Multimedia Đọc Báo in

Bước tiến trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng

14:38, 30/04/2013

Với sự nỗ lực của cả tập thể cán bộ, y bác sĩ, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tỉnh.

Xác định việc nâng cao chất lượng KCB là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ, nhân viên trong ngành; không ngừng củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế theo quy hoạch tổng thể, bền vững; xây dựng đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng; đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế, nhất là trang thiết bị kỹ thuật cao… Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ tại các cơ sở y tế, ngành Y tế còn tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ đối với viên chức ngành Y tế. Theo đó từ năm 2008 đến nay, bác sĩ đang công tác và mới tuyển dụng tại các xã vùng sâu, vùng khó khăn và cán bộ y tế có chuyên môn cao đã được hỗ trợ thêm một khoản kinh phí. Nhờ vậy, đến nay, nhân lực y tế toàn tỉnh là 5.437 người, trong đó có 1.002 bác sĩ, đạt tỷ lệ 5,7 bác sĩ/vạn dân; 173/184 xã, phường có bác sĩ, đạt tỷ lệ 94%.

Một ca phẫu thuật nội soi được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.
Một ca phẫu thuật nội soi được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.

Không chỉ dừng lại ở đó, để nâng cao chất lượng của hệ thống y tế, những năm gần đây, ngành Y tế luôn chú trọng thực hiện tốt các chế độ chính sách, ưu tiên trong công tác đào tạo cán bộ có trình độ cao, đặc biệt là đào tạo chuyên sâu, đào tạo theo kíp kỹ thuật. Chỉ tính riêng năm 2012, ngành đã đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho trên 140 cán bộ, y bác sĩ; phối hợp tham mưu xét gửi đào tạo 30 chỉ tiêu bác sĩ và 25 chỉ tiêu dược sĩ đại học hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả hoạt động luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới, mỗi năm có hàng chục lượt cán bộ từ tuyến trung ương về hỗ trợ tuyến tỉnh, khoảng gần 150 lượt cán bộ luân phiên từ tuyến tỉnh về hỗ trợ tuyến huyện và từ tuyến huyện về hỗ trợ tuyến xã. Qua đó, chất lượng KCB ở các tuyến đều được nâng lên. Đến nay, ngoài các kỹ thuật chuyên môn của tuyến tỉnh được phép thực hiện, nhiều kỹ thuật mới vượt tuyến (kỹ thuật của tuyến trung ương) đã được triển khai ngay tại địa phương như: phẫu thuật nội soi, thay khớp háng, tán sỏi ngoài cơ thể, chạy thận nhân tạo... giúp rút ngắn được thời gian điều trị, giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho người bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm bớt rủi ro cũng như giảm gánh nặng về chi phí điều trị, ăn ở, đi lại và các chi phí khác cho bệnh nhân khi phải chuyển tuyến.

Sự tiến bộ về kỹ thuật trong KCB được thể hiện rõ nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đơn vị KCB tuyến đầu của tỉnh. Hơn 10 năm trở lại đây, đơn vị này đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới đem lại hiệu quả to lớn. Đầu tiên có thể kể đến là kỹ thuật nối chi, một kỹ thuật đã giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo bị tai nạn lao động và tai nạn giao thông dẫn đến đứt lìa ngón chân, ngón tay, bàn tay nhưng không có điều kiện đến các bệnh viện lớn chữa trị thoát khỏi họa tàn phế suốt đời. Tiếp đến là phương pháp thay máu cho trẻ sơ sinh bị vàng da nhân do bất đồng nhóm máu mẹ con. Được triển khai từ năm 2006, đến nay, với kỹ thuật này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cứu được nhiều trẻ sơ sinh thoát khỏi nguy cơ bại não, tử vong và mỗi năm mở ra cơ hội sống khỏe mạnh cho khoảng 30 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh. Hay như việc thực hiện được kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ cuối năm 2008 cũng đã đưa lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh. Chia sẻ về những lợi ích khi được chạy thận nhân tạo ngay tại địa phương, anh Hồ Hải Sơn (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), một bệnh nhân bị suy thận mãn cho biết: “Căn bệnh của tôi phải chạy thận nhân tạo từ năm 2002, trung bình mỗi tháng 12 lần. Trước đây, tôi phải xuống tận TP. Hồ Chí Minh để chạy thận, thuê nhà ở lại luôn trong ấy và chỉ về nhà vào các dịp lễ, tết. Vì thế, ngoài chi phí chạy thận phải nộp cho bệnh viện, mỗi tháng tôi còn tốn thêm vài triệu đồng chi phí ăn, ở. Từ khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai chạy thận nhân tạo, tôi không phải đi lại xa xôi, lại được sinh hoạt cùng gia đình, đặc biệt, ngoài thời gian đến bệnh viện chạy thận tôi vẫn đi làm bình thường như mọi người. Điều này đã giúp tôi xóa được mặc cảm là gánh nặng của gia đình. Có được tâm lý thoải mái hơn nên sức khỏe của tôi cũng tốt hơn trước”. Hiện nay, kỹ thuật chạy thận nhân tạo cũng được bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột thực hiện với hàng chục lượt bệnh nhân.

Cùng với các hoạt động nói trên, nhằm huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, thời gian qua, ngành còn tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai hoạt động xã hội hóa và đạt được những bước chuyển biến tích cực với nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong hoạt động KCB. Tính đến thời điểm này, tỷ lệ giường bệnh tư nhân của tỉnh ở mức hơn 2 giường bệnh/vạn dân và bình quân mỗi năm hệ thống y tế tư nhân đã khám chữa bệnh cho khoảng 600.000 lượt người, chiếm trên 20% trong tổng số lượt người KCB chung của hệ thống y tế ở địa phương.

Có thể thấy, với sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành, công tác KCB cho nhân dân trên địa bàn đã từng bước được cải thiện rõ rệt. Trong thời gian tới, ngoài việc củng cố hệ thống tổ chức của ngành ngày càng hoàn thiện, một nhiệm vụ rất quan trọng nữa mà ngành Y tế quyết tâm thực hiện là tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ làm tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.