Ngày 22 tháng 12 đặc biệt trên nước bạn
Việc xin phép nhà trường, đề nghị nhà ăn gom dùm bấy nhiêu suất ăn và cho nhờ một góc để làm nơi gặp mặt, mỗi người góp thêm 5 rúp để bữa ăn thêm phần “thịnh soạn” được nhanh chóng thông qua. Cơ cấu Ban Liên lạc, nội dung sinh hoạt gặp mặt cũng được nhất trí 100%. Chỉ có vấn đề “nan giải” là khách mời. Bàn qua tính lại miết rồi cũng phải chép miệng: “Để sang năm, qua đợt lao động hè mới có kinh phí, giàu nhờ gạo, mạnh bạo nhờ tiền mà…”. Nhưng khi tôi hỏi ý kiến tập thể: “Tôi muốn mời một người bạn là chuyên gia Quân sự đã từng sang Việt Nam, giúp đỡ về phương diện kỹ thuật, tác chiến, bị thương mất bàn tay phải…” thì mọi người rất quan tâm, yêu cầu tôi kể ngọn ngành về người bạn này...
…Khi đó, mới sang Nga thì tôi bị ốm, phải nằm ở bệnh viện vùng Irkusckơ. Ngày thứ năm ở bệnh viện, nhiều bạn bè kéo đến phòng tôi “trò chuyện”, chủ yếu là “ngôn ngữ” hình thể và hình ảnh. Một người bạn dạy tiếng Nga cho tôi nắm các ngón tay lại, chìa ra hai ngón trỏ, đặt nối tiếp, miệng nói “Pằng, pằng. Pằng pằng!”. Tôi hiểu anh nói là ở Việt Nam vẫn đang còn chiến tranh. Tôi gật đầu và xin một tờ giấy, gấp thành chiếc máy bay. Khi chiếc máy bay giấy vừa được phóng lên, tôi chụm các ngón tay lại, liên tiếp lao búp tay lên, miệng hét lớn “Oành oành. Oành oành…” và diễn tả máy bay bị trúng đạn, đồng thời chỉ tay vào ngực mình. Anh bạn ngỡ ngàng lặp lại những động tác và chỉ tay vào tôi. Tôi gật đầu. Tôi nhận được tràng dài pháo tay khen ngợi và những cái ôm hôn. Buổi “học” kết thúc, anh chau chuốt chiếc máy bay giấy và chỉ về phía mình. Tôi hiểu là anh muốn giữ làm kỷ niệm. Tôi vui vẻ ghi trên thân máy bay chữ “A-7A USA” cùng hàng số “15h 23-7-1972 C1 D54”. Chiếc máy bay được truyền tay người này qua người khác. Vậy là tên của chiếc máy bay Mỹ cùng ngày tháng bị đơn vị tôi bắn hạ được những người bạn Nga nhắc đi nhắc lại. Họ vui mừng như đây cũng là chiến công của họ.
Mấy hôm sau, anh bạn dạy tiếng Nga cho tôi đến cùng một người đàn ông đã đứng tuổi mặc sắc phục, một tay ông bị cụt. Ông lên tiếng trước “Xin chào!”. “Chào ông” tôi từ tốn đáp lễ. Sau cái bắt tay thân mật, ông nhanh nhẹn trải tờ giấy, khẩu pháo cao xạ nòng dài với miệng loa che lửa từ từ hiện ra theo từng nét vẽ của bàn tay còn lại. Tôi nhờ bút ghi luôn “37mm” đánh dấu vào vị trí pháo thủ số 3 và chỉ vào mình. Ông gật đầu, chụm mấy ngón tay lại quay quay. Tôi hiểu ông muốn kiểm tra nhiệm vụ của pháo thủ số 3. Tôi ghi tên từng loại máy bay Mỹ thường xuất hiện ở độ cao trong tầm bắn có hiệu lực của pháo 37mm: F-4C, A-4E, A-3J, F-104, F111, A-6D, A-7A… kèm theo tốc độ bay tính trên giây của từng loại và cự ly 3000m giảm dần theo thời gian bay vào để nạp dữ liệu, làm căn cứ cho pháo thủ số 2 bắt và bám sát mục tiêu. Ông rất vui, xiết chặt tay tôi và cho tôi địa chỉ cùng số điện thoại…
Nghe câu chuyện tôi kể, mọi người đồng ý cho tôi được ưu tiên mời khách – người bạn cùng chiến hào-chiến sĩ Quốc tế-người bạn Nga. Ngoài vị khách mời đặc biệt này, chúng tôi còn quyết định nhờ một cô giáo giúp đỡ vì vốn tiếng Nga còn khiêm tốn. Sau khi liên lạc, ông Nhicôlaepvich, vị khách mời đặc biệt, nhận lời tham dự buổi gặp mặt của chúng tôi.
