Viết tiếp khúc quân hành
Rời quân ngũ trở về, dù mang trên mình những vết thương của chiến tranh, song thương binh Nguyễn Văn Ngự vẫn miệt mài viết tiếp “khúc quân hành” trên mặt trận phát triển kinh tế, đóng góp cho các phong trào ở địa phương. Ý chí kiên định, quật cường ở người thương binh ấy đã trở thành tấm gương cho các con ông - thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình.
Ông Nguyễn Văn Ngự (thứ 6 từ phải sang) nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. |
Chiến tranh đã qua đi nhưng trong tâm trí thương binh Nguyễn Văn Ngự ký ức về một thời bi hùng vẫn vẹn nguyên bởi đó là những ngày tháng vào sinh ra tử, những trận chiến mà ranh giới giữa sự sống và cái chết dường như không có. Hồi tưởng lại quá khứ, ông xúc động kể: “17 tuổi thoát ly gia đình tham gia cách mạng, sau đó được bổ sung vào Đại đội 323 Công binh Tỉnh đội Dak Lak, tôi rất tự hào và vinh dự được tham gia chiến dịch Tây Nguyên 10-3-1975, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Sau khi đất nước thống nhất, tôi tiếp tục tham gia chiến dịch truy quét Fulrô và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam giúp nước bạn Campuchia. Trong quá trình chiến đấu và huấn luyện, sau những lần bị thương, 1/3 cánh tay phải của tôi đã ở lại chiến trường…”.
Năm 1990, rời quân ngũ, thương binh Nguyễn Văn Ngự trở về với gia đình tại TP. Buôn Ma Thuột. Trước hoàn cảnh khó khăn đủ bề: mẹ già, con thơ, vợ lại nghỉ chế độ 176, là người trụ cột của gia đình, ông không cho phép mình nản chí. Ông mạnh dạn vay vốn của bạn bè, đồng đội mở quán giải khát để vợ buôn bán và mở một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Đồng vốn cứ thế nhân lên, cuộc sống gia đình ngày càng được cải thiện và ổn định. Khi kinh tế đã có chút dư giả, ông tiếp tục huy động vốn của anh em bạn bè đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh. Phương châm “chậm mà chắc” đã đưa cơ sở sản xuất nhỏ lẻ manh mún khi xưa trở thành Công ty Cổ phần Xây dựng Bảy Ngự với vốn kinh doanh ước trên 15 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng, trong đó hầu hết là thương binh, cựu chiến binh và con em của họ.
Có lẽ, điều mà nhiều bạn bè đồng nghiệp tâm đắc ở thương binh Nguyễn Văn Ngự là tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với người gặp hoạn nạn. Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, ông còn xây dựng 2 nhà tình nghĩa, 1 nhà tình thương tặng các gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở phường Tân Lợi, nơi gia đình ông định cư. Đồng thời, ông còn giúp nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Lối sống hết mình, không nản chí trước khó khăn, kiên định với cách làm mình lựa chọn từng bước đi đến thành công của thương binh Nguyễn Văn Ngự đã trở thành tấm gương để các con ông noi theo. Thổ lộ những suy nghĩ về người cha, “người bạn lớn” của mình, cô con gái Nguyễn Thị Thùy Luyên của ông chia sẻ: “Thực ra, em là thế hệ được sinh ra trong hòa bình và chỉ biết những khó khăn của một gia đình thương binh trong thời bình, sự trưởng thành của 3 chị em gắn liền với sự chịu khó lao động, không quản ngại khó khăn của ba và sự hy sinh âm thầm của mẹ. Một lần theo ba đi công tác, em mới thấu hiểu được nỗi vất vả khó nhọc của cha mẹ để nuôi 3 con ăn học đầy đủ. Chính sự kiên cường của ba và sự nhẫn nại của mẹ đã giúp em rút ra được phương châm sống: không có gì là không thể, nếu đủ quyết tâm và niềm tin”. Cũng vì từ những ngày còn nhỏ, trong tâm trí Thùy Luyên và các em, Ba luôn là “thần tượng” nên những năm qua, cả 3 chị em cô luôn nỗ lực học tập, giành nhiều thành tích để không phụ sự khó nhọc của ba mẹ. Luyên kể: “Từ lúc còn học phổ thông, mỗi lần em đi thi học sinh giỏi cấp trường, cấp thành phố hay cấp tỉnh, dù ba có bận đến mấy cũng luôn là người đưa em đi thi. Đến bây giờ, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, ba cũng luôn là người đồng hành với em. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh để em học tập và cống hiến…”. Có nguồn cổ vũ, động viên lớn từ ba mẹ, Luyên nỗ lực học tập và gặt hái được nhiều thành công. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luyên được giữ lại trường, hiện đã hoàn thành chương trình cao học và đang làm giảng viên tại Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).
Không hề thua kém “chị hai”, thành tích học tập của các em Luyên cũng rất đáng tự hào. Cô em gái thứ 2 Nguyễn Thị Quỳnh Ly vừa tốt nghiệp Khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên và đang theo học bác sĩ chuyên khoa. Cô em út Nguyễn Quý Thi Thi, học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Nguyễn Du, giờ đã là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Không tự nhận mình là những người kiên định, mạnh mẽ, nhẫn nại như ba, mẹ, song cả 3 người con của thương binh Nguyễn Văn Ngự đều đã và đang cống hiến sức trẻ để góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh giống như thủa xưa cha của họ đã góp sức để mang lại hòa bình cho đất nước.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc