Phát huy vai trò nòng cốt của kiểm lâm địa bàn
Là một trong những lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ rừng, nhưng trong những năm qua vai trò của lực lượng kiểm lâm địa bàn vẫn còn mờ nhạt bởi quân số mỏng, thiếu trang bị, vũ khí hỗ trợ… Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc lực lượng này luôn gặp khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, bình quân mỗi năm Dak Lak mất vài trăm héc-ta rừng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, diện tích rừng bị mất lên đến 12.162,5 ha. Mỗi năm ngành kiểm lâm tỉnh cũng phát hiện và xử lý hàng ngàn vụ vi phạm lâm luật. Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Hàng loạt vụ phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép diễn ra trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa bàn nóng như: Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Bông … Bên cạnh nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng phức tạp thì nạn dân di cư tự do cũng là một trong những áp lực lớn đối với rừng, bởi hàng năm vẫn có nhiều diện tích rừng bị chặt phá để làm nương rẫy. Thậm chí nhiều cánh rừng đã được giao khoán, hưởng lợi theo Quyết định 178 và 304 của Thủ tướng Chính phủ lại bị chính chủ rừng chặt phá…
Trước thực trạng trên, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; xử lý vi phạm về phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16-3-2013. Theo đó, các ngành chức năng, các địa phương, đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm phải thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn không để tình trạng khai thác rừng trái phép tái diễn. Ngành Kiểm lâm cũng đã tăng cường lực lượng cán bộ kiểm lâm địa bàn tại những vùng rừng trọng yếu, thành lập thêm các chốt kiểm tra tại các khu vực được coi là trọng điểm gồm: Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Súp… nhưng tình hình vi phạm lâm luật vẫn diễn ra phức tạp, vai trò của lực lượng nòng cốt này vẫn chưa thực sự được phát huy. Ông Nguyễn Văn Quang Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Kar thẳng thắn: Ea Kar là một trong những địa bàn “nóng” về tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép bởi đây là khu vực giáp ranh với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Việc quản lý bảo vệ rừng nói chung và khu vực rừng giáp ranh nói riêng của địa phương trong những năm qua luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các đối tượng lâm tặc ngày một manh động, còn lực lượng của ngành lại mỏng về quân số và thiếu các trang bị, phương tiện hỗ trợ cần thiết nên chưa thực sự phát huy hết vai trò bảo vệ rừng tại gốc. Mỗi xã có rừng hiện chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách, lại thiếu sự hỗ trợ từ phía cơ sở và chủ rừng nên hoạt động của lực lượng này không thực sự hiệu quả.
Tuần tra rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. |
Toàn tỉnh hiện có 641 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong số 180 xã phường, có 130 xã có rừng, trong đó 20 xã có diện tích rừng từ 10 nghìn ha trở lên. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh mới có 98 công chức kiểm lâm được phân công phụ trách 130 xã có rừng, hoạt động theo 2 phương thức là cụm kiểm lâm địa bàn (gồm nhiều xã) và kiểm lâm địa bàn phụ trách từng xã. Với trọng trách khá nặng nề: ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng, lực lượng này còn phải tham gia công tác khuyến lâm, hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, buôn xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp từ cơ sở; tham gia phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn những hành vi sai phạm… Do vậy, nếu yếu về năng lực thì lực lượng này rất khó mà hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Để tăng cường hiệu quả bảo vệ rừng, năm 2008 Chi cục đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực của kiểm lâm cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu được giao. Đến nay, qua công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, các kiểm lâm địa bàn bước đầu đã nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng hoạt động. Qua việc củng cố 82 ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, nhiều xã đã xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể về quản lý bảo vệ phát triển rừng hằng năm; xây dựng, củng cố được 579 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng tại thôn, buôn với 2.895 người tham gia. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng 6 trạm kiểm lâm địa bàn liên xã gồm: Ea Lê, Ya T’Môt (Ea Súp); Cư Mốt (Ea H’leo); Du Kmăl (Krông Ana); Ea Wer (Buôn Đôn); Cư Pui (Krông Bông). Các trạm này đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng cường an ninh rừng tại các điểm nóng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã kiến nghị với Cục Kiểm lâm Việt Nam xem xét tăng biên chế cho lực lượng kiểm lâm theo phương án: đối với 20 xã có diện tích rừng trên 10.000 ha được bố trí 60 kiểm lâm địa bàn; 25 xã có diện tích rừng từ 3.000-10.000 ha bố trí 40 kiểm lâm; 21 xã có diện tích rừng 1.000-3.000 ha bố trí 21 kiểm lâm; 39 xã có diện tích rừng 500-1.000 ha bố trí 14 kiểm lâm. Như vậy, số lượng biên chế kiểm lâm địa bàn còn thiếu hiện nay cần được bổ sung khoảng 37 biên chế. Bên cạnh đó, tiếp tục mở các lớp đào tạo, tập huấn, nhất là các lớp tập huấn chuyên sâu để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thực tế trong quản lý bảo vệ rừng theo đặc thù của từng địa phương.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc