Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện công làm gì để thu hút thầy thuốc giỏi?

09:44, 04/09/2012

Những năm qua, mặc dù ngành Y tế đã chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao tại các trung tâm y tế lớn của cả nước nhằm bổ sung kịp thời đội ngũ thầy thuốc giỏi phục vụ công tác khám chữa bệnh trên địa bàn, song đến thời điểm này, các cơ sở y tế công lập của tỉnh vẫn đang “khát” nhân lực.

Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bằng việc chủ động tuyển dụng và thực hiện các chính sách thu hút, thời gian qua, cơ cấu nhân lực của ngành Y tế không ngừng được củng cố và tăng cường. Nhiều bệnh viện trên địa bàn được tăng cường cán bộ có trình độ thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II làm công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, so với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thì nguồn nhân lực Y tế hiện nay, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao trong lĩnh vực điều trị vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt. Điều này đã tạo sức ép lớn đối với cả thầy thuốc và người bệnh. Có thể nhìn nhận thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song cơ bản nhất vẫn là môi trường làm việc tại các cơ sở y tế chưa đủ hấp dẫn để thu hút được thầy thuốc giỏi về làm việc. Trên thực tế, ai cũng biết nghề y là một nghề được đào tạo đặc biệt vì nó liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy, tốt nghiệp Đại học sau thời gian dài học tập với chi phí tốn kém, hầu hết các sinh viên y dược đều muốn tìm môi trường công tác hấp dẫn cả về vật chất tinh thần để có điều kiện phát huy năng lực và có thu nhập tương xứng. Trong khi đó, điều kiện làm việc và thu nhập tại các bệnh viện công, nhất là bệnh viện tuyến huyện lại “thiếu thốn trăm bề” đã không đủ sức để “giữ chân” đội ngũ này.

Nhằm từng bước khắc phục thực trạng này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế tìm giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để đào tạo, đáp ứng yêu cầu số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy: để có được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng thì “chiêu hiền, đãi sĩ” là hai vấn đề rất quan trọng. Do đó, để thu hút nhân tài, ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách thu hút cán bộ về công tác lâu dài tại tỉnh, trong đó các bác sĩ có bằng sau đại học sẽ được hưởng chế độ ưu tiên như: Thạc sĩ được hỗ trợ ban đầu 15 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II là 20 triệu, Tiến sĩ là 25 triệu và bác sĩ chuyên khoa I là 10 triệu. Đồng thời, ngành cũng đề nghị tỉnh cho thực hiện chính sách đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học theo địa chỉ, đào tạo cử tuyển bác sĩ đối với người địa phương, đào tạo tại chỗ, gửi cán bộ y bác sĩ đi đào tạo tại các trung tâm y tế lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, để chủ động giải bài toán về nguồn nhân lực trong những năm tiếp theo, nhất là việc “giữ chân” người tài, ngành cũng đã đề ra một số giải pháp cụ thể.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Bùi Trường Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài chính sách thu hút thì cơ chế là rất quan trọng, mà để có một cơ chế thông, thoáng, đầu tiên là phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sao cho các bệnh viện khang trang, có máy móc thiết bị để bác sĩ áp dụng được kỹ thuật, kiến thức của mình đã học. Thứ hai là phải xây dựng được môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, chia sẻ và quyền lợi minh bạch. Thứ ba là tạo được thu nhập tương xứng với trình độ tay nghề của y bác sĩ. Chính vì vậy, để từng bước tạo môi trường làm việc ngày càng tốt hơn cho cán bộ y tế, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các dự án về y tế kết hợp với công tác xã hội hóa, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng như bệnh viện tuyến huyện đã và đang được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tiên tiến và đưa các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại vào áp dụng trong khám chữa bệnh như: chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT-SCANNER); siêu âm Doopler tim/ mạch,  chụp X quang thường quy bằng phương pháp kỹ thuật số, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng, chạy thận nhân tạo, tán sỏi ngoài cơ thể… Để tăng thêm thu nhập cho cán bộ y bác sĩ, ngành đã đề nghị tỉnh cho phép các bệnh viện được thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu. Hiện tại, do hạ tầng cơ sở còn hạn chế nên giá thu khám chữa bệnh theo yêu cầu chưa cao, nguồn thu nhập tăng thêm của nhân viên bệnh viện cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, tiến tới sẽ thực hiện trong bệnh viện công có một phần bệnh viện tư để cạnh tranh lành mạnh giữa tư nhân và Nhà nước; đơn vị nào làm tốt, tạo được uy tín thì người bệnh sẽ đến điều trị. Trên cơ sở đó những bác sĩ giỏi trong bệnh viện công cũng có thu nhập ngang bằng bệnh viện tư.

Với việc quan tâm đào tạo, thu hút và sử dụng hợp lý nhân lực có trình độ cao; tạo điều kiện một cách toàn diện để các thầy thuốc có thể phát huy năng lực, trí tuệ trong hoạt động chuyên môn mà ngành Y tế đã và đang thực hiện, hy vọng rằng trong những năm tới sự thiếu hụt thầy thuốc giỏi tại các bệnh viện công trên địa bàn sẽ dần được khắc phục.  

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.