Multimedia Đọc Báo in

Những mùa đông xa quê

21:03, 12/02/2013

Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa đều gợi lên những sắc thái cảm xúc riêng. Cảm nhận về đông tàn, người ta thường co mình lại vì cái lạnh, nhưng dường như đó mới chính là sức mạnh và bí quyết để mùa đông thổi lửa yêu thương, lòng người muốn được sưởi ấm của tình thân hơn bao giờ hết...

Xốn xang hơi ấm đồng quê

Ngày tạm biệt làng quê, nơi có những câu quan họ dùng dằng người đi người ở để sang Pháp làm việc, kỹ sư trẻ Đàm Mạnh Cường thường bảo, có gì đâu mà buồn, mà nhớ, giờ thông tin liên lạc hiện đại, chỉ cần gọi điện là nghe được giọng nói quê hương và nắm được tình hình ở nhà. Hiện anh đang làm việc tại Colmar một thành phố ít mưa nhất, thuộc vùng Alsace của Pháp. Vốn có thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên với thành tích từng là thủ khoa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh cứ ngỡ mình sẽ cứng rắn và lý trí như những con số khoa học khô khan kia. Nhưng thời gian 3 năm nơi đất khách quê người, anh đã trải nghiệm và tìm được những bí ẩn nơi chính tâm hồn mình mà từ lâu chưa được đánh thức.

Hội chợ Noel trên đất Pháp
Hội chợ Noel trên đất Pháp

Mỗi độ cuối năm, nhìn những bông tuyết rơi trên đất Pháp thì nỗi nhớ quê hương trong anh càng da diết. Lòng lại tự nhủ, độ này quê mình giờ cũng đông tàn chớm đón xuân sang. Ngày đông vùng quê quan họ của anh chẳng bao giờ có tuyết nhưng nhiều sớm mai sương muối trắng trời, cách vài mét không thấy mặt người. Anh lại ngỡ như văng vẳng đâu đây tiếng thở dài của mẹ: “Sương muối suốt thế này, mấy luống khoai tây coi khéo lại hỏng hết!”. Trời Âu lạnh giá, thiết bị sưởi ấm được dùng không chỉ trong nhà mà ngay trên các phương tiện giao thông công cộng. Giữa cuộc sống hiện đại ấy, anh lại nhớ đến nao lòng cách chống rét một thuở hàn vi. Ngày đó, sau mùa gặt, mẹ thường để dành những bó rơm nếp, làm thật sạch, phơi thật khô rồi trải xuống dưới chiếu để nằm cho đỡ lạnh. Những ổ rơm ấm áp, thơm nồng như thế đã giúp cho cả gia đình vượt qua mùa đông khi thiếu chăn ấm, nệm êm.

Những ngày đi làm, do tính chất công việc, bữa ăn của anh có thể chỉ chế biến nhanh gọn với mỳ Ý hay pizza, thậm chí là bánh mì ăn kèm phomat và xúc xích. Nhưng ngày nghỉ cuối tuần anh lại tẩn mẩn đi chợ, tìm gia vị và vài loại rau củ đặc trưng trong các tiệm bán đồ châu Á để chế biến những món ăn dân dã Việt Nam rồi mời những người bạn Pháp cùng thưởng thức để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhất là trong cái giá lạnh của mùa đông. Còn vào dịp Tết Nguyên đán, thường thì tại các thành phố lớn, Hội Người Việt Nam tại Pháp sẽ tổ chức thuê địa điểm và tổ chức bài trí, biểu diễn các tiết mục văn nghệ chào năm mới. Mọi người tụ họp từ trước và làm bánh chưng, giò, nem cùng nhiều thực phẩm mang hương vị Việt. Nhưng như vậy thì thích hợp hơn cho những người Việt đã có gia đình hoặc định cư lâu năm. Du học sinh hoặc những lao động trẻ tuổi như anh thường tự tổ chức họp mặt và nấu các món ăn ngày Tết, rất thân mật, thoải mái. Buổi gặp mặt thêm rôm rả, xúc động, bồi hồi với những câu chuyện quê hương khi cứ sau mỗi cuộc điện thoại gọi về Việt Nam, người này thì kể cả nhà đang quây quần ăn cơm tất niên, người kia lại hồ hởi khoe Tết này ngoại mình mừng thượng thọ 90 tuổi...

Bằng nhiều cách, những người xa Tổ quốc như anh Cường tự tổ chức, động viên nhau sưởi ấm lòng mình và vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhưng có một điều chắc chắn là nỗi nhớ có vơi đi, tình yêu với hai tiếng thiêng liêng “quê hương” thì càng thêm da diết. Xa quê, hoài niệm về gia đình luôn thổn thức...

Quê hương là màu đỏ…

Từng cơn gió nhẹ thổi qua ở miền đất xa xôi nước bạn lại làm Đinh Sơn Nhật Thăng - du học sinh đang theo học ngành kiến trúc tại Đại học RMIT - Australia nhớ quê nhà da diết, nhớ mùi nắng gió của những ngày cuối đông chớm xuân sang trên miền đất đỏ ba zan. Tết Việt lại đúng vào kỳ nghỉ hè của sinh viên Úc nên nỗi nhớ càng có chỗ thổn thức trong trái tim người con xa xứ.

Nỗi nhớ cái không khí cuối năm, nhớ những đợt gió, mùi hương và cả sắc đỏ ối của cà phê… nhuộm tím cả trời Tây! Ở quê nhà mùa này, gió vẫn hắt từng cơn thổi về khiến ai đó khẽ khàng kéo dài tay áo… Rồi mỗi tối, bạn bè lại tụ năm tụ bảy, rủ nhau đi lòng vòng quanh tượng đài Ngã sáu Ban Mê - nơi đẹp nhất của thành phố trẻ để cảm nhận những cơn gió rít cuối mùa, để xuýt xoa trước cái lạnh, ngắm dòng người thong dong tản bộ, ngắm phố phường về đêm. Rảo bước trên những con phố, thấm mệt thì ghé vào hàng quán ngồi lót dạ cho ấm bụng bằng tô phở nóng, nhâm nhi ly cà phê sóng sánh đen, thơm nức… mà nghe lòng êm đến lạ!

Đinh Sơn Nhật Thăng (bìa phải) và bạn học cùng lớp trước cổng trường Đại học RMIT- Australia
Đinh Sơn Nhật Thăng (bìa phải) và bạn học cùng lớp trước cổng trường Đại học RMIT- Australia

Xa nhà, trên đất bạn xa xôi, chàng sinh viên Việt lại ngồi lật giở từng tấm ảnh quen thuộc, thân thương của gia đình, gửi vào trang web cá nhân vài dòng cảm xúc ghi vội lúc giao mùa, hay lang thang đến những ngã đường của khu Footcray- khu phố của người Việt tìm lại chút không khí của quê nhà, để nghe giọng nói ấm áp xứ mình, để thưởng thức món bún bò thơm cay, hoặc được ăn cơm với bát canh rau muống, dĩa mắm cà dầm tương của quê nhà, hay chỉ muốn đến đây để nghe ai đó hát lên một bài hát Việt rồi nghêu ngao hát theo mà chưa bao giờ nghe hay đến thế và nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà... Nhật Thăng chia sẻ, đối với những ai đi học xa nhà, xa gia đình thì chỉ cần mỗi một ngọn gió nơi xứ lạ cũng đủ làm lòng mình co thắt lại, hai tiếng “quê nhà” sao nghe rất đỗi thiêng liêng!

Những ngày cận kề của năm cũ, lại xa quê, một cảm giác lâng lâng trong lòng thật khó tả, muốn được về đoàn tụ gia đình, thắp cho ông bà nén nhang và chúc nhau câu chúc xuân an lành... Nỗi nhớ đến lúc đã trở nên day dứt, Nhật Thăng lại mời bạn bè nước sở tại đến khu phố Footcray “chiêu đãi” vài món ăn quê nhà, rồi có dịp ngồi huyên thuyên không biết chán về thú ẩm thực đặc sắc của quê hương mình…  Tết Việt đang đến cận kề, lòng chàng sinh viên xa xứ lại trào dâng một nỗi nhớ, thấy thèm một cái Tết quê nhà, nhớ cái se lạnh cuối năm, nhớ không khí ấm áp đêm giao thừa, cả nhà cùng dắt nhau tản bộ vòng qua những con phố, chờ khoảnh khoắc đón mừng năm mới… Xa nhà, xa quê mới thấm thía giá trị của gia đình, của tình quê. Giữa xốn xang của  cảm xúc, Nhật Thăng bộc bạch, nhiều lúc cứ bồi hồi tự nhủ, nếu phân loại những gam màu của cuộc sống này thì quê hương trong lòng những người con xa xứ như mình sẽ là màu gì? Đó sẽ là màu đỏ - màu của trái tim, màu của tình yêu đất Việt…

Mong là cầu nối yêu thương

Mùa Đông nước Pháp, cả thành phố mờ ảo trong màn sương tạo cảm xúc đặc biệt cho những người sống xa quê hương. Với bà Thérése Ký, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, mùa đông luôn gợi bao nỗi nhớ. Thời ấu thơ với những kỷ niệm ngọt ngào mà mỗi khi nhớ lại khiến bà không khỏi mỉm cười, đó là những lần được về quê thăm ông bà, xúng xính trong bộ quần áo mới, nói những lời chúc mừng tốt đẹp để được lì xì…. Còn nhiều lắm những món ăn, những trò chơi của tuổi thơ đã trôi xa ở vùng sông nước Nam bộ, nhưng vẫn để lại bao thương nhớ về một thời hồn nhiên, trong trẻo. Bà Thérése Ký bồi hồi: “Không riêng gì tôi mà nhiều người Việt sinh sống tại Pháp mỗi khi gặp nhau đều nhắc lại kỷ niệm tuổi thơ. Điều này những tưởng đã ngủ quên trong miền ký ức, bị nhấn chìm trong nỗi lo cơm áo gạo tiền, giữa bộn bề công việc thì nay trỗi dậy, ùa về, nức nghẹn trước sự thay đổi của tiết trời, của cảnh vật để rồi mọi người cùng bật cười và xen lẫn chút tiếc nuối, nhớ mong...”.

Bà Thérése Ký (người mặc áo dài tím) với các cháu Trường Mẫu giáo buôn Ea Tút, xã Pơng Drang (huyện Krông Buk)
Bà Thérése Ký (người mặc áo dài tím) với các cháu Trường Mẫu giáo buôn Ea Tút, xã Pơng Drang (huyện Krông Buk)

Bà Thérése Ký cho biết, sang định cư ở Pháp từ những năm 1950, các con, cháu bà đều sinh ra và lớn lên tại Pháp nên hầu như chỉ biết về ngày Tết qua lời kể. May mắn năm nào Tết cổ truyền trùng với dịp lễ hoặc ngày cuối tuần cả nhà mới được quây quần bên mâm cơm, còn lại đều bận đi làm, đi học. Mấy năm gần đây, Hội Người Việt Nam tại Pháp đều tổ chức đón Tết tại Tòa nhà UNESCO với chương trình dạ hội để bà con người Việt mừng năm mới. Trong đêm dạ hội, ngoài chương trình văn nghệ với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa 3 miền Bắc-Trung-Nam còn có các gian hàng ẩm thực truyền thống của Việt Nam, mọi người được thỏa thích lựa chọn món mà mình ưa thích. Có năm Hội còn tổ chức thi hát và trao thưởng cho người xuất sắc nhất. Cũng tại những đêm dạ hội này, Hội đã kêu gọi mọi người gây Quỹ “Nhịp cầu nhân ái”. Với cộng đồng người Việt sinh sống bên Pháp thì đây là giây phút hiếm hoi để mọi người gặp gỡ nhau, hỏi thăm nhau sau một năm làm việc vất vả nên ai nấy đều háo hức, mong chờ đến ngày Tết cổ truyền. “Cũng tại đêm dạ hội này cách đây 6 năm, tôi đã được gặp gỡ một số nghệ nhân cồng chiêng trong nước sang Pháp biểu diễn. Dẫu không am hiểu lắm về văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên nhưng những bài hát, điệu múa, đặc biệt là âm thanh của tiếng chiêng do các nghệ nhân biểu diễn trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi ấy thật thú vị!”, bà Thérése Ký kể. Qua giới thiệu của trưởng đoàn nghệ nhân Dak Lak, Hội Người Việt Nam tại Pháp quyết định trao 300 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở huyện Ea Súp và xây dựng nhà mẫu giáo ở huyện Krông Buk.

Trong cái lạnh của mùa đông nước Pháp, nỗi nhớ quê và cả niềm thương những học trò nghèo, những cảnh đời bất hạnh càng khiến bà cùng cộng đồng Việt kiều ở đây nỗ lực để tiếp tục làm “nhịp cầu nhân ái” sưởi ấm yêu thương...

Đàm Thuần – Đỗ Lan – Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc