Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng trẻ em nghèo Cư Pui

21:17, 28/04/2013

Bằng tấm lòng thiện nguyện, Hội từ thiện “Người tôi cưu mang” và cán bộ, hội viên phụ nữ xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã đóng góp, hỗ trợ kinh phí, ngày công xây dựng, duy trì “Nồi cháo dinh dưỡng”, góp phần làm ấm lòng trẻ em nghèo ở xã vùng 3.

"Nồi cháo dinh dưỡng" đã đến với trẻ em thôn Ea Uôl (xã Cư Pui).

Cứ vào sáng thứ ba và thứ sáu hằng tuần, sân Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng các buôn Phung, Blắk, Dak Tuôr, Khóa, Ea Uôl (xã Cư Pui) lại rộn rã tiếng nói, cười của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân. Từ những nguyên liệu đã được chọn mua kỹ càng, không ai bảo ai, các chị bắt tay ngay vào việc sơ chế theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù trước đây chưa từng thực hành nấu cháo theo đúng phác đồ dinh dưỡng nhưng sau một thời gian ngắn được chuyên trách dinh dưỡng thuộc Trạm Y tế xã hướng dẫn, các chị đã nắm vững cách thức, quy trình. Những động tác thái, băm thịt, nhặt, xay rau, gọt củ đã thành thạo như những “đầu bếp” chuyên nghiệp. Chẳng mấy chốc đã xong “Nồi cháo dinh dưỡng” trước những ánh mắt tò mò, sự háo hức dõi theo của đám trẻ. Chị Amí Loan, hội viên phụ nữ buôn Blắk thổ lộ: “Mới đầu được mời tham gia nấu cháo dinh dưỡng mình ngại lắm. Trước đây chỉ toàn cho con bú, ăn cháo gói hoặc cháo trứng rồi chuyển sang ăn cơm luôn chứ đâu biết cách nấu cháo dinh dưỡng. Được cán bộ Trạm Y tế, Hội Phụ nữ thuyết phục, động viên và thấy có lợi nhiều cho các cháu nên mình nhận lời”. Đối với chị Amí Linh, Chi hội trưởng Phụ nữ buôn Blắk, mỗi khi nhắc đến những ngày đầu “Nồi cháo dinh dưỡng” về buôn, chị lại bật cười. Toàn buôn có 95 trẻ dưới 5 tuổi, sau lần đầu tiên ăn cháo dinh dưỡng, hầu hết các em đều bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Nguyên nhân là do các em chưa từng được ăn cháo với đủ thành phần dưỡng chất (bột, đạm, xơ, dầu ăn) nên khi có sự thay đổi đột ngột, hệ tiêu hóa không kịp thích ứng. “Sau “trục trặc” nhỏ đó, để các bà mẹ và trẻ em trong buôn tiếp tục hưởng ứng “Nồi cháo dinh dưỡng”, chính quyền địa phương, nhân viên Trạm Y tế, Hội Phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích về ý nghĩa của bữa ăn dinh dưỡng. Đồng thời, những người trực tiếp nấu cháo đã điều chỉnh lại định lượng một số thành phần để tập cho các em thích nghi nên mọi việc dần đi vào nền nếp”, chị Amí Linh chia sẻ. Sau khi nấu xong, cả “êkíp” lại nhanh tay chuẩn bị bàn ghế, chén, thìa để phục vụ các em ăn cháo. Vừa cho con ăn, chị H’Doăn Byă ở buôn Blắk cho biết, dù bận rộn công việc nương rẫy nhưng chị vẫn thu xếp đưa con gái 4 tuổi đến Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ăn cháo dinh dưỡng theo đúng lịch. Cũng từ đó, chị thay đổi cách nấu cháo, biết bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý nên con gái đã dần tăng cân.

“Nồi cháo dinh dưỡng” xã Cư Pui do Hội từ thiện “Người tôi cưu mang” (TP. Hồ Chí Minh) tài trợ kinh phí, khai trương ngày 24-11-2012 tại buôn Blắk, sau đó nhân rộng thêm ở 4 buôn Phung, Dak Tuôr, Khóa, Ea Uôl. Đối tượng được hưởng lợi gồm 600 trẻ em từ 1-5 tuổi ở 5 buôn nói trên. Mỗi buôn thành lập 5 nhóm, mỗi nhóm gồm 2 cán bộ, hội viên phụ nữ tự nguyện thay phiên nhau nấu cháo, phục vụ các cháu ăn uống và dọn dẹp. Không chỉ tài trợ kinh phí nấu cháo (khoảng 300.000 đồng/nồi), Hội từ thiện “Người tôi cưu mang” còn cung cấp toàn bộ dụng cụ như: xoong nồi, chậu, rổ, dao, thớt, máy xay sinh tố, chén, thìa… cho mỗi điểm nấu cháo. Chị Châu Thị Kim Phụng, Chuyên trách dinh dưỡng Trạm Y tế xã chính là người kết nối, đưa “Nồi cháo dinh dưỡng” đến với trẻ em nghèo nơi đây. Trong một cuộc Hội thảo về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chị đã tình cờ gặp, trò chuyện, chia sẻ tâm nguyện về cuộc sống, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn với những thành viên của Hội từ thiện “Người tôi cưu mang”. Và sau khi khảo sát, Hội đã quyết định tài trợ xây dựng “Nồi cháo dinh dưỡng” tại xã Cư Pui.

Đến nay, việc nấu cháo dinh dưỡng ở 5 buôn đã đi vào hoạt động ổn định nhưng chị Phụng vẫn còn nhiều trăn trở. Cuối năm 2011, toàn xã có 1.200 trẻ em dưới 5 tuổi nhưng có đến 35% trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi. Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường truyền thông; cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; cử cán bộ chuyên trách dinh dưỡng thường xuyên đến các thôn, buôn trực tiếp khám sức khỏe định kỳ cho trẻ; tư vấn, vận động bà mẹ đưa trẻ đi khám và cân đo thường xuyên; cấp sữa, bột dinh dưỡng, đưa vào hoạt động “Góc tư vấn thân thiện trẻ em” tại Trạm Y tế xã… thì “Nồi cháo dinh dưỡng” đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn cuối năm 2012 xuống còn 31%. Nhưng hiện tỷ lệ này vẫn còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Theo chị Phụng, để góp phần giảm tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, giúp các em phát triển toàn diện, ngoài nỗ lực của Hội từ thiện “Người tôi cưu mang” rất cần sự hỗ trợ thêm kinh phí của chính quyền địa phương, các cấp, ngành và nhà hảo tâm để nhân rộng “Nồi cháo dinh dưỡng” tại các thôn, buôn trên địa bàn cũng như tăng cường các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.