Multimedia Đọc Báo in

Biếu tặng và đáp tặng

09:10, 28/07/2013

Trong cuốn “Luận về biếu tặng” (Nhà xuất bản Tri thức, 2011 - Nguyễn Tùng dịch), Marcel Mauss (1872-1950), nhà nhân học và dân tộc học hàng đầu người Pháp đã cho ta thấy biếu tặng là một hiện tượng phổ quát trong xã hội loài người. Theo ông, trong xã hội cổ sơ, việc biếu tặng tưởng như không vụ lợi nhưng thực ra đã mang ba yếu tố: trao tặng, tiếp nhận và đáp tặng. Các sự trao đổi quà tặng, “trên lý thuyết là tự nguyện, nhưng thực ra là bị bắt buộc phải làm và phải đáp tặng”.

“Luận về biếu tặng” là một công trình lớn của một tác giả lớn, “chắc là tác phẩm nổi tiếng nhất, nhưng cũng khó hiểu nhất của tất cả ngành nhân học xã hội” (Florence Weber). Vì sự hiểu biết còn hạn hẹp nên không thể luận bàn, mà chỉ là “cơn cớ” gợi lên những suy ngẫm về biếu tặng, đáp tặng và cả những “biến tướng” của nó ở thời nay mà thôi.

Dân gian ta có câu: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Người dân thường, khi được nhận món quà biếu tặng của ai đó (nhất là mới ở mức sơ giao) là đã nghĩ đến chuyện phải “đáp tặng” cái gì rồi. Chẳng hạn, theo kiểu dân gian “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”. Phải chăng họ ý thức được “chính trong đồ vật được tặng có sức mạnh cưỡng bức người nhận quà phải đáp trả” (Florence Weber). Ở đây bao gồm cả những quà tặng mang tính ân nghĩa và sự đáp tặng cũng bằng ân nghĩa.

Ngày nay nhiều người cứ “vô tư” tặng quà và nhận quà, kể cả những “quà tặng trên mức tình cảm” và làm ra vẻ như không đếm xỉa đến việc vì sao được tặng và phải đáp tặng ra sao. Thực ra không phải như thế, không hoàn toàn như thế. Để đáp lại những món quà “có sức mạnh cưỡng bức” ấy, có khi được đổi lại bằng vị trí việc làm, bằng cả việc thăng quan tiến chức. Như vậy việc biếu tặng và đáp tặng không còn nguyên nghĩa nữa mà đã trở thành hành vi mua quan bán tước - một hành vi vi phạm pháp luật núp dưới danh nghĩa biếu tặng. Ở đây, thực ra chỉ là “sự tính toán vụ lợi liên miên và lạnh lùng”, “sự theo đuổi thô bạo các mục đích của cá nhân” (Mauss) mà thôi.

Thừa nhận việc biếu tặng, đáp tặng và cả những biến tướng của nó như là một hiện tượng xã hội, Nhà nước đã có hẳn Quy chế về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng. Đây cũng là một trong rất nhiều biện pháp và công cụ để phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên xem ra “hiện tượng” này ở Việt Nam quá đỗi phong phú và phức tạp. Dù sao chăng nữa hành vi biếu tặng và đáp tặng từ trong xã hội cổ sơ vẫn mang những giá trị nhân văn của nó. Ngày nay, trong xã hội văn minh, nếu không “biết cách trở về với tinh thần cổ sơ” (Trần Hữu Quang) thì cũng đừng nên vấy bẩn sự biếu tặng và đáp tặng bằng những toan tính vụ lợi chỉ nhằm thỏa mãn mục đích mà mỗi cá nhân theo đuổi.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.