Những "nghệ sĩ đường phố"
Thời gian gần đây tại các quán nhậu, nhất là những quán nhậu bình dân tại TP. Buôn Ma Thuột thường xuất hiện những màn biểu diễn mua vui của các vũ công, ca sĩ, nhà ảo thuật đường phố.
Vào một chiều cuối tuần, một thanh niên chở theo chiếc loa to phía sau xe máy dừng lại trước một quán nhậu trên đường Lê Thánh Tông. Nhạc vang lên cũng là lúc người thanh niên này mang ra "bộ đồ nghề ảo thuật" để biểu diễn. Ban đầu chẳng ai để ý, nhưng chỉ sau vài phút biểu diễn, bằng tài nghệ của mình, người thanh niên đã khiến mọi người phải chú ý đến mình. Với đạo cụ đơn giản nhưng người thanh niên này đã tạo ra những hiện tượng biến hóa kỳ lạ, khéo léo, gây ngạc nhiên cho người xem. Những màn biểu diễn như: “tay không hóa bông hồng”, chỉ cần lấy một tấm vải nhỏ sau một lúc biến hóa có thể biến thành một bông hồng với đôi bàn tay trắng; với tiết mục “sợi dây ma thuật”, người thanh niên cho khán giả kiểm tra một sợi dây sau đó đưa phần giữa của sợi dây lên và cho khán giả cắt đứt làm hai, nhưng lạ kỳ là sợi dây khán giả vừa cắt giờ đây lại lành lại. Một lần nữa người thanh niên lại cho khán giả cầm sợi dây và cắt ở vị trí khán giả yêu cầu. Một lần nữa sợi dây lại lành lại như cũ... Sau vài tiết mục biểu diễn trong khoảng 20 phút, người thanh niên dừng lại, lấy kẹo singgum đến từng bàn mời mua. Khi chúng tôi hỏi chuyện, anh giới thiệu tên Hải nhưng lấy “nghệ danh” là Phan, hiện đang là sinh viên năm thứ hai, khoa Sinh - Thể trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak. Đưa tay chỉ chiếc loa được cột chặt sau yên xe máy vẫn đang phát điệu nhạc sôi động, Phan khoe: “Em vay mượn người thân, bạn bè mua cái loa đó 1,8 triệu đồng, thêm cái USB chừng trăm ngàn nữa, làm chừng vài tháng là trả hết nợ”. Mỗi tối, Phan rời nhà lúc 18 giờ, đảo qua các “cung đường ăn nhậu” của TP. Buôn Ma Thuột như Lê Thánh Tông, Ngô Quyền… rồi trở về nhà khoảng gần nửa đêm. “Hôm nào ít thì kiếm được 200 nghìn, nhiều thì 400 nghìn đồng. Nghề này cực nhưng cũng đủ để trang trải chi phí ăn học, với lại được biểu diễn ảo thuật là em thấy vui rồi” – Phan tâm sự.
Một "ảo thuật gia" đang biểu diễn tại một quán nhậu trên đường Lê Thánh Tông. |
Việc biểu diễn trên đường phố hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều tại TP. Buôn Ma Thuột. Do vậy sự “cạnh tranh” đang ngày càng khốc liệt hơn, đòi hỏi những “nghệ sĩ” phải không ngừng “làm mới” mình. Bỏ qua những ồn ào, khó chịu mà những “ca sĩ” này tạo ra, công bằng mà nói có nhiều nhóm hát đã tạo ấn tượng khá bất ngờ bởi giọng ca của mình. Còn nhớ một lần ngồi khề khà tại một quán nhậu trên đường Bà Triệu, khi nghe một “ca sĩ” người dân tộc Êđê thể hiện một bài hát Tây Nguyên, nhạc sĩ Phạm Hoàng Long, biên tập viên âm nhạc Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã phải ngỡ ngàng vì sự chân thật, “chất” Tây Nguyên trong giọng hát này. Thậm chí là với sự đánh giá của một người là “dân nhà nghề”, nhạc sĩ Phạm Hoàng Long cho rằng nếu những “ca sĩ” này có cơ hội thể hiện, họ còn “ăn đứt” nhiều ca sĩ đang đứng trên các sân khấu hiện nay. Có thể nói, những “nghệ sĩ đường phố” này đã phải lao động thật sự. Không chỉ bán sức lao động, họ còn bán cả sức khỏe và đặt cược những tháng ngày trai trẻ của mình để đổi lấy miếng cơm, manh áo. Đáng quý là dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng cố gắng kiếm kế mưu sinh bằng những đồng tiền chân chính.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc