Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn sau lũ

10:06, 30/09/2013
Cơn bão số 8 đi qua đã được hơn một tuần nhưng trở lại Ia R’vê, huyện Ea Súp, dấu vết của nó vẫn còn hằn trên ruộng đồng, trên những đống lúa, bắp đã mọc mầm, bốc mùi ẩm mốc và trên cả gương mặt mệt mỏi, lo lắng của  người dân nơi đây.

Chăm cả năm, tiêu tan sau một đợt mưa lũ

Nước vừa rút, cả gia đình ông Hoàng Văn Chinh gần 10 người ở thôn 9 xã Ia R’vê (Ea Súp), đổ xô đi tìm trâu. Ông Chinh còn nhớ mãi buổi sáng ngày 17-9, con ông đi chăn trâu về, chưa kịp cột chặt thì nước lũ về nhanh quá, nó cố gắng mãi không buộc được, đành buông dây nếu không cũng bị nước cuốn trôi cả người và trâu. Hôm nay trời mưa tầm tã, ông vẫn đội mưa, thất thểu đi tìm trâu đến gần hết ngày rồi cũng chưa thấy. Nghĩ đến con trâu đang chuẩn bị đẻ, tính ra trị giá cả 40 triệu đồng mà ông mất ăn mất ngủ. Ở vùng biên còn nhiều khó khăn này, làm được số tiền như vậy đâu phải dễ. Ông Chinh ngậm ngùi: “Gia đình tôi từ Lạng Sơn vào Ia R’vê đến nay được đúng một năm. Bao nhiêu gia sản bán được ngoài quê vào đây, tôi mua trâu làm vốn. Con trâu vừa mất là gia sản lớn nhất của cả nhà và tôi dự định sau khi nó đẻ sẽ bán nghé, mua đất cho con ra làm nhà ở riêng. 1 ha lúa của gia đình chưa kịp gặt cũng bị ngập trắng 3 ngày và mọc mầm hết rồi”.

Người dân xã  Ia R’vê phơi ngô bị úng  do ngập lụt.
Người dân xã Ia R’vê phơi ngô bị úng do ngập lụt.

Ngồi nhìn căn nhà chỗ nào cũng thấy ẩm ướt do mấy ngày trước nước tràn vào nhà lên đến gần 1 m, anh Hồ Văn Tuấn ở thôn 9 xót xa: “Được Nhà nước cấp cho 1 ha đất, tôi dành 7 sào trồng lúa, 3 sào trồng điều. Nhưng vụ này, cả 7 sào lúa chưa kịp thu hoạch bị ngập úng và coi như mất trắng hết!”. Một năm mới làm được một vụ lúa, đến lúc được thu hoạch thì lại gặp thiên tai này, ai mà chẳng tiếc và đau. Trách trời, rồi anh Tuấn lại ước: Ước gì lũ về chậm vài ngày, ước gì anh và bà con biết được thông tin mưa lũ sơm hơn để tranh thủ mà thu hoạch thì đã không thiệt hại lớn như thế này! Còn gia đình ông Hoàng Văn Tuấn Em, những tưởng đã thu hoạch, đóng bao xong là chắc ăn, nào ngờ… Nhà ông Tuấn Em có 4 ha bắp, phải thuê người thu hoạch, mới chở về nhà được 200 bao, còn hơn 500 bao ngoài rẫy chưa kịp chở bị nước cuốn trôi hết. Cứ nói đến chuyện lúa, chuyện bắp là ông lại bần thần cả người vì bao nhiêu công chăm sóc, rồi thuê người làm, giờ chưa biết lấy đâu tiền trang trải.

Mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua, xã Ia R’vê bị ngập úng nặng, liên tục trong các ngày 17,18 và 19-9. Dù không có thiệt hại về người nhưng nhiều hoa màu của bà con ở đây gần như mất trắng. Toàn xã có 644,4 ha hoa màu của 533 hộ đã bị ngập úng, hư hỏng và sạt lở 11 km đường liên thôn, 8 cái cống…, ước tổng thiệt hại khoảng 19 tỷ đồng, trong đó nghiêm trọng nhất là tại các thôn 8,9,13 và 14.

