Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh

09:18, 04/06/2014

Được khởi công xây dựng từ tháng 6-2012 và dự kiến đưa vào sử dụng trước năm 2013, thế nhưng đến nay, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh (xã Ea Na, huyện Krông Ana) vẫn còn dang dở trong khi nhiều thiết bị công trình đã bị hư hỏng, mất cắp. Bao hy vọng của người dân về nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh bị tan biến, nay lại quay về với việc gùi từng can nước từ sông, suối hay các mạch nước ngầm trong vùng để sử dụng.

Đây là dự án do Phòng Dân tộc huyện Krông Ana làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí xây dựng trên 1 tỷ đồng (trong đó có 700 triệu đồng vốn của ngân sách tỉnh, còn lại là  kinh phí của huyện). Dự kiến khi hoàn thành, công trình có khả năng cung cấp nước hợp vệ sinh ổn định cho 56/148 hộ dân ở buôn Cuăh. Theo thiết kế, nguồn nước để vận hành hệ thống cấp nước này được bơm trực tiếp từ một giếng đào cũ ở nhà văn hóa cộng đồng buôn Cuăh, thông qua hệ thống xử lý làm sạch, sau đó cấp về tận các hộ dân. Mỗi hộ được đầu tư lắp đặt miễn phí 1 van khóa, 1 đồng hồ và 1 ống nước... Những thiết bị này do chính người dân tự bảo quản. Các gia đình sẽ được dùng nước hợp vệ sinh miễn phí trong 1 năm đầu, từ năm thứ 2 trở đi sẽ tính phí sử dụng để chi trả tiền điện chạy máy bơm cho hệ thống cấp nước này. Tháng 10-2013, công trình được Phòng Dân tộc huyện Krông Ana bàn giao cho UBND xã Ea Na quản lý. Tuy nhiên, khi bàn giao thì công trình vẫn chưa hoàn thiện hệ thống đấu nối đường điện để vận hành máy bơm. Thế là từ nhiều tháng qua, công trình này vẫn “nằm đắp chiếu”, còn người dân thì vẫn sống trong cảnh “khát” nước sạch. Hiện tại, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu được bà con lấy từ các sông, suối, kênh mương trên địa bàn về sử dụng, không bảo đảm vệ sinh và bất tiện. Trong khi đó, một số thiết bị của công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, vòi, van khóa nước… bị tháo, bẻ, mất mát. Chính quyền và bà con nơi đây đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên các phòng, ban liên quan của huyện yêu cầu khắc phục, sớm đưa công trình vào sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

  Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh  (xã Ea Na,  huyện Krông Ana) vẫn  “nằm đắp chiếu” nhiều tháng nay.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh (xã Ea Na, huyện Krông Ana) vẫn “nằm đắp chiếu” nhiều tháng nay.

Ông Hoàng Long, chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Krông Ana cho hay, nguyên nhân của việc thiếu hệ thống điện vận hành máy bơm cho công trình cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Cuăh là do bộ phận tư vấn thiết kế “quên” đề cập đến phần đấu nối điện (?!). Khi bàn giao công trình này cho xã Ea Na thì đơn vị thi công và Phòng Dân tộc huyện cũng đã xuống kiểm tra và xin kéo nhờ điện của một hộ dân để thử vận hành máy, khi xác định máy bơm chạy tốt thì mới bàn giao cho xã. Ông Long khẳng định thêm: Hiện nay, có nhiều đoạn ống nước chưa được chôn lấp cẩn thận, còn nằm ngổn ngang trên mặt đất đã bị hư hỏng và ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của bà con. Đây là lỗi của đơn vị thi công đã làm ẩu, dẫn đến chất lượng không bảo đảm, mà nguyên nhân chính là việc chôn lấp hệ thống ống dẫn quá nông. Theo thiết kế thì đường ống nước phải được chôn sâu 60cm nhưng có nhiều nơi ống dẫn nước chỉ được chôn chưa đầy 20 cm. Chưa kể, chất lượng đường ống lại được làm bằng nhựa cứng, độ bền thấp, việc gia súc hay bất kỳ phương tiện giao thông của người dân khi qua lại đè nén lên cũng dễ làm đường ống bị vỡ. Mặc dù vậy, khi nghiệm thu công trình, chủ đầu tư chỉ kiểm tra sơ qua, không thấy dấu hiệu bất thường nên vẫn nghiệm thu để bàn giao cho xã Ea Na.

Ông Nguyễn Đức Chơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết, sau khi Phòng Dân tộc huyện bàn giao công trình cấp nước sinh hoạt buôn Cuăh cho xã quản lý thì nhiều tháng qua các đường ống dẫn nơi đây vẫn chưa ngày nào có nước. Trước thực tế trên, ngày 25-5-2014 UBND xã đã trích ngân sách 3 triệu đồng để đấu lắp đường dây, công tơ điện phục vụ việc vận hành hệ thống cấp nước, đồng thời, thống nhất thành lập tổ quản lý vận hành máy gồm 2 thành viên là người dân trong buôn. Những thiết bị nước như vòi, ống dẫn nước, van khóa bị mất, hư hỏng hiện cũng được xã thống kê, lập danh sách gửi lên UBND huyện xin kinh phí cấp lại, song đến nay vẫn chưa thấy ngành chức năng của huyện có động tĩnh gì.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.