Báo động tình trạng lạm dụng kháng sinh (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Lạm dụng kháng sinh và những hệ lụy
Là loại thuốc chỉ được dùng để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra, song kháng sinh bị lạm dụng trong chữa trị nhiều loại bệnh đang gây ra nhiều hệ lụy, trong đó nguy cơ hiện hữu là tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc đang đẩy nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn đến tình trạng khó chữa vì không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu...
Nhiều hệ lụy
Cậu con trai 3 tuổi của chị N. (phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột) bị viêm phổi phải nhập viện. Con nằm viện, cả nhà nháo nhác, bố mẹ phải thay phiên nhau nghỉ làm để chăm sóc. Thế mà sau hơn 10 ngày điều trị, chị N. suýt khóc khi bác sĩ thông báo cậu con trai của chị không đáp ứng với loại kháng sinh hiện tại nên phải đổi thuốc khác mới mong trị dứt bệnh. Chị bảo: “Trước đây, mỗi lần cháu bị sốt, viêm họng hoặc viêm phế quản đều được bác sĩ kê kháng sinh uống. Lần này, cháu mới đi học vài ngày thì bị sốt, cứ nghĩ cháu bị viêm họng như mọi lần vì khóc nhiều nên tôi mua thuốc theo đơn cũ cho cháu uống nhưng vài ngày vẫn không thấy đỡ mà còn diễn biến nặng hơn đến viêm phổi. Cháu điều trị ở bệnh viện 10 ngày, đã được tiêm kháng sinh mà nay lại phải đổi thuốc khác thì không biết sẽ thế nào đây, tôi lo quá”. Chị Th. (phường Ea Tam) cũng nhận thấy, do con mình uống nhiều kháng sinh nên cứ mỗi lần viêm họng, sổ mũi, chị đều phải cho con uống loại thuốc có hàm lượng bằng hoặc nặng hơn lần trước nếu không sẽ rất lâu khỏi. Chị Th. than thở: “Có khi một tháng cháu phải uống đến 2-3 đợt thuốc, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày. Không hiểu sao cháu rất dễ ốm, cứ thay đổi thời tiết một chút là sốt, ho. Không đi khám thì không yên tâm, mà đi khám thì y như rằng sẽ được kê đơn có kháng sinh và phải là loại kháng sinh bằng hoặc nặng hơn lần trước, không thì bệnh cứ dai dẳng mãi không khỏi”.
Một bác sĩ nhi khoa đã phân tích: “Kháng sinh sử dụng bừa bãi sẽ gây ra nhiều điều hại: các tác dụng phụ của kháng sinh (tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong) hay đề kháng kháng sinh (sau này khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, bởi vì vi trùng đã tìm được cách chống lại kháng sinh đó), vì vậy người bệnh sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể tử vong. Kháng sinh, ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Những vi khuẩn có lợi này giúp tạo một môi trường cân bằng sinh thái ngay trong cơ thể để ngăn cản sự phát triển của những vi khuẩn có hại. Vì vậy, nếu sử dụng kháng sinh nhiều và không hợp lý thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn”.
Người bệnh tự mua thuốc tại một nhà thuốc ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Không chỉ kháng thuốc, lờn thuốc, sử dụng kháng sinh bừa bãi còn dễ gây ra tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa do nhóm thuốc này thường tiêu diệt cả những vi khuẩn có ích trong đường ruột. Bên cạnh đó, kháng sinh còn làm “ẩn” triệu chứng của những loại bệnh do vi rút gây ra (vốn không cần dùng kháng sinh), gây khó khăn cho việc điều trị. Chị Th. (phường Tân Thành) vẫn ân hận mãi về cái lần cô con gái 5 tuổi của chị bị sốt xuất huyết cách đây 1 năm. Thấy con sốt cao, chị vẫn nghĩ là con bị viêm họng do ăn kem lạnh nên tự đi mua thuốc – trong đó có kháng sinh amoxcilin – về cho uống để “dập bệnh ngay từ đầu”. Bé đỡ sốt thật nhưng chỉ vài ngày sau đó thì bị sốt lại và tiêu chảy ra máu. Chị đưa con đi cấp cứu mới biết cháu bị sốt xuất huyết và việc dùng kháng sinh không những không có tác dụng trong điều trị loại bệnh này mà còn khiến các dấu hiệu của bệnh trở nên khó nhận biết, tình trạng bệnh dễ trở nên trầm trọng hơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý
Không khó để nhận thấy tình trạng sử dụng kháng sinh chưa hợp lý không chỉ diễn ra ở các phòng khám tư, ở các gia đình bệnh nhân mà còn xảy ra ở cả bệnh viện. Khi nghiên cứu về tình hình sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi ở khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn (Bệnh viện đa khoa tỉnh Dak Lak) nhận thấy đang có xu hướng sử dụng quá rộng rãi và phối hợp kháng sinh thường xuyên, đây chính là nguyên nhân của tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng tăng. Qua nghiên cứu 174 bệnh nhi từ 2 tháng đến 5 tuổi điều trị nội trú tại khoa Nhi, bác sĩ Tuấn nhận thấy có 17,8% bệnh nhi phải đổi kháng sinh 1 lần do bệnh không thuyên giảm sau 4 – 5 ngày điều trị; 4,6 % đổi kháng sinh 2 lần và 0,57% đổi kháng 3 lần do tình trạng bệnh nặng và nằm điều trị dài ngày. Dựa vào kết quả nghiên cứu, bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn đã kiến nghị rằng trong điều trị viêm phổi cần tăng cường sử dụng kháng sinh đường uống (hiện nay đa số sử dụng kháng sinh tiêm) và không nên phối hợp ngay 2 kháng sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần chấn chỉnh những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sử dụng thuốc (trong đó có kháng sinh) bừa bãi, chưa hợp lý như hiện nay, đó là sự thiếu cân nhắc của bác sĩ trong khi kê đơn, sự không tuân thủ quy định trong kinh doanh dược phẩm và thói quen dùng thuốc tùy tiện do thiếu hiểu biết của người bệnh. Tuy nhiên, để khắc phục được những tình trạng này thì rất cần sự quan tâm, tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng. Ông Lê Bá Nguyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế) thừa nhận: “Mặc dù Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định mức xử phạt đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn (kể cả kháng sinh) mà không có đơn của bác sĩ là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng, không có hình thức xử phạt bổ sung song mức phạt này còn thấp dẫn đến các cơ sở dễ dàng vi phạm và tái phạm”. Ông Nguyên cũng khẳng định, để chấn chỉnh những bất cập trong sử dụng, mua bán thuốc hiện nay, trong thời gian tới Sở Y tế sẽ tăng cường thanh tra đồng bộ trong lĩnh vực hành nghề y và dược, xử lý đúng quy định của pháp luật về hành vi vừa kê đơn vừa bán thuốc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, ngành Y tế cũng tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân hiểu rõ về tác hại của việc dùng thuốc chữa bệnh tùy tiện nói chung, trong đó có sử dụng thuốc kháng sinh không đúng phác đồ điều trị và lạm dụng kháng sinh trong chữa bệnh. Về kế hoạch chung, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, trong đó có việc tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn và việc thực hiện Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú.
Kim Hồng
Ý kiến bạn đọc