Nhịp cầu nối bờ yêu thương
Những câu chuyện đầy cảm động nói về tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái qua lời kể truyền cảm, xúc động từ anh chị đoàn viên, thanh niên trong chương trình Kết nối yêu thương do Đoàn phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột tổ chức đã giúp các em nhận ra những cái sai, cái xấu của mình để từ bỏ. Từ đó, mỗi em biết yêu thương gia đình, cha mẹ hơn, thấy được trách nhiệm và trân trọng cuộc sống hiện có.
Phút trải lòng...
Gần 100 em (từ bậc tiểu học đến THPT) tham gia chương trình Kết nối yêu thương, mỗi em có hoàn cảnh, tính cách khác nhau. Trong đó, có em đã từng lấy trộm tiền của bố mẹ để đi chơi, có em bị bố mẹ cấm quen bạn trai, em thì bố mẹ không quan tâm, chăm sóc... Vì nhiều lý do nên lâu nay hầu hết các em không thể trải lòng mình cùng ba mẹ, người thân. Tuy nhiên, ở đêm giao lưu của chương trình Kết nối yêu thương các em đã gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình qua từng trang giấy. 17 năm sống trong vòng tay ba mẹ, nhận được sự yêu thương, đùm bọc, nhưng chỉ đến khi tham gia chương trình Kết nối yêu thương, Du Hany (học sinh lớp 11) mới dám trải lòng mình để gửi đến ba mẹ. Em đã khóc rất nhiều khi đặt bút viết những dòng thư: ..."Có lúc con cáu gắt và cãi lại mẹ, lúc nhăn nhó và bỏ đi khi mẹ la rầy vì những lỗi lầm của con. Những lúc con bất kính với chí (ba) và mẹ, lúc đó con đã biết mình làm sai nhưng không muốn thừa nhận. Rất nhiều lần con đã nói dối mẹ nhưng mẹ vẫn tin tưởng và bỏ qua cho con...".
"Mẹ và ba đã khuyên dạy, chỉ bảo nhưng con không nghe mà nhiều lần còn quát mắng hay cãi lại làm ba mẹ khóc vì con. Những gì ba mẹ làm đều vì con nhưng con đã vô tâm. Con đã làm bao nhiêu điều sai trái song ba mẹ vẫn yêu thương con. Con đã muốn nói điều này với ba mẹ nhưng không nói được, nay con thay những lời nói bằng cách viết yêu thương gửi tới ba mẹ rằng con yêu ba mẹ rất rất nhiều..." đó là tâm sự của em Phạm Phương Trang (học sinh lớp 7). Bố mẹ chia tay, cuộc sống của Trang bị đảo lộn và kéo theo đó là những thay đổi về tâm lý. Bố mẹ chắc hẳn đã từng nghĩ em là một đứa con khó bảo. Nhưng không, ẩn sâu trong cái vỏ bọc lì lợm, bất trị của em là tình yêu thương ba mẹ, gia đình nhỏ của mình. Có thể, những tâm sự, tình cảm đó sẽ được giấu kín nếu như em không tham gia chương trình Kết nối yêu thương. Trong bức thư của mình, Trang hứa "sẽ không bao giờ cãi lại ba mẹ, không làm ba mẹ buồn lòng nữa" và em mong ước: "Ba mẹ sẽ về sống với nhau".
Có thể nói, mỗi bức thư là một lời tâm sự chân thật; đặc biệt nhiều em đã trải lòng mình cùng với những giọt nước mắt hối hận, lời xin lỗi vì sự sai trái, ngang bướng đã làm phiền lòng cha mẹ. Bên cạnh đó còn có những lời hứa sửa sai và cố gắng chăm ngoan học giỏi. Tuy nhiên, cũng có bức thư chỉ mỗi một câu: "Con xin lỗi ba mẹ", "Ba mẹ ơi con đã sai rồi" hay "Con yêu ba mẹ nhiều lắm"... nhưng đằng sau nó là sự thay đổi nhận thức về lòng yêu thương gia đình, cha mẹ. Điều này cũng chính là mục đích hướng tới của Đoàn phường Thành Công khi đứng ra tổ chức chương trình Kết nối yêu thương.
Hòa nhịp yêu thương
Với mục đích làm cầu nối giữa cha mẹ và con cái, giúp khoảng cách giữa hai thế hệ trở nên gần gũi và hiểu nhau hơn nên sau khi kết thúc chương trình, những lời tâm sự của các em qua bức thư đã được Đoàn phường gửi đến tận tay những bậc làm cha mẹ. Đọc xong những lời tâm sự đó, nhiều phụ huynh đã hiểu con mình hơn. Mẹ của em Du Hany tâm sự: “trước đây mình cứ nghĩ con bé chỉ là một đứa trẻ không biết quan tâm, yêu thương ba mẹ. Có lần đi làm về mải lo công việc, đến tối kiểm tra lại ví tiền thấy mất 200.000 đồng mình đã nghi cho con lấy trộm dù con bé khăng khăng không nhận. Đến khi biết không phải là con lấy thì mình cũng không quan tâm nói một lời xin lỗi con. Bây giờ, hiểu được tâm tư, tình cảm của con, mình cảm thấy con bé là đứa rất tình cảm”. Trong cuộc sống nhiều lúc bậc làm cha mẹ do không chịu lắng nghe con đã vô tình tạo nên "khoảng trống".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Bí thư Đoàn phường chia sẻ: "Để thay đổi thái độ, nhận thức của các em, tôi đã sưu tầm những câu chuyện về tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái hay chuyện về người con sống ích kỷ, chỉ biết bản thân mình đã khiến ba mẹ buồn lòng, để rồi khi nhận ra hạnh phúc không còn trọn vẹn thì đã muộn, như chuyện Người mẹ điên, Người cha bị câm, Bữa cơm đoàn viên, Bữa cơm ở thiên đường... Điều làm tôi bất ngờ là các em đã khóc rất nhiều, khóc như đó chính là câu chuyện của bản thân, gia đình mình". Chúng ta cũng biết, nếu cha mẹ thường xuyên gần gũi, quan tâm tới con cái thì những đứa trẻ đó sẽ được phát triển tốt về mặt tâm lý cũng như đời sống tình cảm. Có một điều quan trọng hơn nữa, khi các em không được phát biểu, không được cha mẹ lắng nghe, tôn trọng, lớn lên chúng sẽ trở nên thiếu tự tin, không thể khẳng định bản thân và rất khó thành công trong cuộc sống.
Trong khi tình trạng xâm hại trẻ em, bạo lực học đường và vi phạm pháp luật ở một bộ phận giới trẻ có xu hướng gia tăng thì việc tổ chức những chương trình để giáo dục đạo đức, lối sống và nhận thức đúng đắn cho các em là điều rất cần thiết. Là đơn vị sáng tạo ra mô hình và lần đầu tổ chức chương trình Kết nối yêu thương, Đoàn phường Thành Công đã trở thành cầu nối gắn kết giữa cha mẹ và con cái, giúp các em biết trân trọng tình cảm gia đình và cuộc sống hiện tại. Chương trình được đông đảo phụ huynh đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc