Multimedia Đọc Báo in

"Hành trình ước mơ"- Bồi đắp kỹ năng sống cho thiếu nhi

16:09, 29/07/2014

Chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 3 ngày, song dường như các hoạt động của chương trình trải nghiệm “Hành trình ước mơ” đã giúp những cô bé, cậu bé tự tin và trưởng thành hơn nhiều…

Được thực hiện bởi sự phối hợp giữa Thành đoàn Buôn Ma Thuột và Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, “Hành trình ước mơ” là một chương trình trải nghiệm để các em nhỏ được trang bị thêm những kiến thức từ thực tế, từ đó có thái độ rèn luyện đúng đắn về thể lực, đạo đức, tác phong, lối sống. Đồng thời, cũng là dịp để các em nhìn nhận lại bản thân mình và bày tỏ tâm tư tình cảm với đấng sinh thành. Chia sẻ về hoạt động này, Phó Bí thư Thành đoàn Phan Đức Lộc cho biết: “Chương trình trải nghiệm “Hành trình ước mơ” được khởi xướng từ năm học 2012-2013. Có thể xem đây là một hoạt động ngoại khóa nhằm tạo sân chơi, bổ ích, lành mạnh cho các em trong dịp hè và bồi đắp thêm những kiến thức thực tế. Từ thành công của chương trình đầu tiên, “Hành trình ước mơ” năm nay được đổi mới về nội dung học tập và sinh hoạt theo phương châm “Học mà chơi – chơi mà học”, trong đó chú trọng đến giáo dục truyền thống, giáo dục kỹ năng mềm như: kỹ năng hội nhập, thích nghi, kỹ năng sống tự lập và cách tạo dựng niềm tin, tham gia một ngày làm nông dân, học làm người có ích, tham gia hoạt động thể dục thể thao… Qua đó giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần”.

Tham gia vào sân chơi “Hành trình ước mơ” đầu tháng 6 năm nay có  83 đội viên đến từ 83 liên đội trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Trong 3 ngày xa gia đình, hòa mình vào tập thể, các em đã vượt qua những quy định khắt khe từ giờ giấc đến nề nếp sinh hoạt. Bên cạnh đó, Chương trình còn trang bị cho các em kiến thức về kỹ năng sống, nhận thức sâu sắc hơn về tình cảm gia đình, tình yêu thương đối với mọi người và học làm người có ích thông qua chuyên đề “Xây dựng tình yêu thương”, “Kỹ năng kiềm chế tức giận”, “Ước mơ trong tầm tay”; hay tham gia hoạt động tăng gia sản xuất giúp các em cảm nhận được giá trị của lao động, từ đó hiểu hơn trách nhiệm của mình với bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội. Điều này được thể hiện rõ qua sự thay đổi trong nhận thức ở mỗi học viên tham gia chương trình. Vốn rất ít khi xa cha mẹ, người thân nên đêm đầu tiên ở “Hành trình ước mơ” với em Nguyễn Thị Anh Tuyền (đội viên đến từ Liên đội trường tiểu học Y Jút) thật khó khăn. Cả đêm em hầu như không ngủ mà chỉ nhớ cha mẹ, nhớ đến những kỷ niệm đẹp về gia đình, song đây cũng là lúc em cảm thấy hối hận về những lỗi lầm đôi khi gây ra khiến cha mẹ phải buồn. Cô bé bộc bạch: “Tham gia chương trình, em phải tự làm mọi việc từ vệ sinh cá nhân đến dọn dẹp nơi ở. Thế mới thấy, ở nhà ba mẹ thương em rất nhiều, làm cho em mọi thứ, còn em lại ham chơi, đôi khi không nghe lời làm ba mẹ buồn lòng. Sau khi trở về, điều đầu tiên em muốn nói với cha mẹ lời xin lỗi và sẽ cố gắng ngoan ngoãn, học tập tốt để ba mẹ vui”. Còn với học viên Đỗ Thị Hoài (Liên đội Trường THCS Nguyễn Trường Tộ) thì khi tham gia “Hành trình ước mơ” em như thấy mình lớn lên thêm. Hoài chia sẻ: “Trong 3 ngày qua, em đã được các anh chị truyền đạt nhiều điều hay, trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích, giúp em thấy được điều hay lẽ phải, biết yêu thương, chia sẻ với mọi người. Em tự hứa khi trở về nhà sẽ phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi làm cho bố mẹ vui lòng”.

Một tiết mục văn nghệ do chính các  em dàn dựng và biểu diễn  tại Lễ bế mạc “Hành trình ước mơ”.
Một tiết mục văn nghệ do chính các em dàn dựng và biểu diễn tại Lễ bế mạc “Hành trình ước mơ”.

Có lẽ, một hiệu quả khác mà “Hành trình ước mơ” đem lại cho các em nhỏ là rèn luyện lối sống tự lập, bởi trên thực tế, rất nhiều ông bố, bà mẹ đã phải đau đầu trong việc nhắc nhở con cái từ vệ sinh cá nhân, học tập cho tới chuyện ngủ nghỉ. Nhiều trẻ vẫn thường ỷ lại vào cha mẹ, cho rằng mình có quyền được chăm sóc, được nghịch ngợm, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới trách nhiệm của chính bản thân mình. Đôi khi vì quá bận rộn, nhiều người làm cha mẹ đã không dành đủ thời gian để giáo dục cho con những điều cơ bản trong cuộc sống. Do đó, chương trình “Hành trình ước mơ” đã tạo nên các tình huống trong cuộc sống xung quanh trẻ và rèn cho trẻ lối sống, lối ứng xử và những kỹ năng cần thiết. Chị Đoàn Thị Mỹ Hương (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) là mẹ của học viên Đoàn Thế Hào (Liên đội Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ) cho biết: “Sau khi tham gia “Hành trình ước mơ” trở về, cháu ngoan ngoãn hơn rất nhiều và biết tự làm nhiều việc không cần mẹ phải nhắc nhở như trước. Đặc biệt, cháu không còn e ngại khi thể hiện tình cảm yêu thương của mình với người thân trong gia đình”. Theo một điều phối viên của chương trình, người trực tiếp  tham gia “huấn luyện” các em thì chương trình này không phải là “chiếc đũa thần” làm biến đổi mọi thứ như phụ huynh mong muốn, mà chỉ là hoạt động mang tính bước đệm để hình thành đức tính tốt ở trẻ. Bởi lẽ, những đức tính này cần phải được luyện tập, trau dồi hàng ngày bằng cách thực hành thực tế để trở thành thói quen hòa nhập của trẻ. Chính vì vậy, khi về nhà gia đình cần phải tạo điều kiện để các em phát huy những gì nhận được từ chương trình một cách thường xuyên.

“Hành trình ước mơ” năm 2014 khép lại với những tiết mục độc đáo như trình diễn trang phục từ giấy tái chế, hát, nhảy flashmob…của các em đã nhận được rất nhiều nụ cười, tiếng vỗ tay từ các đại biểu, các bậc phụ huynh tham dự Lễ bế mạc. Có lẽ, đó cũng là món quà mà các em muốn gửi đến Ban Tổ chức chương trình, các nhà tài trợ, các anh, chị điều phối viên cùng cha, mẹ, người thân của mình, bởi nhờ sự giúp sức của họ mà các em đã thêm những kỹ năng sống hết sức quan trọng và cần thiết cho chặng đường học tập và phấn đấu thực hiện ước mơ trong tương lai.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc