Tuổi trẻ Krông Ana: Chung tay xây dựng nông thôn mới
Bằng những việc làm thiết thực, hình thức đa dạng các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện Krông Ana đã và đang phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới.
Huyện Krông Ana hiện có hơn 24.410 đoàn viên thanh niên, trong đó thanh niên nông thôn chiếm trên 80%, đây là lực lượng lao động góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” và phương châm hành động “Mỗi thanh niên một việc làm, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”, từ điều kiện thực tế tại địa phương Huyện Đoàn Krông Ana đã xây dựng kế hoạch thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới với các chỉ tiêu cụ thể như: động viên đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chủ động nâng cao trình độ học vấn, kiến thức, tích cực học nghề; tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên; vận động ĐVTN tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, làm đường giao thông nông thôn; giúp đỡ các gia đình chính sách ngày công lao động sửa chữa, xây dựng nhà cửa, thu hoạch mùa... Anh Đào Đức Hiệp, Phó Bí thư Huyện Đoàn cho biết: “Để ĐVTN hiểu rõ hơn Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới”, thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, Huyện Đoàn còn lồng ghép việc tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình hiến đất xây dựng nông thôn mới, gương thanh niên làm kinh tế giỏi”. Từ khi triển khai cho đến nay, tuổi trẻ toàn huyện đã làm mới và tu sửa được 82 km đường; tuyên truyền 40 buổi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ra quân giải phóng các chợ tạm họp trái phép, xóa bỏ 205 biển quảng cáo rao vặt…
Mô hình trồng nấm rơm của gia đình thanh niên Trương Ngọc Hà thôn Dray Sáp (xã Dray Sáp) góp phần giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên trong thôn. |
Cùng với đó, Huyện Đoàn thường xuyên phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Cựu chiến binh huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho ĐVTN. Trong 5 năm (từ 2007-2012) Huyện Đoàn đã tổ chức 19 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 1.017 lượt ĐVTN; hỗ trợ 200 triệu đồng cho 10 dự án thanh niên; tín chấp trên 15 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thanh niên vay vốn sản xuất. Từ sự hỗ trợ của Huyện Đoàn nhiều ĐVTN đã vươn lên thoát nghèo làm giàu trên mảnh đất quê hương. Điển hình như anh Nguyễn Duy Thuần, Bí thư Chi đoàn thôn Ana, xã Dray Sáp sau khi được vay vốn khởi nghiệp, anh đã đầu tư mua 300 kg cá trắm cỏ giống về nuôi, mỗi năm thu nhập 80 triệu đồng từ cá. Anh Trương Ngọc Hà, Thôn Dray Sáp (xã Dray Sáp) với mô hình sản xuất nấm và trồng điều mỗi năm thu nhập 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 đến 8 lao động. Ngoài ra, anh còn tham gia phối hợp cùng Trung tâm dạy nghề huyện hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nấm cho hơn 100 học viên. Là những người vừa bước vào nghề trồng nấm nhưng 3 thanh niên H’Jen Adrơng ở thị trấn Buôn Trấp với mô hình trồng nấm linh chi; H’Bdrin Êban trồng nấm rơm; H’Uôm Êban trồng nấm sò đều ở buôn M’Blớt (xã Ea Bông) sau khi được hỗ trợ dạy nghề và vay vốn đã phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao… Anh Trương Ngọc Hà chia sẻ: “Thanh niên chăm lo phát triển kinh tế đẩy lùi nghèo đói, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc cũng là một trong những mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”.
Ngoài ra, Huyện Đoàn còn chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên như tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao... Một trong những công trình thanh niên được các cơ sở Đoàn đăng ký thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực trong những năm qua là xây dựng sân bóng chuyền tại 26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 820 triệu đồng góp phần tạo ra địa điểm sinh hoạt thiết thực, lành mạnh cho thanh thiếu nhi.
Với những kết quả đã đạt được, ĐVTN trong huyện hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực chung tay góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở những vùng quê, để đưa Cuộc vận động xây dựng “Nông thôn mới” của huyện sớm về đích.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc