Ưu tiên bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Em Y ZiKa Êban, một trẻ mồ côi ở buôn Jung A, xã Ea Ktur, năm nay lên 6 tuổi. Mẹ của em mất năm 2008, sau đó người bố cũng bỏ nhà đi sang Gia Lai và không quay lại. Kể từ đó, Y ZiKa cùng 2 chị gái của mình và bà nội nương tựa vào nhau để sinh sống. Thu nhập chính của họ chỉ dựa vào 1 sào đất trồng lúa, cuộc sống gặp rất nhiều thiếu thốn. Vì vậy, 2 người chị của Y ZiKa là H’Blô và H’Laly lần lượt phải bỏ học để đi làm cỏ bắp, cỏ sắn, gặt lúa, hái cà phê… Trước hoàn cảnh đó, năm 2012, Đảng bộ huyện Cư Kuin với chương trình “Tiết kiệm làm theo lời Bác” đã vận động cán bộ, đảng viên quyên góp được hơn 60 triệu đồng xây nhà tình thương tặng cho cháu Y Zika. Hiện tại, Y Zika cũng được đi học ở một trường mầm non.
Còn 2 chị em H’Đao và H’Trúc ÊBan ở buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm nay, H’Đao 15 tuổi học lớp 9, còn H’Trúc 4 tuổi. Hai đứa trẻ thơ dại không có cha mẹ chăm sóc, không có nhà cửa nên ở cùng ông bà nội. Năm 2013, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin đã vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp được 50 triệu đồng xây nhà tình thương cho chị em H’Đao, giúp các em có chỗ ở kiên cố và tạo động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Hay như trường hợp của cháu Lê Công Toàn, ở thôn 10, xã Ea Tiêu sinh năm 2008 và bị bệnh tim bẩm sinh. Năm 2013, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin đã làm thủ tục, hoàn tất hồ sơ cho cháu Toàn được mổ tim miễn phí tại TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cư Kuin tặng quà cho cháu Y Zika. Ảnh: Võ Thảo |
Đó là một số trong rất nhiều việc làm thiết thực của các cấp, ngành ở huyện Cư Kuin để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, hiện nay, toàn huyện có 23.879 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 22% dân số).
Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 963 em (có 50 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 291 em bị dị dạng, dị tật; 16 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh…). Riêng năm 2013, huyện Cư Kuin đã tặng 161 suất quà trị giá 16 triệu đồng cho trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu; đăng ký khám sàng lọc và phẫu thuật cho 7 trẻ bị bệnh ở mắt, 16 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, 8 trẻ khuyết tật, 5 trẻ sứt môi, hở hàm ếch; đề xuất trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng cho 41 trẻ mồ côi (nâng tổng số đối tượng được bảo trợ xã hội hiện có là 2.425 đối tượng)… Đồng thời, cấp học bổng cho 37 học sinh nghèo và trẻ mồ côi vượt khó học giỏi; cấp mới 1.954 thẻ bảo hiểm y tế (nâng tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi có thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%). Ngoài kinh phí 73,9 triệu đồng của tỉnh, huyện Cư Kuin còn hỗ trợ 97,9 triệu đồng để triển khai các hoạt động truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và xây dựng mô hình câu lạc bộ trẻ em dựa vào cộng đồng. Điều đáng mừng là đến nay, 100% trẻ không nơi nương tựa đều được các gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể ở huyện Cư Kuin luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015 bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh - truyền hình, treo băng rôn, khẩu hiệu, mít tinh, tọa đàm…về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nghị định của Chính phủ về các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội; phòng chống bạo hành, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phối hợp tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em, tổ chức vui chơi ngày Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu... Không những vậy, ngành chức năng ở huyện Cư Kuin còn tiến hành rà soát nắm bắt đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tham mưu kịp thời cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ về vật chất và tinh thần; hoàn tất thủ tục để trẻ em được hưởng mọi chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.
Ở 8 xã thuộc huyện Cư Kuin, hằng năm, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đều được đưa vào các nghị quyết, chỉ tiêu thực hiện. Từ đó, có sự phân công địa bàn phụ trách cho cán bộ chuyên môn, thực hiện đầy đủ chế độ giao ban hằng tháng để báo cáo tình hình công tác trẻ em. Hoạt động về công tác trẻ em cũng được các ban ngành, đoàn thể và mỗi gia đình hưởng ứng mạnh mẽ. Nổi bật là phong trào xây dựng ngôi nhà an toàn, xây dựng xã phù hợp với trẻ em được thực hiện đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình ngôi nhà an toàn ở các xã: Ea Tiêu, Hòa Hiệp, Ea Ning; câu lạc bộ ông bà cháu ở xã Cư Êwi, bảo vệ chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng ở xã Ea Ktur…
Từ những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành ở huyện Cư Kuin đã góp phần kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống lành mạnh cho nhiều trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, bất hạnh, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Hồng Thúy
Ý kiến bạn đọc