Multimedia Đọc Báo in

Những bóng hồng “vững tay chèo” trên thương trường

17:42, 28/03/2013

Họ là những nữ doanh nhân duyên dáng, có tài kinh doanh và rất tâm huyết với công việc. Không chỉ “vững tay chèo” vượt qua sóng gió trên thương trường...

với tấm lòng và trách nhiệm với xã hội, những “bóng hồng” duyên dáng ấy còn cố gắng tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động, hỗ trợ những người nghèo… 

Người gắn bó với nông dân


Chị Đặng Thị Hoa tư vấn kỹ thuật  cho nông dân.
Chị Đặng Thị Hoa tư vấn kỹ thuật cho nông dân.

 

Là Trưởng đại diện văn phòng Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Thanh Hà nhưng chẳng mấy khi chị Đặng Thị Hoa có mặt tại văn phòng. Phần lớn thời gian chị xuống tận vườn để tư vấn kỹ thuật cho nông dân khi dùng sản phẩm phân bón của công ty. Từng công tác trong ngành nông nghiệp, sau khi nghỉ hưu, chị nhận lời làm đại diện cho công ty Thanh Hà cũng bởi mong muốn góp một chút công sức giúp người nông dân biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều năm sống ở Tây Nguyên, gắn bó với người trồng cà phê, chị Hoa nhận thấy để tái canh cà phê, người nông dân phải nhổ bỏ rất nhiều cà phê già cỗi và sau 5-7 năm trồng lại mới có thu hoạch; trong khi đó, công ty Thanh Hà có những chế phẩm sinh học có thể giúp cải tạo, phục hồi và kéo dài chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê thêm 5-10 năm và nếu phải nhổ bỏ cây cà phê thì dùng sản phẩm này có thể trồng lại ngay được (không cần thời gian phục hồi đất). Sản phẩm phân bón này lại rất dễ hấp thu đối với cây trồng, không chỉ bón gốc như những loại phân bón khác mà có thể được phun cây để cây hấp thụ qua lá, cành… nên có hiệu quả rất tốt. Đặc biệt, do ứng dụng công nghệ hữu cơ sinh học kết hợp với công nghệ cao (công nghệ enzym, nano, đất hiếm) vào sản xuất nên sản phẩm phân bón công nghệ cao này không những giúp tăng năng suất nhiều lần so với bình thường mà còn bảo vệ môi trường sinh thái. Để những sản phẩm này phát huy được hiệu quả rõ rệt thì cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của công ty hướng dẫn. Thế là, chị Hoa và các cán bộ của văn phòng trở thành tư vấn kỹ thuật của nông dân, đến tận vườn để hướng dẫn và cùng làm với nông dân, giải đáp khi người nông dân có thắc mắc và xử lý ngay khi có vấn đề nảy sinh. Để người nông dân có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với sản phẩm của công ty, chị còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng trồng trọt Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn thực hiện nhiều mô hình để nông dân tham khảo. Công việc bận rộn khiến chị đi công tác gần như quanh năm suốt tháng, điện thoại luôn thường trực 24/24 và việc giải đáp thắc mắc của nông dân vào lúc đêm khuya hay mờ sáng là chuyện… bình thường. Không ít lần, chị Hoa và các cán bộ của công ty phải chạy xe hàng chục cây số đến ngay vườn của nông dân để giúp họ xử lý hậu quả vì áp dụng sai quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, chị và các cán bộ công ty còn tham gia soạn thảo những cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết quy trình sử dụng phân bón để phát tận tay cho người sử dụng. Cũng nhờ cách tiếp cận trực tiếp với nông dân, lại tận tình, chu đáo nên chị Hoa và nhiều cán bộ tư vấn của công ty trở thành những người bạn thực sự của nhà nông.

Trong quá trình làm việc với nông dân, chị Hoa nhận thấy có rất nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên sản xuất không đạt năng suất cao, khó thoát nghèo. Chị đã tham mưu với công ty thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ nông dân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo; theo đó, tùy từng hoàn cảnh của các hộ, công ty có thể hỗ trợ 30%, 50% hoặc miễn phí khi sử dụng sản phẩm, kèm với đó là tư vấn kỹ thuật hoàn toàn. Nhờ vậy, rất nhiều hộ nông dân nghèo được tiếp cận với sản phẩm phân bón của công ty Thanh Hà, lại được hướng dẫn kỹ thuật tận tình nên sản xuất có hiệu quả.

