Multimedia Đọc Báo in

Công tác kết nghĩa của phụ nữ huyện Buôn Đôn: Tăng cường tình đoàn kết và giúp nhau vượt khó

09:20, 04/06/2014
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Buôn Đôn đã không ngừng đẩy mạnh công tác kết nghĩa giữa chi hội người Kinh với chi hội phụ nữ dân tộc tại chỗ.
 
Thông qua hoạt động này đã giúp chị em dân tộc thiểu số tại chỗ khẳng định vai trò của mình trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của các chi hội đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng đã được nâng lên rõ rệt, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động và phong trào chung của Hội.

Hiện nay, Hội LHPN huyện Buôn Đôn có 26/99 chi hội dân tộc thiểu số tại chỗ, chiếm 26,2%; trong đó có 20 chi hội được kết nghĩa (đạt tỷ lệ 76%), 6 buôn còn lại chưa phân công kết nghĩa do mới chia tách từ các chi hội khác.

Thực hiện công tác kết nghĩa, các chi hội kết nghĩa với nhau đã thường xuyên có sự  liên hệ, trao đổi, qua đó các chi hội người Kinh nắm bắt những khó khăn của các chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ để có những hỗ trợ kịp thời. Các đơn vị đã tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm trao đổi những kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc; kinh nghiệm trong công tác xây dựng tổ chức Hội. Trong 5 năm qua, các đơn vị đã tổ chức được 127 buổi sinh hoạt, thu hút 10.750  lượt chị tham gia. Các chi hội người Kinh còn vận động chị em hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không nghe, không tin, không theo lời kẻ xấu xúi giục chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc; kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đồng thời tiếp tục gìn giữ, phát huy các văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Các chi hội cũng tuyên truyền, vận động chị em hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; rèn luyện phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các chi hội người Kinh còn hỗ trợ các chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ về vốn, giống cây, con các loại và công lao động. Trong 5 năm qua, các chị em chi hội người Kinh đã giúp được hơn 1.500 lượt chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ với trị giá số tiền gần 80 triệu đồng.

Các buổi sinh hoạt giữa các chi hội kết nghĩa thu hút  đông đảo chị em tham gia.
Các buổi sinh hoạt giữa các chi hội kết nghĩa thu hút đông đảo chị em tham gia.

Bên cạnh đó, các chi hội người Kinh còn hướng dẫn chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ xây dựng, duy trì và nhân rộng hoạt động các tổ, nhóm, các mô hình hoạt động có hiệu quả như: Mô hình tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm; tổ góp vốn; mô hình hũ gạo tiết kiệm... Tính đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Buôn Đôn đã xây dựng được 152 nhóm tín dụng tiết kiệm, có hơn 2.900 thành viên tham gia với số tiền tiết kiệm hơn 754 triệu đồng; 82 tổ góp vốn, có hơn 2.035 thành viên tham gia với số tiền hơn 720 triệu đồng, giúp 356 lượt chị vay xoay vòng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Các cấp Hội cũng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức thăm và tặng quà cho phụ nữ nghèo, khó khăn của buôn kết nghĩa nhân dịp lễ Tết Nguyên đán, trị giá hơn 264 triệu đồng. Từ các hoạt động trên, đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của các chị em ở các chi hội đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Bà Nông Thị Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Buôn Đôn cho biết: “Có thể khẳng định rằng công tác kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội phụ nữ người dân tộc thiểu số tại chỗ trong thời gian qua của Hội đã thực sự phát huy được hiệu quả. Thông qua công tác kết nghĩa, trình độ, nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ được nâng lên rõ rệt, nhất là các kiến thức tham gia quản lý các nguồn vốn tín dụng tiết kiệm, tiếp cận các thông tin khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kiến thức chăm sóc sức khỏe gia đình, giúp chị em phụ nữ nâng cao địa vị bình đẳng trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong thời gian tới, để công tác kết nghĩa đạt được những kết quả cao hơn nữa Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể duy trì công tác kết nghĩa, đồng thời tiếp tục tổ chức kết nghĩa đối với thôn, buôn mới chia tách và tổ chức kết nghĩa giữa các hộ gia đình phụ nữ người Kinh với hộ gia đình phụ nữ người dân tộc tại chỗ. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, vận động hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt phong trào thi đua và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội...”.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.