Multimedia Đọc Báo in

Quỹ "xóa nhà ván" ở một chi hội Cựu chiến binh

10:05, 24/12/2013
Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) có 22 hội viên. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhà ở của hầu hết các hội viên CCB đều là nhà ván tạm bợ, nhiều nhà đã bị hư hỏng, xuống cấp, gây rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt mà các CCB không có điều kiện để sửa chữa.

Trước nhu cầu vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở của các CCB trong thôn, năm 2010 Chi hội CCB thôn Hiệp Hưng đã vận động hội viên cùng chung tay xây dựng quỹ “xóa nhà ván” thu hút đông đảo thành viên đăng ký tham gia... Ông Lưu Trọng Nhất, Chi hội trưởng CCB thôn Hiệp Hưng cho biết: “Hầu hết các cán bộ, hội viên trong chi hội đều tham gia vào quỹ, tự nguyện đóng góp mỗi năm 1 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả, Chi hội đã nhập nguồn quỹ “giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” trước đó chung vào quỹ “xóa nhà ván”, đến nay tổng số tiền đã lên đến 100 triệu đồng, qua đó đã hỗ trợ 3 hộ hội viên xây nhà (bình quân mỗi hộ được vay từ 20 – 30 triệu đồng). Trong quá trình xây dựng, các cán bộ, hội viên còn giúp nhau về ngày công lao động làm giảm chi phí mà nhà vẫn khang trang, kiên cố…”.

Ông  Lưu Trọng Quý (bìa trái) trước ngôi nhà khang trang của gia đình được  xây dựng từ quỹ  “xóa  nhà ván”.
Ông Lưu Trọng Quý (bìa trái) trước ngôi nhà khang trang của gia đình được xây dựng từ quỹ “xóa nhà ván”.

CCB Lưu Trọng Quý là một trong những hội viên đầu tiên trong chi hội được vay vốn xây nhà từ nguồn quỹ “xóa nhà ván”. Vào lập nghiệp tại thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp từ năm 1997, do cuộc sống quá khó khăn nên dù  ngôi nhà của gia đình đã bị hư hỏng, xuống cấp nhiều năm nay nhưng ông Quý vẫn không có điều kiện để sửa chữa. Năm 2011, được Chi hội tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ quỹ “xóa nhà ván”, cộng thêm tiền tích lũy của gia đình nên ông đã mạnh dạn xây nhà. Không chỉ được hỗ trợ vốn từ nguồn quỹ, ông còn được các hội viên cho vay thêm cho 35 triệu đồng với lãi suất thấp, đặc biệt trong ngày khởi công đã có hơn 10 cán hội, hội viên trong Chi hội tạm gác việc gia đình đến cùng chung tay giúp đỡ. Nhờ vậy, ngôi nhà đã nhanh chóng hoàn thành. Ông Lưu Trọng Quý cảm động cho biết: “Làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn nên chưa bao giờ tôi mơ đến việc làm được căn nhà khang trang để ở. Gia đình tôi có được chỗ ở như thế này là nhờ sự hỗ trợ của các cán bộ, hội viên trong chi hội”. Cũng trong năm 2011, gia đình CCB Ngô Xuân Hòa thuộc diện được trợ cấp xây dựng nhà “nghĩa tình đồng đội”, tuy nhiên với 20 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình cần phải góp thêm mới đủ xây nhà. Trong khi đó, hoàn cảnh của gia đình ông Hòa vô cùng khó khăn. Thấu hiểu và sẻ chia với hoàn cảnh đó, Chi hội đã xét cho ông Hòa vay 20 triệu đồng từ quỹ “xóa nhà ván”, khi tiến hành xây dựng, các hội viên còn cho vay thêm 45 triệu đồng với lãi suất thấp. Đến nay, ngôi nhà ván cũ trước đây của gia đình ông Hòa đã được thay bằng ngôi nhà cấp 4 khang trang, có diện tích sử dụng 75 m2… CCB Ngô Xuân Hòa cảm kích: “Do hoàn cảnh khó khăn, mỗi lần ngôi nhà bị xuống cấp gia đình tôi chỉ sửa chữa tạm bợ để ở và ngôi nhà đã trải qua 4 lần sửa chữa như vậy. Đến nay, nhờ sự giúp đỡ của chi hội và các cán bộ, hội viên, gia đình tôi mới có được ngôi nhà khang trang”.

Với quyết tâm không để hội viên nghèo phải ở trong những căn nhà tạm bợ, dột nát, ngoài nguồn quỹ nói trên, Chi hội CCB thôn Hiệp Hưng còn vận động hội viên nêu cao tinh thần “lá lành đùm lá rách” cho nhau vay hàng trăm triệu đồng với lãi suất thấp hoặc không tính lãi. Những hoạt động này khiến tình đồng chí, đồng đội của những người lính năm xưa càng thêm thắt chặt, sâu đậm hơn…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.