Áp lực công việc và phải đi công tác liên tục nhiều lúc cũng khiến chị Hoa mệt mỏi nhưng khi thấy nhiều nông dân ứng dụng sản phẩm mang lại hiệu quả, vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao thì chị lại có động lực để tiếp tục làm việc. Tự hào vì sản phẩm phân bón của công ty Thanh Hà ngày càng được nhiều nông dân ở khu vực Tây Nguyên biết tiếng, chị Đặng Thị Hoa còn vui vì công việc của mình cũng góp phần giúp người nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất.

Nữ giám đốc có nhiều hoạt động xã hội


Nữ Giám đốc Nguyễn Thị Cẩm
Nữ Giám đốc Nguyễn Thị Cẩm

 

Không chỉ kinh doanh giỏi, chị Nguyễn Thị Cẩm, Giám đốc Công ty Ô tô xe máy Ngọc Vũ, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) còn được biết đến là một trong những người có nhiều hoạt động xã hội thiết thực.

Năm 1993, chị Cẩm thành lập doanh nghiệp Ngọc Vũ chuyên kinh doanh, sản xuất xe máy cày, rơmooc, cối xay bắp lúa… phục vụ nông nghiệp. Đến năm 2000, chị quyết định chuyển đổi sang kinh doanh mua bán và dịch vụ sửa chữa các loại xe gắn máy. Đây là một quyết định khá táo bạo của nữ doanh nhân này bởi vì lúc ấy việc kinh doanh máy cày và rơmooc của doanh nghiệp đang rất tốt với lượng khách hàng đông đảo, nhưng với sự nhạy bén của mình, chị Cẩm nhận thấy rằng kinh doanh xe máy là một thị trường rất tiềm năng để phát triển. Chỉ 3 năm sau, Công ty Ngọc Vũ đã được Công ty Yamaha Motor Nhật Bản tin tưởng tín nhiệm làm đại lý chính thức cho cả ba tỉnh: Dak Lak – Dak Nông – Bình Phước. Lấy chữ “tín” làm đầu nên trong những năm qua, dù phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt và những khó khăn chung của nền kinh tế nhưng công ty vẫn kinh doanh có lãi. Từ một cửa hàng với 10 nhân viên ban đầu, đến nay công ty đã có hơn 9 cửa hàng với hơn 200 nhân viên với mức lương bình quân từ 3,5 - 20 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty Ngọc Vũ cũng đang có kế hoạch mở rộng ra thêm thị trường ở huyện Krông Năng.

Là chủ doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Cẩm rất quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân viên trong công ty như: xây dựng sân bóng đá mini tạo sân chơi cho nhân viên, tài trợ cho các giải bóng đá, bóng chuyền. Năm 2010, công ty của chị cũng là một trong 5 doanh nghiệp đầu tiên của cả nước thành lập Chi hội Phụ nữ trong doanh nghiệp. Đến nay, Chi hội phụ nữ tại công ty có hơn 100 hội viên, tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, như: trích quỹ hội cho những hộ hội viên vay để phát triển kinh tế. Chi hội cũng kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của chị em, giúp chị em “gỡ rối” những khi gặp khúc mắc; nhờ vậy, càng củng cố tình đoàn kết của cán bộ, công nhân viên trong công ty.

Xuất thân từ một gia đình đông con, gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng với biết bao khó khăn vất vả, nên hơn ai hết chị Cẩm  rất hiểu và trân trọng những thành quả lao động của mình. Cũng nhờ những năm tháng vươn lên từ gian khó mà chị muốn chia sẻ với những người kém may mắn, bất hạnh trong cuộc sống. Vì vậy, chị rất tích cực tham gia các phong trào của địa phương, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, như: xây nhà tình thương, tài trợ đêm ca nhạc ủng hộ người nghèo, phát gạo cứu đói, tặng áo ấm, bánh trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tặng bò cho người dân nghèo… Công ty Ngọc Vũ đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội – từ thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ea Kar.

Nữ doanh nhân có nhiều ý tưởng mới


Chị Ngô Thị Hải (phải) tư vấn khách hàng tại cửa hàng Ngân Sâm Yến.
Chị Ngô Thị Hải (phải) tư vấn khách hàng tại cửa hàng Ngân Sâm Yến.

 

Nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng đầy quyết đoán là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với nữ doanh nhân Ngô Thị Hải. Chị sinh năm 1971, và đúng "cái chất" của người con gái Hải Phòng, chị luôn là người tiên phong trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Năm 2000, khi đặt chân đến TP. Buôn Ma Thuột, chị Hải nhận thấy đây là một thành phố trẻ năng động nhưng lại cực kỳ thiếu các khu vui chơi cho trẻ em. Ý tưởng mở một khu vui chơi cho trẻ em lập tức xuất hiện trong đầu chị. Thế là từng chiếc cầu trượt, từng chiếc bập bênh hay những nhà bóng, nhà lều xinh xắn được chị mang về và khu vui chơi trẻ em đầu tiên của tỉnh Dak Lak được hình thành từ đó. Xứng đáng với vai trò là người tiên phong trong lĩnh vực trò chơi trẻ em, chị Hải tiếp tục xây dựng các khu vui chơi ở các huyện khác trong tỉnh. Nói thì dễ nhưng mỗi một khu vui chơi trẻ em được hình thành là cả một nỗ lực không biết mệt mỏi của chị. Chị bảo, nếu chỉ vì mục đích kinh doanh thì không cần phải vất vả như vậy, tất cả việc làm này đều bắt nguồn từ cái tâm. Như chị tâm sự: "Nhìn lũ trẻ lần đầu tiên được tiếp xúc với các trò chơi, sự tò mò, háo hức hiện rõ trên gương mặt. Và, chúng vui vẻ, thỏa mãn bao nhiêu thì mình cũng hạnh phúc bấy nhiêu".

Còn nhớ cách đây hơn chục năm, trào lưu kinh doanh quán cà phê nở rộ, nhưng những quán mang đậm nét dân tộc cao nguyên dường như không có. Cũng như việc mang trò chơi trẻ em đến với Dak Lak, chị Hải cũng là một trong những người mở đầu cho trào lưu thiết kế quán cà phê mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên với Quán Cà phê Pơ Lang. Quán Cà phê Pơ Lang đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách gần xa khi được thiết kế theo phong cách nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Từ chiếc cầu thang được mô phỏng theo thiết kế của người dân tộc, với hai bầu sữa mẹ ở hai bên đến chiếc đàn T'rưng khá độc đáo, từng chiếc bàn, chiếc ghế…đều toát lên vẻ đẹp hoang sơ của rừng núi cao nguyên.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây chị lại tiếp tục nảy ra một ý tưởng kinh doanh mới mà trước đó cũng chưa ai làm, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Đó là mở một cửa hàng Ngân Sâm Yến, chuyên cung cấp Nhân sâm Vikoginseng và tất cả những sản phẩm do Công ty Yến Sào Khánh Hòa sản xuất đầu tiên tại Dak Lak. Đây là một quyết định thực sự táo bạo bởi trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, việc kinh doanh nhất dòng sản phẩm được xem là cao cấp và chỉ dành cho những người nhiều tiền này là một thách thức lớn. Thế nhưng đây lại là một quyết định sáng suốt cho thấy sự nhạy bén trong kinh doanh của chị. Bởi tuy là cửa hàng kinh doanh sản phẩm xa xỉ, nhưng từ cách bày biện đến chủng loại sản phẩm có thể phù hợp với nhiều thành phần khách hàng. Nhờ đó cửa hàng Ngân Sâm Yến của chị luôn thu hút được đông đảo khách mua hàng.

Ít người biết nữ doanh nhân thành đạt này đã từng tốt nghiệp chuyên ngành Triết học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Thế nhưng cũng có thể từ môi trường này đã giúp chị luôn nảy ra những ý tưởng kinh doanh phù hợp với sự vận động không ngừng cũng như vòng xoáy nghiệt ngã của thương trường.

Hồng Thủy – Gia Hưng – Giang Nam


Ý kiến bạn đọc