Nỗi lo này chưa qua, nỗi lo khác đã tới

Nước đã rút nhưng trời vẫn còn mưa, thôn trưởng thôn 9 Lê Hoàng Nở, người ướt sũng, tất tả đi đôn đốc bà con tranh thủ ra đồng xem thu hoạch được gì thì thu hoạch nốt, vớt vát được ít nào hay ít ấy. Ông cũng nhờ người làm 3 biển báo hiệu nguy hiểm để cắm ở một số điểm đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Đợt mưa lũ vừa qua, thôn 9 có 46,6 ha/65 ha mì; 12,1 ha/20,3 ha lúa và 15 ha/55 ha bắp bị ngập. Tất cả số hoa màu này đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng do mưa lũ đổ về nhanh nên bà con không kịp trở tay. Sau mưa lũ, ông cùng ban tự quản thôn 9 đã lập danh sách tổng hợp tình hình thiệt hại của thôn để gửi UBND xã; tổ chức họp dân rút kinh nghiệm về phòng chống bão lụt; lưu ý chủ động trong phòng chống dịch bệnh nhất là đối với các cháu nhỏ… Ông lo nhất là với tình hình này, số hộ nghèo trong thôn sẽ lại tăng cao. Từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn liên tục giảm từ 55 hộ nghèo hiện chỉ còn 41 hộ. Nếu không có đợt mưa lũ lần này, thôn 9 hy vọng sẽ giảm được kha khá số hộ nghèo. Nhưng giờ thì hy vọng ấy cũng tiêu tan…

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Minh Thuận thì tâm sự: Những ngày sau lũ, đi rà soát, nắm lại tình hình ngập lụt mà đứt ruột vì rất nhiều gia đình bỗng chốc tay trắng do hoa màu sau cả vụ chăm sóc, vun trồng, chờ ngày thu hoạch giờ bị úng nước hết. Việc canh tác của người dân ở Ia R’vê từ trước đến nay chủ yếu vẫn nhờ vào… trời, lúa thì chỉ làm được một vụ. Việc làm ra hạt lúa, hạt bắp, củ mì của bà con ở đây vốn đã cơ cực, lại thêm thiệt thòi khi bị tư thương ép giá do xa trung tâm, vận chuyển khó khăn. Đơn cử, khi giá bắp 3.600 đồng/kg thì ở đây, người dân bán cao lắm cũng chỉ được 2.600 đồng/kg. Số bắp đã thu hoạch được trong đợt lụt vừa rồi, giá bán chỉ còn 1.600 - 2.000 đồng/kg mà cũng chưa có ai mua. Cứ từ tháng 12 cho đến tháng 4 năm sau, bà con nơi này chủ yếu mưu sinh bằng việc rủ nhau đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Toàn xã có 57,3% là hộ nghèo, hơn 20% là cận nghèo. Cứ dự tính năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ giảm còn khoảng 50%. Theo kế hoạch, cuối tháng 9 này, xã tổ chức tập huấn điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2013. Nhưng sau đợt mưa lũ này, nguy cơ tăng hộ nghèo là chắc chắn và chuyện phải cứu đói giáp hạt là không tránh khỏi. Nghèo cũ chưa thoát, lại thêm nghèo mới.

Cùng với việc rà soát, thống kê lại số hộ dân, số diện tích hoa màu bị thiệt hại, UBND xã cũng tổ chức cho ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã đi kiểm tra về tình hình dịch bệnh; làm văn bản kêu gọi, đề nghị các tổ chức, cá nhân, chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ, khắc phục hậu qủa sau lũ. Riêng Trạm Y tế xã cũng thành lập một đội phòng chống dịch để chủ động xử lý khi có dịch bệnh bùng phát. Ia R’vê là vùng trũng của Ea Súp, vậy nên từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi đợt mưa lũ, hồ Ea Súp thượng xả lũ, nước chảy tràn qua xã Ea Lê, Ea Rốc và cuối cùng thường gây ngập úng dài ngày tại đây. UBND xã Ia R’vê sau trận lụt của năm 2007 cũng đã di chuyển chỗ ở cho gần 200 hộ lên khu vực cao hơn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Nhưng còn diện tích canh tác thì chỉ ở những vùng trũng đất mới tốt, chính quyền địa phương không quy hoạch vùng canh tác mới. Để bảo vệ hoa màu, kinh nghiệm rút ra sau mỗi mùa ngập úng vẫn là bài học về sự chủ động nắm bắt thông tin để kịp thời thu hoạch.

Cơn bão số 8 đi qua được vài ngày. Những cơn mưa lại tiếp tục xối xả khi có một đợt áp thấp mới, gây mưa trên diện rộng ở khu vực Tây Nguyên. Trời biên giới mờ mịt trong mưa. Chúng tôi cứ bị ám ảnh mãi khi nghe người dân nơi đây hối thúc: “Các anh chị nhà báo lo về sớm kẻo Ea Súp thượng xả lũ là không thể ra được đâu”. Nỗi lo này chưa qua, nỗi lo khác đã tới… 

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc