Multimedia Đọc Báo in

Voi rừng liên tục "ghé thăm" khu dân cư: Lo và mừng

10:33, 28/12/2013

Liên tục trong thời gian qua, đàn voi rừng hàng chục con kéo về khu dân cư khiến xung đột voi - người gia tăng đến mức báo động. Tuy nhiên, sự việc này cũng có tín hiệu đáng mừng là quần thể voi rừng đang phát triển cá thể đàn một cách tích cực.

Ngày 25-9, đàn voi rừng gần 30 con bất ngờ xuất hiện tại thôn 5, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp kiếm thức ăn, phá hoại hoa màu của người dân. UBND huyện Ea Súp đã sơ tán 10 hộ dân đến nơi an toàn; đồng thời huy động nhân dân cùng lực lượng công an huyện, kiểm lâm, bộ đội phối hợp xua đuổi voi bằng biện pháp thủ công như đánh chiêng, trống và đốt lửa. Voi rừng vào tận khu dân cư là điều từ trước đến nay chưa từng có, vì thường các “ông tượng” chỉ kéo về các khu vực rẫy cách xa nhà dân. Mới đây, ngày 10-12, đàn voi rừng hơn 20 con lại đột nhập khu vực thôn 6, thị trấn Ea Súp, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư Ma Lanh. Các cơ quan chức năng địa phương phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak tổ chức xua đuổi voi, nhưng phải 5 ngày sau đàn voi mới chịu trở lại rừng. Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: trong 2 đợt voi “ghé thăm”, đã có hàng chục ha hoa màu của người dân bị tàn phá; người dân rất lo ngại vì voi lì lợm, hung dữ hơn; một số biện pháp xua đuổi trước đây đã không còn hiệu quả. Do vùng sinh cảnh của voi rừng bị hạn chế, nên voi mở rộng địa bàn tìm kiếm thức ăn, đến tận khu vực canh tác của người dân.

Số lượng đàn voi ở Dak Lak đang ngày càng sụt giảm.
Số lượng đàn voi ở Dak Lak đang ngày càng sụt giảm.
Theo Trung tâm bảo tồn voi: đàn voi này có cấu trúc quần thể cân đối, có cả con đực, con cái, voi trưởng thành, voi con vài tuổi. Đặc biệt, trong đàn có con voi mới sinh lần đầu tiên xuất hiện đã cho thấy voi rừng đang phát triển quần thể, là điều đáng mừng trong công tác bảo tồn voi hoang dã; đồng thời là cơ sở để hy vọng số lượng voi hoang dã sẽ tăng lên trong thời gian tới (vì lâu nay tỷ lệ voi rừng sinh con rất thấp). Trong khi đó, từ khoảng 5 năm trở lại đây đã có 20 con voi rừng bị chết, số lượng cá thể chỉ còn lại 60 con. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bên cạnh voi bị săn bắn giết hại còn là việc rừng bị tàn phá, chuyển giao cho các doanh nghiệp trồng cao su khiến không gian sống và kiếm ăn của voi bị thu hẹp. Do đó, Trung tâm Bảo tồn voi và huyện Ea Súp đang tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, không xâm hại đến đàn voi nhằm tạo môi trường tốt cho đàn voi sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là bên cạnh việc bảo vệ, khôi phục môi trường sống để voi phát triển đàn, thì cũng cần đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm tài sản, lợi ích của người dân bằng cách hỗ trợ thiệt hại về hoa màu bị voi phá hoại; đồng thời quy hoạch bố trí khu vực đất canh tác xa vùng sinh cảnh của voi rừng.

Từ năm 2010, Dak Lak đã phê duyệt Dự án Bảo tồn voi đến năm 2015 với tổng kinh phí 61 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương và địa phương nhằm mục đích theo dõi, bảo vệ, chăm sóc khoảng 100 con voi hoang dã. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng Trung tâm Bảo tồn Voi trên diện tích rộng khoảng 200ha, trong đó 100ha để chăn thả voi, ươm trồng các loại cây làm thức ăn cho voi... Sau 2 năm triển khai, dự án đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận trong việc theo dõi, bảo vệ voi hoang dã và hạn chế mâu thuẫn giữa voi với người. Tuy nhiên, công tác bảo tồn voi, đặc biệt là voi hoang dã còn gặp những khó khăn do thiếu kinh phí, thực hiện, trong khi môi trường sống của voi tiếp tục bị tác động tiêu cực. Bởi vậy, theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi: để tránh nguy cơ voi tuyệt chủng cần triển khai cấp bách những biện pháp bảo vệ loài động vật hoang dã này, trong đó cần tiếp tục bố trí vốn triển khai dự án, xây dựng “nhà” an toàn, bảo đảm môi trường tự nhiên cho voi; đặc biệt cần có sự chung tay của cả cộng đồng trong việc bảo tồn, phát triển đàn voi.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.