Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo về tai nạn điện trong nhân dân

14:58, 20/12/2013
Vào lúc 17 giờ 20 ngày 5-11-2013, khi leo lên trụ đèn chiếu sáng trước  nhà để sửa chữa bóng đèn, anh Nguyễn Văn Hồng (SN 1970), cư trú tại số nhà 51 đường Nguyễn Du, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) đã bị điện hạ áp giật và ngã từ trên cao xuống mặt đất (nền bê tông) gây tử vong.
 
Tiếp đó, vào khoảng 10 giờ 20 ngày 13-11-2013, một vụ tai nạn điện lại xảy ra trước số nhà 95 đường Điện Biên Phủ (TP.Buôn Ma Thuột). Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Nhỏ (SN 1990), cư trú tại 119/29 đường Nguyễn Tri Phương (TP.Buôn Ma Thuột). Anh Nhỏ là thành viên nhóm thợ đang lắp giàn giáo để xây dựng công trình. Do công trình xây dựng này vi phạm khoảng cách an toàn với lưới điện cao áp nên nạn nhân bị phóng điện dẫn đến bị thương và đã tử vong sau đó trong quá trình điều trị tại TP.Hồ Chí Minh.
       Giàn giáo xây dựng trước  số nhà 95 Điện Biên Phủ  nơi anh Nhỏ  bị  tai nạn.
Giàn giáo xây dựng trước số nhà 95 Điện Biên Phủ nơi anh Nhỏ bị tai nạn.

 Đây chỉ là hai trong số các vụ tai nạn điện xảy ra trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Phòng Kỹ thuật an toàn (Công ty Điện lực Dak Lak), tính từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ tai nạn điện trong nhân dân làm 4 người chết và 3 người bị thương. Có rất nhiều tình huống dẫn đến tai nạn điện xảy ra: một số người tự ý sửa chữa điện của gia đình và hàng xóm trong khi không có kiến thức chuyên môn về điện; tự ý leo trèo lên các thiết bị điện mặc dù đã có biển cấm; mang vác vật dụng vi phạm khoảng cách an toàn điện; lắp đặt giàn giáo xây dựng vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện…  Đặc biệt, hiện nay các xe phun bê tông của nhiều đơn vị cung cấp bê tông tươi cho các công trình xây dựng thường xuyên "vươn vòi" qua các đường dây cao áp để đổ bê tông, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn điện. Công ty Điện lực Dak Lak đã từng có văn bản khuyến cáo nhưng vì lợi ích trước mắt, các đơn vị nói trên vẫn bất chấp vấn đề an toàn.

Thực tế cho thấy, những nạn nhân gặp tai nạn do điện giật nếu còn sống thì cũng để lại di chứng vô cùng nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Trong khi đó, những tai nạn này có thể tránh được bởi nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc đều do sự bất cẩn, coi thường mối nguy hiểm từ điện của người dân. Trong năm 2013,  Công ty Điện lực Dak Lak đã đầu tư hơn 60 triệu đồng cho các hoạt động  tuyên truyền an toàn sử dụng điện. Đồng thời, đơn vị cũng thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của công ty, cảnh báo, dán tời rơi về đề phòng tai nạn điện… Tuy nhiên, người dân vẫn còn khá thờ ơ với vấn đề này.

Để hạn chế tai nạn điện, người dân cần tự giác chấp hành các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành điện về an toàn sử dụng điện. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần phối hợp với ngành điện nhắc nhở, tuyên tuyền người dân có ý thức sử dụng điện thận trọng trong sinh hoạt, sản xuất.

Văn Sỹ

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.