Hàng hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng: Thật - giả khó lường !
Gắn liền với sự phát triển của ngành du lịch Dak Lak, một số hàng hóa, sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên cũng được khách du lịch biết đến và tìm mua mỗi lần đến tham quan. Tuy nhiên, để nhận biết được tính thật- giả của các sản phẩm này không hề dễ, ngay cả đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Điều này đang làm ảnh hưởng không hay đến hình ảnh của Dak Lak trong mắt khách du lịch.
Từ chuyện lông đuôi voi
Khách du lịch mua quà lưu niệm khi du lịch tại Dak Lak. |
Với quan niệm truyền tai nhau của người dân Tây Nguyên: khi ai đó mang trên mình chiếc lông đuôi voi hoặc sản phẩm làm từ lông đuôi voi sẽ có được sức khỏe “như voi”, gặp nhiều may mắn trong công việc và tình duyên. Theo đó những năm gần đây tại Dak Lak, người ta đã bắt đầu nghĩ đến việc chế tác ra những sản phẩm trang sức vàng, bạc đính kèm lông đuôi voi để thu hút nhu cầu mua hàng của khách du lịch. Và thế là trong một thời gian dài đã nổi lên tình trạng chặt trộm đuôi voi (phần chỏm cuối đuôi voi) để lấy lông bán cho các cơ sở chế tác trang sức, cửa hàng bán đồ lưu niệm. Báo hại cho hơn 50 con voi nhà trên địa bàn Dak Lak và chủ của chúng phải khốn khổ canh chừng từng chiếc đuôi voi. Song, giờ đây nhìn lại, nếu thống kê cũng chỉ còn không quá 10 con voi nhà còn đuôi lành lặn, nhiều con khác thì đuôi bị cụt ngủn mà không tìm được thủ phạm cắt trộm. Hằng năm, số lượng lông đuôi voi bán ra trên thị trường là khá lớn, chỉ tính riêng với khách du lịch cũng tiêu thụ hàng nghìn sợi lông đuôi voi/năm (theo xác nhận của một số chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm trong tỉnh). Từ đó có thể khẳng định rằng với trên 40 con voi bị chặt trộm đuôi kia thì số lượng lông đó không đủ để cung cấp cho nhu cầu của người mua. Vậy mà hiện nay, tại hầu khắp các gian hàng bán đồ lưu niệm ở các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều có bản sản phẩm trang sức, mỹ nghệ được chế tác kèm lông đuôi voi. Vậy lông voi ấy lấy ở đâu ra mà nhiều đến thế nếu không phải là làm giả(!?).
Các sản phẩm trang sức, nhẫn lông đuôi voi bày bán tràn lan tại khắp các gian hàng bán đồ lưu niệm. |
Trong vai tiểu thương hỏi mua một số lượng lớn lông voi và sản phẩm trang sức từ lông voi về TP. Hồ Chí Minh bán lại, thì được anh Nguyễn Văn K, chủ một cơ sở chế tác trang sức ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) tiết lộ: “Bây giờ làm gì còn lông đuôi voi thật nữa, chúng tôi thường bào sừng trâu mà chế ra thôi, một số cơ sở khác còn lấy nhựa cứng thông qua máy móc để làm thành lông voi giả… Đây là mặt hàng quà lưu niệm mang ý nghĩa biểu trưng và khi thành phẩm rồi thì ai mà kiểm chứng nữa”. Nhẫn lông voi được bán với nhiều giá bán khác nhau, nếu là chất liệu đi kèm là bạc thì giá từ 70-200 nghìn đồng/chiếc, nhẫn vàng tây có giá 300-600 nghìn đồng/chiếc, riêng với các sản phẩm mỹ nghệ khác như lắc tay, kiềng đeo cổ thì từ 500 nghìn đến hàng triệu đồng/chiếc. Tùy từng lượng vàng, bạc và công chế tác, người buôn lãi từ 50-60%/sản phẩm. Còn như lông voi thật thì chỉ lãi khoảng 20%/sản phẩm, mà chính những cơ sở chế tác đồ lưu niệm như của anh K. cũng rất khó tìm mua được lông voi thật. Anh Lê Hữu C. chủ tiệm vàng tại đường Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Giờ đây anh đi khắp các tiệm vàng trên địa bàn tỉnh hỏi mua nhẫn lông voi và lông voi chưa thành phẩm về bán lại thì bao nhiêu cũng có”(!?). Về phần khách mua hàng, nếu cảm thấy nghi ngại thì chủ cửa hàng sẽ chứng minh bằng cách lấy ra một phần đuôi voi đã khô được cất giấu cẩn thận trưng bày lên quầy cho khách xem. Thấy vậy, nhiều khách du lịch đã tin theo và muốn chọn cho mình những món quà lưu niệm từ lông voi để được may mắn và sức khỏe như lời của các nhân viên bán hàng giới thiệu.
Đến bài thuốc Ama Kông
Bài thuốc Ama Kông được biết đến với công dụng tăng cường sinh lực, tráng dương bổ thận và trị được các bệnh về khớp. Vì thế khi đến Dak Lak, khách du lịch thường muốn mua một vài thang về ngâm rượu uống hoặc làm quà biếu người thân, bạn bè. Thuốc Ama Kông được bày bán tại hầu khắp các gian hàng bán đồ lưu niệm, mỹ nghệ đặc trưng của Tây Nguyên từ các huyện, thị xã đến thành phố hay các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, với nhiều giá khác nhau từ 50.000- 500.000 đồng. Song, về chất lượng thật giả thế nào thì chỉ sau khi sử dụng mới biết được.
Đây là bài thuốc gia truyền, hiện được lương y Khăm Phết Lào (con trai cụ Ama Kông) kế thừa và lưu hành. Thành phần của thuốc bao gồm các loại lá, rễ cây và dây leo mà theo Khăm Phết Lào, chỉ có anh mới biết chính xác cách liên kết sao cho thành “thần dược”. Đó là công thức gia truyền không dễ dàng chia sẻ ra bên ngoài. Ấy vậy mà ngày nay, đã có không ít các cơ sở bán hàng đã lấy các loại lá, thân cây có vẻ bề ngoài gần giống các vị thuốc thật để đóng gói với mẫu mã, bao bì đa dạng và bắt mắt bày bán tràn lan trên thị trường, bất chấp tác hại của nó như thế nào. Anh Khăm Phết Lào cho biết, thuốc Ama Kông của gia đình anh được bán tại nhà ở buôn Kô Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), không bán qua bất kỳ đại lý hay một hình thức đại diện nào, vì vậy, tất cả các loại “thuốc Ama Kông” đang bán trôi nổi trên thị trường hiện nay đều là hàng giả. Trên bao bì sản phẩm của thuốc Ama Kông thật có in hình của hai cha con Ama Kông và Khăm Phết Lào với địa chỉ, số điện thoại, hướng dẫn sử dụng cụ thể và cả mã vạch do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, đồng thời được Bộ Y tế và Sở Y tế Dak Lak cấp phép. Còn thuốc Ama Kông giả thì hiện nay, người ta còn làm thành nhiều sản phẩm khác để câu khách như rượu Ama Kông đóng trong bình khá bắt mắt, hoặc thuốc Ama Kông có bỏ thêm một số vị khác như nấm linh chi, nhân sâm… Không biết sự kết hợp này có tác dụng hay tác hại gì nhưng đã có không ít trường hợp sau khi sử dụng đã mang bệnh vào thân. Chị Lê Thị Hoài ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đã mua “thần dược” Ama Kông trôi nổi trên thị trường về ngâm rượu cho chồng uống với mong muốn cải thiện chuyện chăn gối vợ chồng, ấy thế mà uống gần hết 2 bình rượu với đúng hướng dẫn sử dụng in trên bao bì nhưng kết quả vẫn chẳng khác biệt gì. Cùng cảnh ngộ ấy là vợ chồng anh Lê Minh ở xã Ea Pok (huyện Cư M’gar) kể rằng: khi vợ chồng anh đi du lịch Buôn Đôn có mua một thang thuốc Ama Kông tại một quầy hàng bán đồ lưu niệm về ngâm rượu uống thử, mới chỉ uống một ngày đầu anh đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê do bị tiêu chảy cấp. Từ đó anh cạch đến già chẳng bao giờ dám nghĩ đến “thần dược” này nữa.
Trang sức lông đuôi voi, thuốc Ama Kông… là sản phẩm mang tính đặc trưng của Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng, góp phần không nhỏ trong quá trình quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa và con người Dak Lak. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng loạn các mặt hàng giả, hàng nhái nói trên tại các khu du lịch, thị trường bên ngoài đã làm mất đi hình ảnh đẹp trong du khách gần xa. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở lợi dụng vào tâm lý người dân để làm giả, bày bán các loại mặt hàng giả nói trên nhằm làm trong sạch hình ảnh du lịch và văn hóa Dak Lak. Bên cạnh đó, người dân nên cẩn thận hơn khi tìm mua những sản phẩm này trên thị trường để tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc