Multimedia Đọc Báo in

Hiến máu cứu người: Nghĩa cử cao đẹp xuất phát từ trái tim

09:23, 10/04/2014

Sau hơn 10 năm triển khai, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh đã phát triển sâu rộng, được đông đảo cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phong trào này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông LÊ XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh.

* Ông có thể cho biết  những kết quả mà nổi bật mà Dak Lak đạt được sau hơn 10 năm triển khai phong trào HMTN?

1
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lê Xuân Hồng

Phong trào HMTN tỉnh chính thức được triển khai từ tháng 6-2003, lượng máu thu được khi đó rất ít, chỉ với 694 đơn vị, mới đáp ứng 27,8% nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh. Đến năm 2013, toàn tỉnh đã thu được 14.223 đơn vị máu, gấp 20 lần so với năm 2003, lượng máu cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh đạt 95%. Cũng nhờ phong trào HMTN phát triển rộng khắp nên tỉnh ta không chỉ chủ động được nguồn máu phục vụ cứu chữa người bệnh mà còn cung cấp cho Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từ 1.000 - 3.000 đơn vị máu/năm.

Kết quả trên có được nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hoạt động tích cực của Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh, 15 huyện, thị xã, thành phố và 184 xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã thành lập được 8 “Câu lạc bộ vận động HMTN”, “Câu lạc bộ hiến máu dự bị”, “Câu lạc bộ Giọt hồng” với 2.577 tình nguyện viên làm công tác vận động đoàn viên thanh niên, cán bộ, công nhân viên tham gia hiến máu và họ cũng là “nguồn máu sống” sẵn sàng hiến máu đột xuất để cấp cứu bệnh nhân. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã thay đổi nhận thức, hành động của người dân, từ chỗ lo ngại, e sợ hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thì nay rất nhiều người đã nhiệt tình đăng ký tham gia; nhiều trường hợp đã hiến máu trên 10 lần. Trong hơn 10 năm, Dak Lak luôn là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về phong trào HMTN.

2
Phong trào HMTN đã phát triển rộng khắp thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có rất nhiều bạn trẻ  tham gia.

* Từ kết quả thực tế,  phong trào HMTN trong thời gian tới cần tập trung vào những nội dung gì để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ cứu chữa người bệnh,  thưa ông?

Theo chỉ tiêu trung ương giao, năm 2014 Dak Lak phải vận động, tiếp nhận khoảng 13.500 đơn vị máu. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã xây dựng kế hoạch phấn đấu tiếp nhận trên 14.000 đơn vị máu. Sở dĩ tỉnh đặt ra mục tiêu cao hơn kế hoạch được giao là vì ngoài lượng máu phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân trong tỉnh còn phải cung cấp máu cho các bệnh viện tuyến trên. Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức khoảng 90 đợt HMTN, thu hút khoảng 20.000 người tham gia.

Tuy nhiên, công tác vận động hiến máu có nhiều đặc thù và khó hơn nhiều phong trào, hoạt động khác. Có thời điểm vận động được người hiến máu nhưng lượng máu dự trữ đang còn thì không thể tiếp nhận hết toàn bộ, bởi với điều kiện của tỉnh ta chỉ có thể lưu trữ máu trong thời gian 30 ngày. Do vậy, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện nhằm cân đối giữa cung và cầu.

3
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên tham gia HMTN

Trong năm 2014, tỉnh tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo vận động HMTN các cấp, tổ chức tập huấn cho đội ngũ tình nguyện viên, tuyên truyền viên, thành viên các câu lạc bộ. Bên cạnh đó, tập trung tổ chức các sự kiện lớn như  “Ngày toàn dân tham gia hiến máu 7-4”, “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện 14-6”, phát động chiến dịch “Lễ hội Xuân hồng”, “Những giọt máu hồng hè 2014”. Các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể là cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động HMTN; đồng thời tổ chức và vận động ít nhất 20% số cán bộ, công chức của cơ quan mình tham gia hiến máu và tổ chức ngày hội hiến máu trong những tháng hè nhằm bảo đảm máu cho cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo các cấp chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở có đủ kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động HMTN; phát huy tốt lực lượng HMTN làm nòng cốt trong công tác vận động; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác HMTN.

* Ông có nhắn gửi gì đối với những cá nhân tham gia HMTN?

Có thể nói, HMTN là nghĩa cử cao đẹp, xuất phát từ tấm lòng, trái tim của những người khỏe mạnh với mong muốn góp phần cứu chữa cho người bệnh qua cơn nguy kịch. Các bạn đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, công nhân, viên chức, lao động và mọi người dân hãy phát huy tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, tích cực, hăng hái tham gia hiến máu để san sẻ sự sống cho người bệnh, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, góp phần vào công tác an sinh xã hội. 

*Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.