Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 5,82%

09:23, 21/02/2014

Sáng 20-2, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015.

1
Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm phát biểu tại Hội nghị

Tham dự có lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm chủ trì Hội nghị.

2
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2011 đến tháng 9-2013, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 215.178 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng dư nợ hơn 2.815 tỷ đồng. Các cấp, ngành cũng đã tổ chức được 362 lớp tập huấn, hội thảo, hướng dẫn cách làm ăn, mô hình trình diễn cho trên 15.200 lượt hộ, với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn được cấp hơn 1,8 triệu lượt thẻ BHYT với tổng kinh phí hơn 927 tỷ đồng; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cấp sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho trên 1,4 triệu lượt học sinh, sinh viên, với tổng kinh phí 660 tỷ đồng; đào tạo nghề miễn phí cho 7.626 lao động nông thôn; xây dựng mô hình giảm nghèo tại các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Kar, M’Drak và Krông Pak.

Ngoài ra, hộ nghèo còn được hưởng lợi từ Chương trình 135, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đinh canh, định cư và trợ giúp pháp lý. Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể cũng đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào giúp người nghèo như: hỗ trợ làm nhà, phát triển sản xuất, tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khám chữa bệnh miễn phí… Tổng kinh phí đã bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo từ năm 2011 đến năm 2013 hơn 2.911 tỷ đồng. Nhờ vậy, hộ nghèo đã giảm từ 81.053 hộ năm 2011 (chiếm tỷ lệ 20,82%) xuống còn 50.334 hộ năm 2013 (chiếm tỷ lệ 12,26%), trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ 46.555 hộ xuống còn 30.716 hộ. Toàn tỉnh hiện còn 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, không còn huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%.

3
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin H'Bliăk Niê chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo hiệu quả

Hội nghị đã thông qua mục tiêu, giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo, trong đó toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 3%, đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5,82%.

3
Hỗ trợ phát triển cây bông vải - mô hình giảm nghèo hiệu quả ở xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại hạn chế như: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn cao, hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn chiếm trên 61% tổng số hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu giảm nghèo đến năm 2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đoàn thể cần tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, lồng ghép chặt chẽ công tác giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo theo nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích tinh thần tự vươn lên của người nghèo; tập trung ưu tiên nguồn lực tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời lưu ý, việc điều tra, rà soát hộ nghèo cần được triển khai chặt chẽ, đúng quy trình, xác định đúng đối tượng, phân loại các nguyên nhân nghèo theo nhóm hộ để có cơ sở triển khai giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả.

Nguyễn Xuân
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.