20:59, 18/07/2014
Nằm chênh vênh trên đỉnh đèo Phượng Hoàng, tại km 110, Quốc lộ 26, làng phong thuộc buôn M’Jam, xã Ea Trang, huyện M’Drak. Dù lần đầu đặt chân hay có nhiều lần đến thăm thì nỗi niềm chung của mỗi người khi cảm nhận về nơi đây vẫn là niềm thương cảm, xót xa, day dứt cho những số phận, những cảnh đời không may mắn ấy …
H’Nghênh Ksơr năm nay đã gần 40 tuổi nhưng chị chưa lập gia đình. Chị cười chua xót: “Lập gia đình ư? Ai lấy người bệnh tật như mình! Mình không nuôi nổi bản thân mình thì còn có thể lấy ai và ai dám lấy mình!”. Chị H’Nghênh kể: Ngay việc đi lại chị còn đau đớn nói gì đến đi nương làm rẫy. Căn bệnh phong quái ác đã lấy đi những đốt tay phải và làm liệt bên chân phải của chị lúc nào chị cũng chẳng còn nhớ nữa. Giờ miếng ăn hàng ngày chị đều phải trông chờ vào người mẹ già đã gần 80 tuổi. Trước đây còn sức khỏe thì mẹ đi lấy củi, chặt đót, hái trái rừng hay đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền mua gạo. Nhưng giờ tuổi cao sức yếu, có người nào hảo tâm giúp đỡ ký gạo, chai mắm thì dành dụm, dè sẻn, còn không thì hai mẹ con ăn rau trừ bữa. Hai người phụ nữ, một già một trẻ sống nương vào nhau cho qua ngày đoạn tháng. Mẹ của chị nhiều lúc đã phải thốt lên: Giá như ông trời cho bà mang bệnh thay con thì con gái đỡ khổ mà bản thân già cũng có chỗ tựa nương.
Ngay sát nhà của chị H’Nghênh là nhà của cháu Y Mon Niê. Có lẽ em là người bất hạnh nhất trong những cảnh đời đáng thương ở làng phong này. 9 tuổi nhưng Y Mon chỉ như đứa trẻ chưa đầy hai tuổi. Y Mon không tự mình làm được bất cứ việc gì. Nghe hoàn cảnh của em không ai cầm được nước mắt. Em bị bệnh bại não từ nhỏ, lên 5 tuổi, mẹ của em qua đời ngay sau khi sinh đứa con thứ hai. Bố của Y Mon đi lấy vợ khác. Người cưu mang Y Mon là vợ chồng người chị gái của mẹ em. Ông Y Tin Byă – người chú dượng của Y Mon kể: Y Mon ngồi không vững, chỉ ngồi được một lúc là nghiêng ngả rồi ngã trước ngã sau. Em không nói không cười bao giờ, ăn uống vệ sinh đều phải có người giúp. Vợ chồng ông Y Tin thương cháu nhưng cũng chẳng có tiền chạy chữa vì đến cái ăn còn phải đong đếm từng ngày, có gạo mà ăn đã là may lắm rồi. Cực chẳng đã, nhiều lúc không có người trông nom, ông Y Tin phải đi làm thuê kiếm gạo đành để Y Mon ở nhà một mình, chốt cửa lại để em khỏi ngã lăn ra ngoài.
Nhìn những vết sẹo và cả những vết thương vẫn còn đang rỉ máu trên miệng em do bị té mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Thấy chúng bạn đùa vui chạy nhảy, Y Mon chỉ biết ngơ ngác, vặn vẹo người và rên khe khẽ; dường như sự giao tiếp của em với mọi người xung quanh chỉ có thế. Chúng tôi ước điều kỳ diệu cho em nhưng liệu điều kỳ diệu nào có thể thay đổi được căn bệnh quái ác này?
|
Những ngôi nhà ở làng phong đã được sửa chữa khang trang hơn nhưng cuộc sống của người dân trong làng vẫn còn nhiều vất vả. |
Từ lâu nay, làng phong Ea Trang được nhiều người biết đến như là nơi nương thân của những phận người hẩm hiu, bất hạnh bởi căn bệnh phong. Gọi là làng nhưng thực ra ở đây chỉ vỏn vẹn 19 nóc nhà với khoảng 70 nhân khẩu. Những người mang bệnh từ đời ông bà, bố mẹ cũng mất dần do tuổi già và bệnh tật. Số người mang bệnh trong làng rất may chỉ còn lại 4-5 người. Tài sản đáng giá nhất của mỗi hộ gia đình ở đây có lẽ chỉ là căn nhà chừng 30 m
2 do một tổ chức hỗ trợ bệnh nhân phong của Hà Lan đầu tư xây dựng cách đây chừng 5 năm. Và sau một thời gian bị xuống cấp, thật mừng vì vừa qua có một doanh nghiệp (xin được giấu tên) đã đầu tư lợp lại mái tôn, lát lại nền nhà bằng gạch hoa. Căn nhà nhìn đã khang trang hơn nhưng cái nghèo cái khổ thì vẫn đeo đẳng người dân trong làng suốt bao nhiêu năm nay, chưa hề thay đổi. Nguồn mưu sinh của họ chủ yếu là đi làm thuê, làm mướn, đi rừng kiếm trái cây rừng, chặt đót về bán lấy tiền mua gạo; thậm chí trông ngóng cả vào từng ký gạo cứu trợ của các đoàn từ thiện. Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Trang và cũng là người 15 năm sống gần người dân làng phong chia sẻ: Làng phong cũng được các cơ quan, tổ chức quan tâm hỗ trợ như sửa sang nhà cửa, đầu tư giếng nước, xây dựng lớp học. Người dân ở đây cũng có ruộng nước nhưng do trình độ và khả năng lao động hạn chế nên năng suất lúa không cao. Cũng do luẩn quẩn với đói nghèo, bệnh tật nên hầu như các thế hệ ở làng đều mù chữ. Đám trẻ trong làng đến tuổi đi học, do cái ăn còn phải lo từng ngày nên bố mẹ càng không có điều kiện quan tâm. “Hỗ trợ về vật chất cũng tốt nhưng về lâu dài cần giúp họ chiếc cần câu như việc hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, tập huấn cho họ về kỹ thuật canh tác để họ có thể tự biết làm, tự sản xuất, tự bảo đảm lương thực cho gia đình mình”, ông Thắng nói.
Tạm biệt làng phong với bao niềm thương cảm, chúng tôi thầm ước một ngày trở lại làng phong sẽ được “đổi đời”…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc