Multimedia Đọc Báo in

Sự chuyển mình của giao thông nông thôn ở xã vùng sâu

07:06, 14/02/2013

Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, trong 2  năm 2011-2012 nhiều con đường ở các địa phương vùng sâu vùng xa của tỉnh và đang to đẹp, khang trang hơn…

Xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) có Quốc lộ 14 chạy qua khoảng 9 km; đường liên xã với chiều dài trên 13km, chủ yếu là đường đất và cấp phối; đường ngõ xóm trên 8km và đường nội đồng gần 30km. Trước đây, hầu hết các tuyến đường ở Ea Ral chưa được đầu tư xây dựng do thiếu kinh phí, trong khi phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) ở địa phương chưa có sức lan tỏa trong nhân dân. Đầu năm 2011, Đảng ủy, UBND xã đã xác định GTNT là một tiêu chí khó, bởi khối lượng công việc lớn, nguồn vốn đầu tư cao, trong khi vốn phân bổ lại rất hạn hẹp. Do đó, trong xây dựng kế hoạch tuyên truyền, địa phương chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng để mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững chủ trương, chính sách, nội dung, cách làm và những giải pháp, để từ đó giải thích cho nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của GTNT trong xây dựng NTM. Đồng thời qua đó huy động tối đa sức người, sức của trong toàn thể nhân dân để phong trào này trở thành “làn sóng” lan tỏa mọi thôn, buôn. Nhờ vậy, trong 2 năm 2011-2012, chiến dịch ra quân làm đường GTNT được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Xã đã bê tông hóa được 3,7km đường nội thôn, với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng, riêng nhân dân đóng góp trên 1,3 tỷ đồng và 2.600 ngày công. Trong đó, nhân dân thôn 2 xây dựng được 4 tuyến, với 1,2km; thôn 3 xây dựng 5 tuyến, với 1km; thôn 6A xây dựng được 3 tuyến, với 0,5km; thôn 7 xây dựng được 3 tuyến, với chiều dài 1km. Càng đến gần thềm năm mới, hầu hết làng trên xóm dưới, buôn gần buôn xa ở Ea Ral đang hăng hái thi đua làm GTNT. Nhà có mặt đường chạy qua tự nguyện hiến đất, phá dỡ công trình kiên cố, phát quang bờ bụi để giải phóng mặt bằng, nhà trong ngõ sâu tích cực tham gia ngày công, huy động phương tiện, máy móc và đóng góp tiền bạc… để năm tới, số tuyến đường được bê tông hóa không ngừng tăng lên.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông ở xã Dang Kang (huyện Krông Bông) tuy đã được đầu tư nhưng còn ở mức thấp, tiêu chuẩn kỹ thuật hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình khai thác sử dụng. Một số tuyến đường liên thôn, nội đồng và tỉnh lộ 9 chạy qua đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế không ổn định, sản xuất, thu hoạch phụ thuộc lớn vào điều kiện khí hậu; đa phần người dân tại địa phương là đồng bào DTTS tại chỗ nên công tác vận động làm đường ở Dang Kang gặp không ít trở ngại. Nhưng với quyết tâm cao để “cái khó không bó cái khôn”, Đảng ủy xã Dang Kang đã xác định việc phải làm ngay là đầu tư nâng cấp, mở rộng và làm mới hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong năm 2012, nhiều tuyến đường nội thôn, buôn, đường nội đồng ở địa phương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, thông thương hàng hóa. Cùng với nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của huyện gần 600 triệu đồng, xã đã vận động người dân tự giải tỏa 2.400m hành lang, hiến hơn 4.800m2 đất để mở rộng 1,2km đường giao thông từ đập Dang Kang hạ đi suối Ea Dray. Tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình 135 giai đoạn 2, địa phương đã bê tông hóa gần 1km đường giao thông tại các buôn Cư Ênun A, Cư Ênun B và Cư Păm. Nhận thấy thực trạng yếu kém chung của giao thông nội đồng ở địa phương là yếu tố làm cản trở việc sản xuất của người dân, khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên cao do phải thuê xe chở nông sản, phân bón; việc cơ giới hóa nông nghiệp cũng không tiến hành được do đường nội đồng lầy lội v.v… xã đã huy động đông đảo người dân ra quân sửa chữa đường nội đồng. Điển hình trong phong trào này có buôn Dang Kang và buôn Cư Ênun A. Trong năm 2012, người dân 2 buôn này đã đóng góp 12 triệu đồng, tham gia 241 ngày công, 50 lượt xe công nông chở đất, đá để sửa chữa 3km đường giao thông nội đồng. Ông Y Pluăn Niê (buôn Cư Ênun A) bộc bạch: lúc đầu thôn vận động hiến đất làm đường, mình cũng băn khoăn, do dự, nhưng khi nghe cán bộ giải thích rõ về tầm quan trọng của việc mở rộng đường giao thông, mình đã bàn với gia đình, sau đó tự nguyện hiến 100m2 đất thổ cư, 26 cây cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh.

Phong trào GTNT phát triển mạnh mẽ, nhiều con đường cũ được nâng cấp, nhiều tuyến đường mới đã và đang được hình thành đã góp phần không nhỏ trong việc rút ngắn đường lên nương rẫy của bà con, đường đến trường của các em nhỏ, thêm gần khoảng cách giữa miền xuôi, miền ngược và tạo sự chuyển biến về kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc