Multimedia Đọc Báo in

Cần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ngay từ bậc tiểu học

15:38, 16/08/2014
Trong thời gian gần đây, những mô hình giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi do Đoàn Thanh niên tổ chức ngày càng được đông đảo phụ huynh đăng ký cho con em tham gia.
 
Thậm chí có trường hợp, mặc dù đã hết thời hạn đăng ký và đủ số lượng theo yêu cầu của chương trình nhưng phụ huynh và các em đã xin ghi tên đăng ký cho năm sau. Điều đó cho thấy sự cần thiết của giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi và nhu cầu được giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống hiện nay.
 
Vì sao kỹ năng sống lại quan trọng như vậy? Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa: kỹ năng sống là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày. Theo Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) ba thành tố hợp thành năng lực của con người là: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Hai yếu tố sau thuộc về kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp…

Cuộc sống vốn dĩ muôn hình vạn trạng, rất nhiều yếu tố tác động đến suy nghĩ, hành động của mỗi người, nếu thiếu kỹ năng sống, chúng ta sẽ không biết cách giải quyết tình huống và có khi đi lệch hướng. Rất nhiều kỹ năng sống cần được trau dồi trong suốt quá trình sống của mỗi con người. Ngay từ khi biết nói, chúng ta học kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh; khi bắt đầu hình thành ý thức, chúng ta học kỹ năng kiểm soát tình cảm, kỹ năng kìm chế thói hư tật xấu, sở thích cá nhân có hại cho bản thân và người khác; ngay từ khi bước chân vào trường học, để tiếp thu kiến thức, chúng ta cũng cần kỹ năng học tập… và theo tiến trình phát triển, chúng ta cần rất nhiều kỹ năng để sống, lao động.

Mục tiêu giáo dục là nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiện nay kỹ năng sống đã được ngành Giáo dục quan tâm nhưng chưa toàn diện, đúng mức. Thiết nghĩ, ngay từ bậc tiểu học, việc dạy kỹ năng sống phải được đặt song song với dạy chữ, với những kỹ năng thiết yếu như: ý thức về bản thân, làm chủ bản thân, đồng cảm, tôn trọng người khác… Bởi lẽ thành công chỉ thực sự đến với những người biết thích nghi để làm chủ hoàn cảnh và có khả năng chinh phục hoàn cảnh và do vậy kỹ năng sống sẽ là hành trang không thể thiếu. Kỹ năng sống tốt thúc đẩy thay đổi cách nhìn nhận bản thân và thế giới, tạo dựng niềm tin, lòng tự trọng, thái độ tích cực và động lực cho bản thân, tự mình quyết định số phận của mình. Kỹ năng sống giúp giải phóng và vận dụng năng lực tiềm tàng trong mỗi con người để hoàn thiện bản thân, tránh suy nghĩ theo lối mòn và hành động theo thói quen trên hành trình biến ước mơ thành hiện thực.

Không chỉ nhà trường và các tổ chức chính trị - xã hội phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi, mà gia đình, các bậc làm cha mẹ cũng cần hiểu đúng về kỹ năng sống và truyền dạy cho con em mình, để các em sẽ sống tốt, sống có ích và trở thành người tốt trong xã hội.

Xuân Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.