Nghề làm nhang nơi phố núi
Ngày nay, ít người biết đến xuất xứ của nghề làm nhang và phong tục thắp nhang của người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, nhưng điều mà ai cũng nhận thấy nén nhang và phong tục thắp nhang là một nét tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp rất đỗi thiêng liêng trong tâm thức mỗi người Việt. Nén nhang được con người quan niệm như một sợi dây vô hình gắn kết giữa thực tại với hư ảo, giữa những con người trên trần gian với những linh hồn đã khuất...
Không gây tiếng ồn như các ngành nghề ở khu công nghiệp, nghề làm nhang ở các cơ sở hương nhang trầm lắng như làn khói tỏa ra từ những nén nhang thơm. Trước đây, tất cả các công đoạn của nghề làm nhang từ khâu chẻ tăm tre, nhào bột, se nhang… đều phải làm thủ công. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, nhiều loại máy móc hiện đại được đưa vào sử dụng trong nghề này. Tuy nhiên, ở một số công đoạn, đòi hỏi người lao động phải làm bằng bàn tay khéo léo, tỉ mỉ theo những vòng nhang.
Theo chân một cán bộ địa phương, tôi có dịp ghé thăm và tìm hiểu về cơ sở sản xuất hương nhang Ngọc Hà, tổ 29, khối 3, phường Thành Nhất (TP.Buôn Ma Thuột). Đây là một trong những cơ sở ít ỏi của địa phương còn duy trì nghề làm nhang. Chị Mai Thị Mão, chủ cơ sở Ngọc Hà cho biết, chị cũng không nhớ rõ chị học nghề làm nhang từ khi nào, chỉ biết trong gia đình từ đời ông bà nội cho đến bố mẹ chị đều theo nghề nhang; sinh sống, gắn bó và cũng có nhiều duyên nợ, thăng trầm với nghề này. Được sự truyền đạt của các thế hệ đi trước, chị tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, bí quyết trong nghề. Bởi thế, khi vào lập nghiệp tại vùng đất mới (Dak Lak) chị không ngần ngại “bám” nghề, duy trì nghề cho đến ngày nay. Gia đình chị sản xuất nhang quanh năm, nhưng tập trung cao điểm nhất là những tháng mùa khô, bắt đầu từ tháng 10 năm nay đến hết tháng 3 năm sau. Đó là thời điểm thời tiết thuận lợi cho việc phơi nhang và lúc đó nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp Tết của người dân. Để có những nén nhang thơm, ngoài nguyên liệu tăm tre sẵn có ở địa phương, cơ sở phải nhập các nguyên liệu như quế, hồi, thuốc bắc để làm bột nhang ở các tỉnh phía Bắc. Đối với nghề này, quan trọng nhất vẫn là khâu pha chế, nếu pha chế không đúng cách thì không những mùi hương của nhang không thơm mà thời gian cháy cũng không kéo dài, rủi ro nhất là nhang cháy không đều, cháy không hết, tắt giữa chừng. Nếu như làm nhang thẻ có máy móc hỗ trợ thì làm nhang vòng đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay người thợ. Chị Phan Thị Mai (TP.Buôn Ma Thuột), một người có kinh nghiệm làm nhang 5 năm cho hay: để nhang vòng cháy lâu, ngoài khâu pha chế nguyên liệu, người thợ phải vê đều vòng nhang để vừa bảo đảm thẩm mỹ vừa tránh trường hợp nhang bị gãy khúc khi cháy. Những người mới vào nghề, nhất định chủ cơ sở không giao làm nhang vòng mà chỉ cho đóng hộp, “bắn” nhang thẻ và phơi nhang.
Các cơ sở sản xuất nhang trên địa bàn Dak Lak không nhiều, lại chủ yếu là cơ sở có quy mô nhỏ ở các gia đình nên trong quá trình sản xuất, nhất là khâu phơi nhang phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo dựng được thương hiệu, đầu ra không ổn định nên theo nghề này cũng lắm bấp bênh. Chị Mão chia sẻ: thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chị sẽ liên hệ tìm kiếm mối tiêu thụ, không những ở địa bàn trong tỉnh mà ở nhiều tỉnh thành khác để cơ sở mở rộng sản xuất. Qua đó, vừa duy trì nghề cha truyền con nối bao đời nay của gia đình, vừa tạo công ăn việc làm thường xuyên cho lao động ở địa phương, nhất là đối với những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Làm nhang thẻ ở cơ sở hương nhang Ngọc Hà (TP. Buôn Ma Thuột) |
Khi ánh mặt trời bắt đầu lặn xuống dãy núi, là lúc người lao động xếp những nén nhang ngay ngắn, cẩn thận vào nhà sau một ngày phơi nắng. Hy vọng rằng, sau những nỗ lực của chủ cơ sở cũng như những người làm nghề nhang, hương nhang phố núi sẽ tạo dựng được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần ổn định đời sống của người lao động tại địa phương.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc