạm thời chỉ đủ cho xe máy và phương tiện thô sơ qua lại. Vào mùa mưa, cầu ngập khiến người dân 16 thôn bên kia sông thường chịu cảnh thiếu thốn lương thực, thực phẩm, nông sản làm ra không thể vận chuyển đi tiêu thụ được bị dồn ứ, hư hại. Thầy giáo Phạm Văn Trường, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây cho biết, hàng năm trường đều có vài ba tuần nghỉ học bất đắc dĩ vì mưa lũ trôi cầu, ngập cầu, giáo viên và học sinh đều không thể đến lớp…

Tiền tỷ bị bỏ hoang mà hàng nghìn người dân vẫn “đánh đu” tính mạng với cầu tạm. Biết bao giờ người dân xã Vụ Bổn mới có cây cầu an toàn?

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc