Multimedia Đọc Báo in

Thủ lĩnh Đoàn xuất sắc ở xã vùng sâu

15:45, 08/05/2014

Tại lễ vinh danh 100 cán bộ Đoàn, đoàn viên xuất sắc tiêu biểu toàn quốc và trao Giải thưởng Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Tĩnh tháng 3 vừa qua, Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) Lê Ngọc Tú là một trong 2 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Dak Lak.

Anh là người đã đồng hành cùng thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống của các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) bằng những mô hình hay và cách làm hiệu quả.

Đàn gà... khởi nghiệp

Vụ Bổn là xã vùng 3, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng lại thiếu thốn nên nhiều thanh niên rời quê đi làm ăn xa. Làm sao để thu hút, thanh niên vào tổ chức Đoàn, lập thân lập nghiệp ngay trên quê hương mình là điều trăn trở của Bí thư Đoàn xã Lê Ngọc Tú.

Để tạo nguồn vốn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, anh Tú đã mạnh dạn triển khai mô hình: Đoàn xã trích quỹ mua gà con, vận động Bí thư, Phó bí thư chi đoàn các thôn, buôn nhận gà về nhà nuôi để bán lấy tiền tạo nguồn vốn giúp ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn vay. Cụ thể, năm 2012, đợt đầu tiên anh vận động Bí thư chi đoàn các thôn, buôn nhận nuôi hơn 300 gà con (mỗi người nhận nuôi 5 con). Tận dụng cơm canh thừa, rau cỏ trong vườn và thời gian nhàn rỗi, sau 4 tháng nuôi đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con, Đoàn xã thu về và bán ra thị trường với tổng số tiền hơn 17 triệu đồng. Những đợt tiếp theo, vận động cả Phó Bí thư các chi đoàn tham gia, nhờ đó số gà được ĐVTN nhận nuôi mỗi đợt lên đến 500-600 con, điều này đồng nghĩa số tiền thu về cũng tăng hơn nhiều. Đặc biệt, có 8 ĐVTN tự bỏ tiền túi, gà giống của gia đình để nuôi (mỗi người hơn 10 con), đến thời hạn họ vẫn giao nộp đủ số gà thịt. Anh Nguyễn Văn Huấn (Bí thư Chi đoàn thôn 5) bày tỏ: “Nhận nuôi gà con tuy là một việc làm nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất thiết thực bởi nó không chỉ giúp các ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn có nguồn vốn phát triển kinh tế mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái của thanh niên giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.

Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn Lê Ngọc Tú (bên phải) nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng.
Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn Lê Ngọc Tú (bên phải) nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng.

Từ năm 2012 đến nay, số tiền thu được từ việc nuôi gà đã lên đến 77 triệu đồng, được Đoàn xã tạo điều kiện cho nhiều đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Anh Hoàng Văn Tuyên (thôn 1) tâm sự: “Trước đây vợ chồng tôi làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng do cuộc sống khó khăn nên đã trở về địa phương để đầu tư chăn nuôi động vật hoang dã. Đầu năm 2013 được Đoàn xã hỗ trợ gần 20 triệu đồng tiền vốn, tôi đã mở rộng chăn nuôi,  nạo vét ao hồ để nuôi thêm cá. Bây giờ đã có thu nhập ổn định, kinh tế cũng khá hơn trước nhiều”.

Đồng hành cùng thanh niên

Là một cán bộ Đoàn, anh Lê Ngọc Tú luôn suy nghĩ tìm ra giải pháp hay nhằm thúc đẩy hoạt động phong trào tại đơn vị. Đồng thời phát huy tinh thần cũng như bản lĩnh của người thủ lĩnh áo xanh, anh gương mẫu xung kích trong mọi phong trào và hoạt động của Đoàn, xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, được các cấp đánh giá cao.

Để hỗ trợ thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, anh đã trực tiếp đi liên hệ với các trung tâm dạy nghề tổ chức nhiều hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho hàng trăm lượt ĐVTN tại địa phương. Nhờ đó, nhiều thanh niên mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. Đặc biệt, thông qua các lớp dạy nghề, nhiều đoàn viên đã chọn nghề cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như hộ anh Lê Công Nam (thôn 1), sau khi được đào tạo nghề, đã đứng ra mở tiệm sửa xe máy. Nhờ cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá, anh càng có điều kiện tham gia vào các hoạt động Đoàn của địa phương.

Với những nỗ lực của bản thân, anh Tú đã tập hợp hàng trăm ĐVTN tham gia vào tổ chức Đoàn nhờ các mô hình phát triển kinh tế, giúp nhau vươn lên làm giàu. “Đến thời điểm này, Đoàn xã Vụ Bổn đã thành lập được 18 tổ đổi công trên tổng số 28 chi đoàn thôn buôn, giúp nhau đổi hàng ngàn ngày công trong các đợt thu hoạch mùa màng, gieo trồng vụ mới... Đồng thời, đã vận động thành lập được 2 tổ góp vốn tại 2 chi đoàn với tổng số vốn góp được trên 40 triệu đồng giúp ĐVTN phát triển kinh tế. Với điều kiện, chỉ đổi công và cho vay vốn đối với ĐVTN sinh hoạt trong chi đoàn nên ngày càng thu hút nhiều ĐVTN tham gia vào tổ chức Đoàn”, Bí thư Đoàn xã Vụ Bổn Lê Ngọc Tú cho biết. Ngoài ra, anh Tú và Ban Chấp hành Đoàn xã đã huy động ĐVTN địa phương tham gia hàng chục công làm thuê như phát dọn rừng, làm cỏ, thu hoạch ngô… để lấy tiền hỗ trợ ĐVTN vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế.

Hơn 10 năm gắn bó với hoạt động Đoàn, Lê Ngọc Tú đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ ĐVTN và người dân địa phương. Chính lòng nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, sáng tạo trong công tác Đoàn của anh đã tạo khí thế cho thanh niên, đoàn viên cùng tham gia hoạt động đoàn thể và phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.