Ngày 22-12, khi chúng tôi đến nhà ăn thì đã thấy ở một góc nhà ăn kê một dãy bàn dài, phủ khăn vải hoa sặc sỡ, 2 lẵng hoa tươi lớn trang trí rất đẹp và được đặt rất trang trọng. Đúng 15 giờ, ông Nhicôlai xuất hiện cùng cô giáo. Chúng tôi ào tới bắt tay cảm ơn hai người.
Ông Nhicôlai lấy từ trong chiếc cặp xách tay ra một chiếc máy bay giấy và đọc to: “15h ngày 23 tháng 7 năm 1972 C1 D54” rồi phóng nó lên cao. Chiếc máy bay vọt lên, lao đi một đoạn rồi giảm tốc, nghiêng cánh chúi xuống. Thật tình cờ, nó chúc đầu xuống, đậu vào một lẵng hoa. Mọi người vỗ tay rào rào. Không khí vui vẻ của buổi gặp mặt được “kích hoạt” từ hai vị khách. Ông khách tự giới thiệu về mình và những đơn vị phòng không mà ông cùng các chuyên gia đã có mặt ở Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An… Rồi ông chỉ vào từng người, hỏi: Ở binh chủng nào? Hoạt động trên địa bàn nào? Số học viên “trẻ” thì chưa biết được nhiều từ, số học viên khác thì chỉ lo ôm ấp cuốn Từ điển kỹ thuật ngành học nên vốn từ ngữ về kỹ thuật quân sự gần như bằng không nên thời gian nói chuyện ít hơn thời gian gãi tai, ề à, song tất cả đều vui vẻ cụng ly. Tôi là người cuối cùng được ông nhắc đến. Ông gọi tên tôi, quàng cánh tay lành lặn qua vai, dùng tay cụt đỡ dưới khoeo, nhấc bổng tôi lên, miệng hô: C1 D54. Mọi người xúm lại tung bổng tôi lên từng đợt theo tiếng đồng thanh C1 D54, cho dù chưa một ai biết rõ về C1 D54 đã bắn cháy chiếc máy bay A-7A ngày 23-7-1972 tai trận địa Trà Linh, mà biểu tượng của chiến công ấy lại được chính vị khách mời đưa tới đây, đang lung linh cùng với lẵng hoa. Vị khách thu hồi lại “tài sản” của mình, nhưng ông cũng rộng rãi để nó được chuyền tay từng người, để ai cũng được tận mắt nhìn rõ “A-7A 15h 23-7-1972 C1 D54”. Cô giáo là người cuối cùng cầm chiếc máy bay. Cô nâng niu, ve vuốt, ấp nó vào ngực mình và ôm ghì lấy tôi. Trong niềm vui khôn xiết, tôi thầm gọi “Ơi các anh em C1 D54! Chiến công là của cả tập thể đơn vị mà hôm nay mình tôi được hưởng”
Rời buổi gặp mặt, trước khi bước lên xe, ông Nhicôlaepvich giơ cao chiếc cặp (trong đó có chiếc máy bay giấy), nói lớn:
- 23-7-72 C1 D54 sẽ luôn nhớ mãi!
Chiếc xe Jiguli đỏ thẫm chở người hai người khách từ từ lăn bánh giữa một trời tuyết băng lạnh giá mà cả người về và người ở đều thấy ấm áp, rạo rực trong lòng.
Hữu Hằng
Ý kiến bạn đọc