Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn nghề làm "đại sứ thương hiệu"

09:58, 31/07/2014

Trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động quảng bá thương hiệu cho sản phẩm trở nên sôi động và rất được các công ty, doanh nghiệp chú trọng. Những mẩu đăng tuyển lao động cho các vị trí PG, PB, kế toán, marketing… trên các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng trở nên dày đặc và lan truyền nhanh chóng. Từ đó, cơ hội cho cả người tìm việc, việc tìm người trở nên linh hoạt, thuận tiện hơn.

Những điều hấp dẫn từ nghề

Nghề Promotion Girl (PG) là nghề dành cho những cô gái trẻ trung, xinh  đẹp, lấy hình ảnh của mình để quảng cáo sản phẩm... gọi nôm na là “đại sứ thương hiệu”... Nghề PG lương cao, không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, chỉ cần ngoại hình khá, có khả năng giao tiếp để quảng cáo, truyền thông cho sản phẩm các công ty, doanh nghiệp… thường gọi là “đại sứ thương hiệu”. Từ nhu cầu thực tế đó đã tạo điều kiện cho nghề PG ngày càng phát triển và khá quen thuộc đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Mục đích làm việc của các “đại sứ thương hiệu” là để khách hàng hiểu rõ và nhanh chóng tiếp cận với sản phẩm được quảng bá, tạo dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng cho thương hiệu. Từ đó, công việc của PG cũng thiên biến vạn hóa, lúc làm lễ tân, tiếp khách, phát tờ rơi, khi thì mời khách hàng dùng thử sản phẩm để quảng bá sản phẩm… Với dáng người mẫu, lại sở hữu một gương mặt khả ái nên Hiền Lương (sinh viên năm 3, Trường Đại học Tây Nguyên) được nhiều chương trình gọi làm PG. Theo nghề từ khi bước chân vào năm thứ nhất của giảng đường đại học, Hiền Lương làm PG cho nhiều sản phẩm. Từ những va chạm trong công việc làm thêm ấy, cô bạn học hỏi nhiều kinh nghiệm hay từ nghề: cách giao tiếp, ứng xử khôn khéo, tế nhị, tự tin trước đám đông.

PG  làm nhiệm vụ lễ tân cho một chương trình  được  tổ chức tại  Quảng trường 10-3.
PG làm nhiệm vụ lễ tân cho một chương trình được tổ chức tại Quảng trường 10-3.

Tùy theo mỗi chương trình và mức độ khác nhau mà PG nhận thù lao khoảng 150-500.000 đồng/buổi. So với các công việc bán thời gian khác như: phục vụ quán cà phê, chạy bàn ăn, làm gia sư, phát tờ rơi… thì PG khá nhàn nhã, kiếm được nhiều tiền, không mất quá nhiều thời gian. Hiền Lương cho biết: “Chỉ cần chương trình làm việc kéo dài khoảng 3 ngày là mình có ít nhất 600 ngàn, bằng cả tháng lương phục vụ quán nước hay đi dạy kèm. Đặc biệt, các nghề khác phải chờ đến cuối tháng nhận lương nhưng nghề PG chỉ cần hoàn thành chương trình là có luôn kinh phí. Số tiền đó càng trở nên quan trọng hơn khi túi tiền của mình đã cạn mà viện trợ từ gia đình vẫn chưa tới nơi”. Còn Lương Tâm (sinh viên năm 3, Trường Đại học Tây Nguyên) lại chọn nghề PG vì lý do khác: “Thời gian làm việc không hề bị bó hẹp, những chương trình mình chọn thường diễn ra trong ít ngày nên không ảnh hưởng đến việc học. Nghề này luân chuyển môi trường làm việc thường xuyên khiến mình rất thích thú”.

Với những bạn nữ làm PG cho các hãng bia, thuốc lá, mỹ phẩm… thường làm việc với cường độ cao hơn, thu nhập cũng cao hơn, từ 4-7 triệu đồng/tháng - đấy là số tiền làm thêm đáng mơ ước của nhiều sinh viên, nhất là với những bạn trẻ sống xa gia đình, còn phụ thuộc vào trợ cấp của bố mẹ.

Nỗi lòng khó tỏ

Không chỉ mang lại nhiều niềm vui, lợi ích, nghề PG luôn ẩn chứa đầy khó khăn, thách thức. Nhiều ban trẻ bước vào nghề mới biết rõ điều này, nhưng vẫn ngậm ngùi theo nghề vì chưa tìm được công việc nào có thu nhập tốt hơn.

PG làm nhiệm vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm
PG làm nhiệm vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm

Như trường hợp của Lương Tâm, dù khá đắt show lễ tân ở các chương trình nhưng cô không ngại chia sẻ: “Một số chương trình phải mang giày cao gót trong nhiều tiếng đồng hồ, đôi lúc đi lại quá nhiều khiến đôi chân như muốn quỵ ngã nhưng vẫn phải cố gắng cười tươi để chào đón khách. Một khi đã đồng ý tham gia chương trình thì dù nắng hay mưa cũng phải làm việc nghiêm túc, chấp hành đúng quy định của họ. Có như thế mới nhận được thù lao xứng đáng và tạo được uy tín để còn có dịp tham gia các sự kiện khác”.

Bên cạnh đó, hầu hết PG của các chương trình, sự kiện thường phải mặc đồng phục để giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đến với khách hàng. Không hiếm PG đã phải dở khóc dở cười khi khoác lên mình những bộ đồng phục “bắt mắt” ấy. Một PG cho một thương hiệu bia tâm sự: “Có những khách hàng mượn men rượu, bia thường buông lời trêu ghẹo, thậm chí có hành động khiếm nhã nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng… Lắm hôm mưa gió, lạnh đến run người nhưng vẫn phải mang đồng phục ngắn; rồi còn phải tươi cười để giới thiệu sản phẩm với khách hàng”.

Đối với PG làm công việc tiếp thị rượu, bia, thuốc lá… khá khó khăn vì thường xuyên tiếp xúc với đủ dạng khách hàng, trong đó hầu hết là người khác giới. Nhiều vị khách tỏ ý coi thường, chê bai và có cái nhìn lệch lạc về nghề mà các bạn lựa chọn. Tuy vậy, khó khăn từ nghề vẫn còn dễ chịu hơn nhiều so với định kiến xã hội. Do giờ giấc của công việc khiến nhiều nữ sinh phải đi sớm, về khuya, lại thường trang điểm đậm nên dễ bị hàng xóm dị nghị, bàn tán. “Bão” dư luận khiến nhiều bạn đành bỏ việc…

PG không còn mới mẻ nhưng vẫn lắm thị phi và chịu nhiều rủi ro. Đối với nhiều bạn trẻ làm nghề “đại sứ thương hiệu”, đây là cơ hội kiếm tiền từ mồ hôi, công sức của chính họ. Vì vậy, họ rất mong xã hội có cái nhìn tích cực, thiện cảm hơn đối với nghề.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc