Trẻ em nghèo nhọc nhằn mưu sinh ngày hè
4 giờ sáng, em Y Yin Niê, 12 tuổi (học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Hàm Nghi, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã chuẩn bị một gùi đầy chôm chôm để mang ra chợ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột bán. Với em, 3 tháng hè là dịp “được” cùng bố mẹ mưu sinh và có cơ hội tích góp tiền mua thêm áo quần cho năm học mới.
Hè về, “thương nhân” nhí Y Yin Niê tranh thủ thu gom, mua bán hoa quả. Đang mùa chôm chôm, cậu bạn thường tới tận vườn mua với giá 10 nghìn đồng/kg, sau đó mang ra chợ bán giá 12-13 nghìn đồng/kg. Sáng tinh mơ, mẹ Y Yin Niê chở đến cổng chợ Buôn Ma Thuột, để cậu tự xoay xở với gùi to chôm chôm chín đỏ, chiều mới quay lại đón. Y Yin Niê cho biết: Buổi trưa em vẫn thường tự túc đồ ăn, lúc thì gói xôi, ly chè, hôm nào bán được nhiều thì ăn tô bún, nhưng ăn bún tốn nhiều tiền, nên chỉ khi thèm lắm mới dám vào quán…
Mỗi ngày, H’Tây và Y Yin lại bắt đầu công việc bán mặt hàng rau quả. |
Không chỉ Y Yin Niê, mà rất nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên hè đến là dịp các em lặn lội trên những cánh đồng, hay lên rừng, xuống chợ, vào rẫy… Cố gắng làm lụng để có tiền mua quần áo, bút mực cho năm học mới. Vào kỳ nghỉ, hai chị em Nông Thị Bích và Nông Thị Nhung, 11 tuổi (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Du, xã Ea Wer, Buôn Đôn) lại bắt đầu công việc nhặt phân trâu bò. Có thể nói đây là việc dễ “hái” tiền nhất đối với trẻ em, người già. Đều đặn mỗi sớm, Bích, Nhung và nhóm bạn đi quanh các đồng ruộng, ngả đường, khu chăn nuôi để gom phân. Hơn 2 ngày thu lượm và phơi nắng, các em lại có 1 bao phân khô để đem bán. Nhung thủ thỉ: “Nắng quá nên phân ế rồi, chỉ 40 nghìn đồng/bao thôi; dạo trước bán được 50 nghìn đồng cơ. Được phụ giúp bố mẹ thêm ít tiền mua gạo, em vui lắm”. Vui nhất với các em trong những ngày hè là kiếm được nhiều… phân bò để bán, hơn 1 tuần nay các em đã bán được 100 ngàn đồng. Bích thật thà chia sẻ: “Em thích trời mưa, vì khi mưa sẽ ít người đi nhặt phân, không phải lo tranh giành nhau nữa”. Cứ vậy, một ngày như mọi ngày hè còn lại, các em không một lời ca thán dù trên gương mặt còn đọng lại nhiều ưu tư và mỏi mệt. Bích nói: “Làm miết rồi cũng quen, gần như cả thôn em, các bạn đều đi nhặt phân trâu bò về bán. Hè này chúng em chỉ mong kiếm được nhiều tiền hơn hè trước thôi, vì giá thức ăn có tăng lên chút rồi, việc mua sắm trở nên khó khăn hơn”.
Những ngày hè, nhiều trẻ em nghèo tranh thủ phụ giúp bố mẹ để có thêm thu nhập |
Cũng như Bích và Nhung, kỳ nghỉ hè của H’Tây Mlô, 14 tuổi (học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, TP. Buôn Ma Thuột) gắn liền với tháng ngày bán rau củ. Gia đình H’Tây có 9 anh chị em, bố mẹ làm nương rẫy, phải lo chạy ăn từng bữa. Thương bố mẹ vất vả, tranh thủ dịp hè, H’Tây lại lao vào làm thêm, kiếm tiền. Cứ chiều tối hôm trước, H’Tây Mlô ra vườn cắt rau, chia làm 20-30 bó chuẩn bị cho sáng mai ra chợ, quãng đường từ nhà đến chợ Buôn Ma Thuột mất hơn 30 phút gùi hàng đi bộ. Gần 5 năm nay, góc vỉa hè ven chợ đã quá quen với cô bạn nhỏ. Mỗi bó rau H’Tây Mlô bán 2,5 ngàn đồng, vì rau nhà trồng nên không sợ bị lỗ vốn, chỉ mong bán nhanh, nhiều người chọn mua. H’Tây Mlô tâm sự: Khu chợ này được nhiều người hỏi mua nên bán hàng nhanh hết. Cũng không ít hôm ế ẩm, sáng sớm H’Tây Mlô gùi hàng đi rồi trưa nắng lại gùi nguyên hàng về. “Những hôm bán không được em buồn lắm. Gùi hàng nặng không sao cả, nhưng về đến nhà, thấy sự chờ mong của bố mẹ mà xót lòng”- H’Tây Mlô nghẹn giọng.
Hè là dịp để các em tham gia lao động cùng gia đình, mong có thêm chút thu nhập để cải thiện bữa ăn thường ngày. Hơn chăng, các em cũng chỉ ước ao có thêm bộ quần áo mới, dụng cụ học tập để chào đón năm học. Sống trong vất vả, các em càng thấu hiểu khó khăn của bố mẹ, biết yêu thương gia đình và cố gắng học tập tốt hơn. Tuy vậy, ngoài phụ giúp kinh tế gia đình, các em cũng cần có sân chơi ngày hè bổ ích, an toàn, ý nghĩa. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn không gian rất rộng nhưng trẻ em vẫn thiếu sân chơi vì chưa có sự quy hoạch cụ thể. Riêng với Y Yin Niê, Nông Thị Bích, Nông Thị Nhung hay H’Tây Mlô, mùa hè lại là những ngày nhọc nhằn mưu sinh phụ giúp bố mẹ. Ở đấy, các em thật sự tìm thấy ý nghĩa của những đồng tiền, do mồ hôi, công sức của mình làm ra.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc