Multimedia Đọc Báo in

Nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12)

Tuyên truyền đúng cách tạo hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS

20:03, 01/12/2012

Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã và đang được thực hiện với nhiều biện pháp khác nhau, trong đó hoạt động tuyên truyền là một trong những phương pháp góp phần giảm sự lây lan một cách tích cực, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế, đầy đủ hơn về HIV/AIDS, cảm thông và chia sẻ đối với những người đang mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”.

Tư vấn điều trị bệnh cho người nhiễm HIV tại phòng tư vấn,  xét nghiệm tự nguyện, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.
Tư vấn điều trị bệnh cho người nhiễm HIV tại phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV tỉnh, thời gian qua Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức như: phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai mô hình “Toàn dân phòng, chống HIV/AIDS”; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV theo từng ngành, từng lĩnh vực; xây dựng các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện; truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, với sự tài trợ của các dự án, mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS qua Nhóm tiếp cận cộng đồng, Nhóm đồng đẳng cũng đã được triển khai… Song để đạt hiệu quả đòi hỏi mỗi hoạt động truyền thông phải có một cách làm riêng.

Đứng trước thực tế người nhiễm HIV/AIDS thường có thái độ mặc cảm, tự ti, gặp nhiều khó khăn trong khi tái hòa nhập cộng đồng, đội ngũ cán bộ y bác sĩ tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đã thường xuyên tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau giúp bệnh nhân cảm thấy được gần gũi, chia sẻ, có tâm lý tốt hơn và yên tâm điều trị. Để tạo thuận lợi cho người bệnh, từ năm 2005 các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện bắt đầu đi vào hoạt động với chức năng cung cấp thông tin về HIV/AIDS, hướng dẫn cách phòng tránh và làm xét nghiệm HIV/AIDS. Các phòng tư vấn xét nghiệm được đặt tại nhiều địa chỉ giúp người dân tiếp cận dễ dàng. Đến đây, tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng và được giữ bí mật về tên tuổi, địa chỉ… Chính nguyên tắc hoạt động “Miễn phí, bí mật, giấu tên” đã làm cho các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện trở thành chỗ dựa tin cậy của nhiều người dân, nhất là những người có nguy cơ cao trên địa bàn.

Song song với hoạt động của các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, Nhóm tiếp cận cộng đồng được xem là điểm nhấn trong truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Hoạt động dưới sự tài trợ của tiểu dự án Lighep, Nhóm tiếp cận cộng đồng có 12 thành viên chia thành 3 nhóm và hoạt động theo cặp với những chỉ tiêu cụ thể: mỗi tuần, một thành viên phải tiếp cận được 6 lượt khách hàng là những đối tượng có nguy cơ cao; trong tháng, mỗi thành viên phải đưa được ít nhất 3 khách hàng đến cơ sở y tế để tư vấn, xét nghiệm và quay lại lấy kết quả; thu gom được 1 hộp bơm kim tiêm bẩn và mỗi cặp thành viên phải có 2 khách hàng mới… Để đạt những con số tưởng chừng rất ít ỏi ấy, các thành viên trong nhóm đã phải tốn rất nhiều công sức. Nhóm trưởng Lê Bình chia sẻ: “để lấy lại niềm tin nơi những con người đã mất niềm tin vào cuộc sống không phải là việc đơn giản, các thành viên trong nhóm phải dành nhiều thời gian tiếp xúc, làm quen sao cho các đối tượng tin mình; đồng thời phải vận dụng các mối quan hệ tìm cho “khách hàng” một công việc thích hợp để họ cảm nhận được mình không bị bỏ rơi, từ đó sống tích cực hơn và có ý thức trong việc giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, phòng tránh lây nhiễm cho người thân, bạn bè”. Có thể nói, hiệu quả truyền thông mà Nhóm tiếp cận cộng đồng mang lại trong suốt gần 7 năm hoạt động không chỉ là tiếp cận được với hàng nghìn lượt đối tượng có nguy cơ cao, giúp đưa hàng trăm đối tượng trong số ấy đến với cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và nhận thuốc điều trị, mà hiệu quả cao cả hơn, mang đậm tính nhân văn hơn như nhận xét của Thạc sĩ Lê Đình Vinh chính là việc rút ngắn khoảng cách giữa những người nhiễm HIV/AIDS và cộng đồng, giúp người bệnh có kiến thức cơ bản để phòng tránh lây nhiễm, tạo cho họ lối sống tích cực hơn để dần tái hòa nhập với xã hội.

Có thể thấy, trong nỗ lực chung của toàn xã hội phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và trong bối cảnh chưa tìm ra thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng HIV/AIDS thì hoạt động truyền thông giáo dục hành vi được xem là “vắc xin” hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này. Đặc biệt, khi hoạt động truyền thông được thực hiện có trọng tâm, đúng hướng, đúng đối tượng thì hiệu quả mang lại càng nhân lên bội phần. Tuy nhiên, một trở ngại lớn hiện nay là mặc dù công tác truyền thông đã được triển khai đa dạng nhưng việc đưa thông tin đến với người dân vùng sâu, vùng xa là một thách thức, bởi nó đòi hỏi phải có kênh thông tin riêng ngay tại địa phương nhưng kinh phí thực hiện lại không có; nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về đại dịch HIV/AIDS chưa đầy đủ, nhiều người vẫn quan niệm nhiễm HIV là gắn liền với tệ nạn xã hội nên càng làm tăng sự phân biệt đối xử với người bệnh… Thiết nghĩ, để công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn đạt hiệu quả, ngày càng có nhiều người bệnh được tiếp cận với dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe, ngoài các hoạt động của ngành chức năng, mỗi người dân, mỗi gia đình cần phải có cái nhìn tích cực hơn nữa đối với người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.