Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI (1-10)

Khi công tác chăm sóc người cao tuổi được luật hóa

10:03, 30/09/2013

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, hệ thống chính sách đối với người cao tuổi ngày càng hoàn thiện hơn khi Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua năm 2009, và được cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư…, tạo cơ sở pháp lý để người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn về vật chất, tinh thần để sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Câu lạc bộ “Văn hóa dưỡng sinh” là “sân chơi” để người cao tuổi phường Thành Công giao lưu, luyện tập, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần.
Câu lạc bộ “Văn hóa dưỡng sinh” là “sân chơi” để người cao tuổi phường Thành Công giao lưu, luyện tập, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần.

Sau khi chồng và 5 người con lần lượt qua đời, vì tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, cụ Trương Thị Mỹ (sinh năm 1913) về sống cùng với gia đình cháu ruột là anh Nguyễn Quang Hùng ở tổ dân phố 8, phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Hùng làm nghề chạy xe ôm, vợ đi phụ hồ, cố gắng lắm cũng chỉ chăm lo được cho cụ và 3 con nhỏ ăn học với cuộc sống tùng tiệm, thiếu thốn. Căn nhà gỗ cũ do cụ Mỹ đứng tên đã xuống cấp, hư hỏng nhiều nhưng gia đình chưa có điều kiện sửa chữa cho tươm tất hơn. Cảm thông, chia sẻ trước hoàn cảnh đó, cuối năm 2011, Đảng ủy, UBND phường Thành Công đã quyết định hỗ trợ 15 triệu đồng và 1 tấn xi măng, anh em dòng họ giúp thêm kinh phí, vật liệu, ngày công xây dựng cho gia đình cụ Mỹ căn nhà khang trang, rộng khoảng 80 m2. Bên cạnh đó, cụ còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí và được hưởng trợ cấp xã hội (180.000 đồng/tháng). Vào các dịp lễ, tết hay mỗi khi đau ốm, cụ đều được các ngành, đoàn thể thăm hỏi, động viên, tặng quà. Đặc biệt, dịp Quốc tế người cao tuổi 1-10 năm nay, cụ Mỹ tròn 100 tuổi nên được tổ chức Lễ mừng thượng thọ, được Chủ tịch nước, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam gửi tặng giấy mừng thượng thọ, 500.000 đồng và 5 mét vải lụa. Bà Ngô Thị Thu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thành Công cho biết: Toàn phường hiện có 1.042 hội viên người cao tuổi, sinh hoạt tại 13 chi hội. Nhằm chăm lo tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, các chi hội đều xây dựng nguồn quỹ riêng thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, hoạn nạn, tổ chức gặp mặt, mừng thọ. Hội Người cao tuổi phường đã thành lập đội văn nghệ, các câu lạc bộ “Văn hóa dưỡng sinh”, “Dưỡng sinh tâm thể” tạo “sân chơi” cho người cao tuổi giao lưu, tập luyện, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần. Nhân ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10 hằng năm, ngoài việc tổ chức mừng thọ, tặng quà cho các cụ từ 70 tuổi trở lên, Đảng ủy, UBND phường, Hội Người cao tuổi và Trạm Y tế phường đều phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi thuộc diện chính sách, hộ nghèo, neo đơn…

Căn nhà của cụ Trương Thị Mỹ (100 tuổi) do Đảng ủy, UBND phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột)  và anh em dòng họ hỗ trợ xây dựng.
Căn nhà của cụ Trương Thị Mỹ (100 tuổi) do Đảng ủy, UBND phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) và anh em dòng họ hỗ trợ xây dựng.

Không chỉ có người cao tuổi tại các gia đình mà cả người già, neo đơn ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh cũng được quan tâm, chăm sóc khá chu đáo trong việc ăn, nghỉ, chăm lo thuốc men khi đau ốm. Theo ông Nguyễn Quang Tuệ, Giám đốc Trung tâm, để làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng 81 người già, neo đơn, khuyết tật đang sinh sống tại đây, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Không chỉ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc, thuốc men khi ốm đau, đơn vị còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, gặp mặt, mừng thọ nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1 - 10 hằng năm. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phát động các phong trào thi đua giữa các cụ với những nội dung: chấp hành nội quy, chăm sóc cây xanh, môi trường xung quanh và tổ chức khen thưởng, tuyên dương vào các dịp lễ, tết nhằm tạo thêm niềm vui cho các cụ trong cuộc sống.

Bà Hồ Thị Thúy Do, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 99.353 hội viên người cao tuổi, sinh hoạt tại 2.445 chi hội.  Sau khi Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các cấp hội đã phối hợp với ngành chức năng thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi, xây dựng các nguồn quỹ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi được trên 40,7 tỷ đồng, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 956 cụ. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp xã hội, lập sổ khám, theo dõi, tư vấn về chăm sóc sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, các cơ sở hội đã củng cố, duy trì hoạt động của 278 câu lạc bộ, tạo “sân chơi” để người cao tuổi rèn luyện sức khỏe và phát triển đời sống tinh thần; phát huy vai trò “Tuổi cao, gương sáng” của các cụ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng gia đình khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập, xây dựng đời sống văn hóa; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể tại địa phương. Đồng thời, người cao tuổi còn được hỗ trợ  các hoạt động về văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí và miễn giảm giá vé khi tham gia giao thông công cộng, tham quan, du lịch... Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10 năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức đi thăm, chúc thọ, mừng thượng thọ đối với 623 cụ tròn 90 tuổi và 44 cụ tròn 100 tuổi. Các địa phương cũng tổ chức thăm, tặng quà, mừng thọ các cụ từ 70 tuổi trở lên. Thông qua các hoạt động trên đã tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy vai trò của mình trong gia đình, xã hội và được sống vui, sống khỏe với con cháu.

Chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm chung của cả cộng đồng mà còn thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm của toàn xã hội, mỗi gia đình cũng cần tạo điều kiện hơn nữa để người cao tuổi có được cuộc sống thảnh thơi, an hưởng tuổi già và ngày càng phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.