Huyện Đoàn Cư Kuin đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp
Với sự hỗ trợ của Huyện Đoàn, cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Cư Kuin đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Tích cực chuyển giao khoa học-kỹ thuật
Trước kia, gia đình thanh niên Hoàng Văn Tuấn (thôn 11 xã Ea Tiêu) được bố mẹ cho hơn 2 sào cà phê nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp, thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi được tham gia tập huấn về quy trình chăm sóc cà phê do Huyện Đoàn phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức, anh mạnh dạn áp dụng vào sản xuất nên năng suất và chất lượng vườn cà phê đã cải thiện rõ rệt. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cần cù lao động, đến nay anh đã có 3 sào ao nuôi cá nước ngọt, 700 trụ tiêu và 1,5 ha cà phê, mỗi năm thu lợi nhuận 200 triệu đồng. Anh đã giúp 6 thanh niên khó khăn trong thôn vay 100 triệu đồng phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho 12 thanh niên địa phương. Anh Tuấn chia sẻ: “tham gia các lớp tập huấn do Huyện Đoàn phối hợp tổ chức, tôi đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích về cách trồng, chăm sóc tiêu, cà phê, sử dụng hợp lý các loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại trên từng loại cây trồng”.
Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng cà phê và tiêu của gia đình anh Nguyễn Đức Cường, thôn 13 xã Ea Ktur. |
Huyện Cư Kuin hiện có 17.452 thanh niên trong đó thanh niên nông thôn chiếm 55%, đây là lực lượng tích cực trong lao động, sản xuất nhưng do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật nên nhiều hộ vẫn luẩn quẩn trong cảnh nghèo. Huyện Đoàn đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp dạy nghề như: Thú y, chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật trồng nấm, ủ phân vi sinh; vận động thanh niên tham gia thực hiện phong trào “Bốn mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới và mô hình mới); phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, trình diễn các mô hình… Từ đó ĐVTN nắm vững và ứng dụng hiệu quả kỹ thuật trồng, chăm sóc những loại cây trồng chính như: cà phê, tiêu, lúa... Những phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng ủ phân hữu cơ bón cây, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa bảo vệ môi trường. Anh Niê Lai, Bí hư Huyện Đoàn cho biết: “ĐVTN ngoài việc được tham gia các lớp tập huấn, còn được Huyện Đoàn tổ chức đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, qua đó giúp họ tìm tòi, học hỏi để có thêm kiến thức sản xuất”.
Hỗ trợ vốn kịp thời
Thực hiện chương trình cho ĐVTN vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đến nay các cơ sở đoàn huyện Cư Kuin đã thành lập 42 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ gần 29 tỷ đồng, hỗ trợ 1.658 hộ thanh niên phát triển kinh tế. Ngoài ra, Huyện Đoàn còn hướng dẫn ĐVTN lập các dự án với tổng mức vay 3,7 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư sản xuất.
Với sức trẻ, quyết không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, cộng với sự “trợ sức” của tổ chức Đoàn từ nguồn vốn ủy thác, nhiều thanh niên đã vươn lên làm giàu chính đáng. Như trường hợp anh Nguyễn Đức Cường (thôn 13 xã Ea Ktur) quê ở Hải Phòng vào Dak Lak lập nghiệp năm 1995 với 2 bàn tay trắng. Nhờ năng nổ nhiệt tình trong công tác Đoàn anh được tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn thôn. Năm 2007 anh được Đoàn xã tín chấp vay Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng. Có vốn, cộng với kiến thức tích lũy từ các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, anh đã mạnh dạn đầu tư chăm sóc 4 sào cà phê. Đến nay không những trả hết nợ mà anh còn mua thêm được 1,5 ha cà phê, 2 sào ruộng lúa, 2 sào tiêu, mỗi năm thu lãi trên 120 triệu đồng. Anh Cường cho biết: “Chỉ cần nắm vững kỹ thuật, chịu khó học hỏi kinh nghiệm người đi trước và dùng đồng vốn vay đúng mục đích thì thành công sẽ đến”. Hay như anh Lò Văn Hải (thôn 18 xã Ea Ktur) từ Lào Cai vào Dak Lak lập nghiệp năm 1998. Sau khi đi tham quan học hỏi các mô hình nuôi cá đạt hiệu quả cao trong tỉnh, anh đã vay mượn người thân, cùng với số vốn được Đoàn thanh niên tín chấp cho vay mua hơn 2 ha mặt nước nuôi cá. Anh chọn mua con giống có chất lượng cộng với nắm vững kỹ thuật cho cá ăn, cách phòng bệnh nên cá lớn nhanh, bán được giá, từ đó có vốn mua hơn 1 ha cà phê, đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo, vịt… Nhờ biết tính toán khoa học, nhạy bén với cơ chế thị trường và chịu khó nên mỗi năm anh thu lãi trên 200 triệu đồng…
Hiện nay trên địa bàn huyện Cư Kuin có khoảng 100 hộ gia đình thanh niên có tổng thu nhập từ 50 đến 200 triệu đồng, tiêu biểu như: Lê Ngọc Hoàng (xã Dray Bhăng), Trần Công Suất (xã Ea Hu), Đinh Hữu Thanh (xã Ea Ning)… Năm 2011, huyện vinh dự có 2 thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Ngoài ra các hình thức giúp nhau lập nghiệp còn được các cơ sở đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả như: giúp nhau về ngày công lao động, về vốn, kinh nghiệm sản xuất… Tiêu biểu ở các chi đoàn thuộc buôn đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập được 27 tổ, nhóm giúp nhau hàng vạn ngày công lao động. Hay như mô hình Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” của chi đoàn thôn 11 xã Ea Tiêu…
Hoạt động Đoàn đã góp phần hình thành lớp thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc