Multimedia Đọc Báo in

Từ những nguồn tin bạn đọc

07:34, 15/01/2013

Với nghề làm báo, thông tin luôn là mục tiêu, là đích đến, và cũng chính là “món ăn” của mỗi tờ báo gửi đến với độc giả. Thế nên, để có được những “món ăn” ấy, người viết báo phải thâm nhập thực tế, tìm tòi, nghe ngóng, khai thác, xác minh, chọn lọc… những thông tin “đắt” nhất, chính xác nhất, có giá trị nhất trước mọi sự kiện diễn ra từng giờ, từng ngày trong đời sống xã hội. Và một trong những nguồn thông tin quan trọng đối với mỗi phóng viên, mỗi tờ báo, không đâu xa, chính là từ bạn đọc.

Nhắc lại chuyện bạn đọc cung cấp thông tin cho báo chí, chúng tôi không thể nào quên ông Phạm Xuân Đài, một người nông dân bình thường ở xã Cư M’lanh (huyện Ea Súp). Cách đây mấy năm, ông từ Ea Súp lặn lội ra tận tòa soạn Báo Dak Lak tìm gặp Tổng Biên tập để phản ánh một thực trạng vô cùng bức xúc ở địa phương: lâm tặc tự do hoành hành trong rừng Cư M’lanh. Bằng chứng mà người nông dân này đưa ra là hàng chục tấm ảnh chụp cảnh lâm tặc cưa xẻ gỗ, kéo gỗ công khai trong rừng mà ông đã lặn lội, mai phục hằng tháng trời trong rừng chụp được. Thông tin này ngay lập tức được Tổng Biên tập Báo Dak Lak chỉ đạo phóng viên về tại Cư M’lanh điều tra kiểm chứng. Cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Đài, nhóm phóng viên Báo Dak Lak đã về rừng Cư M’lanh điều tra vụ việc và xác định được những gì bạn đọc phản ánh là hoàn toàn chính xác. Ngay sau đó, Báo Dak Lak có loạt bài phóng sự điều tra “Xác xơ những cánh rừng Ea Súp”, phản ánh tình trạng rừng bị xâm hại nghiêm trọng, trong khi đó cán bộ quản lý bảo vệ rừng thì lại thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý… Vụ việc sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo xử lý kiểm điểm nhiều cán bộ giữ rừng ở đây…

Nhiều vụ phá rừng mà báo chí phản ánh và thu hút sự quan tâm của dư luận được bắt nguồn từ nguồn tin của bạn đọc từ cơ sở.
Nhiều vụ phá rừng mà báo chí phản ánh và thu hút sự quan tâm của dư luận được bắt nguồn từ nguồn tin của bạn đọc từ cơ sở.

 Vào khoảng đầu năm 2009, phóng viên Báo Dak Lak nhận được mẩu tin nhắn của một bạn đọc với nội dung: có nhiều sai phạm tại Ban Quản lý Dự án Rừng phòng hộ đầu nguồn (gọi tắt là Ban QLRPH) Krông Năng cần được nhà báo vào cuộc điều tra làm rõ. Từ nguồn thông tin này, sau một thời gian điều tra thu thập chứng cứ, Báo Dak Lak đã có nhiều tin bài phản ánh về những sai phạm nghiêm trọng trong công tác giao đất giao rừng, bán rừng trái pháp luật, buông lỏng quản lý… Sau khi có thông tin phản ánh trên báo, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Công an đã vào cuộc điều tra. Kết quả là nhiều cán bộ lãnh đạo, nhân viên của Ban QLRPH Krông Năng đã bị bắt vì những sai phạm nghiêm trọng.

Mới đây nhất là vụ Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An (gọi tắt là Công ty Cà phê Phước An) tự ý bán hồ, đập cho cá nhân, khiến người dân trồng cà phê trong vùng không có nước tưới. Thông tin này được một số người dân gọi điện thoại và viết đơn gửi đến các cơ quan báo chí “kêu cứu”. Vụ việc sau khi được phản ánh trên mặt báo, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cà phê Phước An cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan báo chí. Tại buổi làm việc này, sau khi nghe lãnh đạo công ty giải trình cùng với ý kiến của các bên liên quan, đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh lại toàn bộ vụ việc, báo cáo với UBND tỉnh để có kết luận cuối cùng. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo thu hồi lại các hợp đồng sang nhượng hồ đập mà Công ty Cà phê Phước An đã bán cho cá nhân…

Không chỉ là những thông tin phản ánh về tiêu cực, mặt trái của xã hội, nhiều thông tin về những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt… cũng thường xuyên được bạn đọc “mách nước” với Báo Dak Lak. Đó là những thông tin về chuyện người dân hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa; chuyện về những cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo; chuyện về “Ông Tính “gàn” bỏ tiền túi ra làm thủy lợi cho hàng chục héc ta lúa nước ở Krông Bông; chuyện vể “người “điên” trên đỉnh Yang Hanh” tự đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi cá hồi, cá tầm trên đỉnh núi Yang Hanh; chuyện về người dân ở thôn Xuân Thái (xã Phú Xuân, Krông Năng) bỏ công góp của ra xây dựng “Cây cầu đoàn kết” bắc qua sông Krông Năng…

Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện, những đề tài để hình thành nên tác phẩm báo chí được bắt nguồn từ những thông tin của bạn đọc mà không thể kể hết ra đây được. Điều này cho thấy, bạn đọc đã luôn kỳ vọng và tin yêu Báo Dak Lak. Và ngược lại, chính niềm tin và tình yêu của bạn đọc đã “thắp lửa” cho chúng tôi - những người làm Báo Dak Lak – tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của nghề báo.

Nhân kỷ niệm 37 năm thành lập Báo Dak Lak, chúng tôi xin được nhắc lại những câu chuyện nhỏ với nghề, để thay lời tri ân bạn đọc!     

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.