Multimedia Đọc Báo in

Nhốn nháo múa lân Tết Trung thu

19:12, 18/09/2013

Múa Lân là một nét đẹp truyền thống, luôn mang đến cho trẻ em niềm háo hức trong mỗi dịp Trung thu. Tuy nhiên mấy năm gần đây, do nhận thấy việc kiếm tiền thưởng một cách dễ dàng khi múa lân, nên nhiều tổ chức, cá nhân tập hợp các nhóm trẻ lại tập nhảy múa vài buổi rồi đi "hành nghề", gây phiền nhiễu cho không ít gia đình. Nhiều gia đình khi nghe tiếng trống múa lân rập rình vào đến ngõ liền vội vàng chạy ra đóng cửa không muốn cho vào nhà.

Đã thành thông lệ, khi các đội lân vào nhà thì dù ít hay nhiều gia chủ buộc phải thưởng tiền. Giá mỗi lần thưởng tiền ít nhất cũng là 50.000 đồng. Nhiều gia đình khá giả, làm ăn kinh doanh buôn bán có khi thưởng cả 400.000 - 500.000 đồng. Do vậy, các đội lân đã nhanh chóng phát triển và củng cố đội hình, năm sau nhiều hơn năm trước. Chỉ cần đầu tư một ít tiền mua sắm đầu lân, mấy mặt nạ, rồi rủ rê mấy cậu học trò lối xóm tập dượt vài buổi là có đội múa lân đủ tư cách đi kiếm tiền thưởng trong dịp Tết Trung thu. Anh Lê Văn Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) nhận xét: "Nếu như thời gian trước chỉ có một vài nhóm múa lân trên địa bàn xã, thì những năm gần đây đã có rất nhiều nhóm. Các nhóm lân này chỉ mang theo vài món dụng cụ như: trống, đầu lân, ông địa, Tôn Ngộ Không sau đó tổ chức múa lân với vài động tác đơn giản là có thể kiếm được tiền thưởng rồi…”. Hoành tráng hơn, một số đội lân ở thị trấn Krông Kmar còn thuê hẳn ô tô tải để chở đội lân đi múa. Chị Hồng (khối 4, thị trấn Krông Kmar) cho hay: “Một số đội lân có ô tô chở đi hẳn hoi, nên chúng tôi thường phải cho nhiều tiền hơn để khỏi phụ công của họ. Nhưng múa thì cũng chẳng khác nhau là mấy. Không có bài bản gì cả và ai nhiều tiền hơn thì nhóm lân múa lâu hơn, còn ít tiền thì họ lượn lờ vài vòng rồi đi sang nhà khác…”.

Theo quan niệm chung của người dân, lân là con vật tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, may mắn... nhưng nhiều nhà lại “e sợ” đội múa lân đến mức phải đóng chặt cửa và tắt hết đèn trong nhà mặc dù mới chập tối để các nhóm lân khỏi đến. Bà Hương (thôn 8, xã Khuê Ngọc Điền) tâm sự: "Múa lân gì mà trống đánh một nơi, lân nhảy một phách. Khi vào nhà nhảy tới, nhảy lui tìm ra nơi gia đình treo tiền thưởng, rồi nhoắng một cái là chạy đến nhà khác múa rồi. Tệ hơn nữa là mấy ngày nay trời mưa nên đội lân và khán giả cứ mặc sức mang đất bùn lội vào sân, vào nhà làm cho gia đình phải dọn dẹp cả buổi; thật là mất tiền còn uổng công!...”. Không chỉ vậy, nhiều đội lân vào nhà sau khi múa xong gia chủ còn bị mất đi một vài món đồ trong nhà. Anh Thành (xã Hòa Lễ) cho biết: "Vào buổi tối, khi thấy gia đình nào có điện sáng là ngay lập tức các đội lân liền tự ý xông vào múa, gõ trống inh ỏi... không chỉ làm mất không gian học hành của trẻ nhỏ, bùn đất gây bẩn nhà, mà còn bị trộm mất một số đồ đạc nữa. Tết Trung thu năm ngoái, khi mở cửa cho đội lân vào nhà, lúc họ về gia đình tôi bị mất trộm 1 cái điện thoại hiệu Nokia. Bực mình nhưng không biết được ai lấy vì đông người quá...".

Đáng nói hơn, hiện nay lại có tình trạng các nhóm múa lân dạo ngang nhiên "diễu hành" ra các đường tỉnh lộ 9, 12 chặn các loại xe cộ dừng lại để "biểu diễn" nhằm xin tiền khách. Điều này không những gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây phản cảm mà còn làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của tục múa lân trong ngày Tết Trung thu. Một tài xế xe tải chở nông sản bức xúc nói: "Múa máy gì đâu, mấy cậu thanh niên vô công rỗi nghề rủ nhau đi móc túi thiên hạ, chặn ô tô, buộc chúng tôi phải dừng lại và cho tiền. Không cho thì không được…".

Thiết nghĩ, để hình ảnh múa lân luôn đẹp, chứ không phải là nỗi ám ảnh, phiền phức, làm mất đi ý nghĩa của ngày hội trăng rằm, chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng hằng năm nên tập hợp tất cả đoàn múa lân trên địa bàn để nắm số lượng, cá nhân đơn vị múa lân và tổ chức thi, bắt buộc các đội lân phải đăng ký thi như một cuộc sát hạch để có những "sản phẩm đủ tiêu chuẩn" phục vụ nhu cầu xã hội…

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc