Nhân ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam” (10-8): Chia sẻ nỗi đau da cam
Chất độc da cam đã, đang và sẽ còn tiếp tục để lại những di chứng nặng nề, là căn nguyên của nỗi đau thể xác và tinh thần xuyên thế kỷ của hàng triệu nạn nhân. Để xoa dịu, sẻ chia, tiếp thêm nguồn lực giúp các nạn nhân và gia đình họ vơi bớt nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp, những việc làm mang ý nghĩa nhân đạo cao cả.
Xoa dịu nỗi đau
Mỗi khi nhìn cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Hòa năm nay đã 28 tuổi nhưng vẫn nằm bất động trên giường, ông Nguyễn Đăng Phong ở thôn 12A (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) lại đau nhói lòng. Hơn 8 năm cống hiến tuổi trẻ cho công cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc, ông không thể ngờ mình và gia đình lại phải gánh chịu di chứng nặng nề của chất độc da cam. Hòa sinh ra vốn lành lặn, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến năm 15 tuổi, em bắt đầu bị sốt kéo dài và những cơn đau đầu hành hạ. Gia đình đã bán tài sản, đất đai đưa Hòa đi chạy chữa khắp nơi nhưng do bị lao màng não và nhồi máu vỏ bán cầu nên cơ thể em ngày càng teo nhỏ, tứ chi dần bất động, thần kinh tê liệt, mọi sinh hoạt đều phải có người chăm sóc, giúp đỡ. Nỗi đau của gia đình ông Phong lại nhân lên gấp bội khi hai người con Nguyễn Thị Giang (sinh năm 1987) và Nguyễn Đăng Cường (sinh năm 1995) cũng lần lượt nghỉ học vì thường xuyên bị động kinh, giảm trí nhớ, tê nửa người, chân tay run, thường xuyên phải nhập viện điều trị. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, 2 mắt ông Phong mù dần, 2 tai cũng không còn nghe thấy gì nên mọi gánh nặng đè cả lên đôi vai gầy yếu của bà Nguyễn Thị Năm - vợ ông. Với mong muốn chia sẻ bớt khó khăn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC/Dioxin) các cấp và chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ tiền giúp gia đình có thêm điều kiện chăm sóc, chữa bệnh cho các cháu. Các tổ chức đoàn thể cũng tín chấp giúp gia đình có thêm vốn canh tác 2 sào lúa. “Sự quan tâm, động viên đó phần nào giúp gia đình giảm bớt khó khăn, vơi đi nỗi đau da cam để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”, ông Phong chia sẻ.
3 người con của ông Nguyễn Đăng Phong đều bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. |
Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng từ năm 1964 đến 1979, ông Mạch Thọ Tuyến ở tổ dân phố 5 (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) đã chịu hậu quả nặng nề khi 2 trong số 5 người con của ông lần lượt qua đời do bị các căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến chất độc da cam. Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông lao động quần quật vẫn không đủ trang trải, cả gia đình sống trong căn nhà gỗ cũ, xiêu vẹo, rộng chưa đầy 40 m2. Cuối năm 2012, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông 30 triệu đồng từ nguồn vận động đóng góp của Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Dak Lak, cộng thêm sự trợ lực của anh em dòng họ giúp hoàn thành căn nhà tình nghĩa rộng 50 m2, trị giá 86 triệu đồng. Trong căn nhà mới, ông Tuyến không giấu được niềm vui: “Tết vừa rồi là năm đầu tiên cả nhà tôi được đón xuân trong căn nhà xây khang trang, ấm cúng. Nếu không có sự hỗ trợ của Hội thì chưa biết đến lúc nào, gia đình mới thực hiện được ước mơ này”.
Cần lắm những tấm lòng sẻ chia
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 5.125 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin, trong đó có 235 cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3. Hầu hết những gia đình có 2 nạn nhân da cam trở lên đều rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ, nghèo đói. Nhiều người bản thân cũng bị bệnh tật dày vò nhưng vẫn phải tất tả ngược xuôi để nuôi những đứa con ốm yếu, dị dạng nên cái vòng luẩn quẩn “da cam - bệnh tật - nghèo khổ” cứ bám riết họ. Để chia sẻ nỗi đau đó, thời gian qua, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, 15 huyện, thị xã, thành phố và 46 xã, phường, thị trấn với 3.055 nạn nhân đăng ký là hội viên. Thông qua Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp, từ năm 2005 đến nay, các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ nạn nhân da cam trên 6,2 tỷ đồng. Tiêu biểu như các đơn vị: Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Dak Lak, bắt đầu từ năm 2009, trung bình mỗi năm Công ty đóng góp cho Quỹ NNCĐDC/Dioxin tỉnh khoảng 200 triệu đồng; Công ty TNHH Một thành viên Cao su Dak Lak, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, Công ty Cà phê Dak Man… đã trích lương, nguồn lợi kinh doanh đóng góp, ủng hộ thường xuyên cho quỹ. Và còn rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm bằng tấm lòng của mình đã góp phần chia sẻ trách nhiệm xã hội, chăm lo cho nạn nhân da cam. Từ nguồn quỹ huy động được, những năm qua, Hội đã hỗ trợ xây dựng 53 căn nhà tình nghĩa cho nạn nhân da cam với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng và giúp sửa chữa 4 căn nhà; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng 9.534 suất quà trị giá trên 2,4 tỷ đồng; trao học bổng và hỗ trợ đột xuất cho hàng trăm nạn nhân da cam. Các đối tượng bị bệnh nặng phải nhập viện, Hội đều giúp đỡ, hỗ trợ thêm tiền thuốc. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cùng với sự nỗ lực, vượt khó vươn lên, cuộc sống của gia đình các nạn nhân da cam dần được cải thiện đáng kể.
Cán bộ Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp thăm hỏi, tặng quà gia đình ông Nguyễn Đăng Phong. |
Tuy nhiên, theo ông Ngô Song Hào, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, số đối tượng được giúp đỡ, thụ hưởng các chương trình, dự án da cam còn quá ít so với nhu cầu thực tế và khó khăn mà các gia đình nạn nhân đang gặp phải. Vì vậy, Tỉnh hội rất mong nhận được sự chung tay, sẻ chia của cả cộng đồng để góp phần xoa dịu nỗi đau, đem lại sự ấm áp, niềm tin cho các nạn nhân chất độc da cam.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc