Multimedia Đọc Báo in

Chỗ dựa tinh thần của người dân buôn Ea Bhôk

15:06, 15/08/2014
Đến buôn Ea Bhôk (xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin) hỏi già làng Y Brah Niê, bà con nơi đây đều nói về ông với tình cảm quý mến, bởi ông luôn tích cực tham gia các hoạt động góp phần đưa đời sống của buôn làng phát triển đi lên.

Khởi đầu là việc vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trước đây, do bà con chưa có kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi nên dù đất đai nhiều nhưng năng suất đem lại không cao, cuộc sống cơ cực, thiếu thốn vẫn đeo bám các gia đình. Ông đã đến từng nhà vận động bà con thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức để nắm bắt khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống có năng suất cao vào nuôi trồng. Mưa lâu thấm dần, công sức tuyên truyền vận động của ông rồi cũng đạt được kết quả. Sau khi tham gia tập huấn, nhiều hộ đã biết tận dụng, khai thác lợi thế đất đai để đầu tư hợp lý, chuyển đổi những loại cây ngắn ngày sản lượng thấp sang trồng tiêu, cà phê tạo thu nhập ổn định, lâu dài. Nhờ vậy, đến nay đời sống của bà con buôn Ea Bhôk khấm khá hơn rất nhiều, tỷ lệ hộ khá giả chiếm khoảng 30%, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Đặc biệt, nhiều hộ đã vượt khó vươn lên khá giả nhờ phát triển sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, như gia đình các ông Y Dem Bdăp, Y Sem Ksor có thu nhập bình quân mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng. Hỏi già làng Y Brah về cách thuyết phục bà con từ bỏ phương thức sản xuất cũ để làm ăn theo cách mới, ông cười: “Muốn bà con từ bỏ thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức thì trước hết phải làm họ tin, phải làm cho bà con thấy kết quả cụ thể. Nói thì dễ, làm khó lắm, nhưng muốn có cuộc sống đủ đầy thì khó cũng phải làm”.

Già làng Y Brah Niê  (người thứ 2 từ phải sang)  trao đổi với  bà con về cách chăm sóc cây tiêu.
Già làng Y Brah Niê (người thứ 2 từ phải sang) trao đổi với bà con về cách chăm sóc cây tiêu.

Ngoài việc tích cực vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng giàu mạnh, những năm qua già làng Y Brah còn đóng góp không nhỏ trong việc duy trì số trẻ trong tuổi đi học của buôn đến lớp. Với suy nghĩ “phát triển kinh tế thôi chưa đủ, để thoát nghèo bền vững phải bắt đầu từ giáo dục”, ngày ngày ông vẫn đến từng nhà thuyết phục bà con cho trẻ đi học để sau này có tri thức góp sức xây dựng quê hương, buôn làng. Vì vậy, tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng giảm hẳn, nhiều gia đình dù rất cần sức lao động nhưng vẫn cho con em tới trường, không chỉ để học con chữ mà còn được học cái nghề. Những năm gần đây nhiều con em trong buôn đã lần lượt thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Già tâm sự: “Nếu mình không có trách nhiệm với buôn làng, với con cháu thì cái nghèo, cái khổ sẽ còn mãi; đáng lo hơn nữa là kẻ xấu sẽ lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thật thà của bà con mà xúi giục, kích động những việc làm không tốt, ảnh hưởng đến trật tự trị an, ảnh hưởng đến sự đoàn kết buôn làng”. Cũng từ suy nghĩ ấy, già luôn giành thời gian vận động bà con trong buôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đoàn kết chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, không nghe, không làm theo kẻ xấu. Và hình ảnh già làng Y Brah rảo bước đôi chân dẻo dai đi khắp buôn làng vận động bà con nghe theo Đảng để có được cuộc sống ổn định, ấm no đã trở nên thân quen với người dân buôn Ea Bhôk.

Trong câu chuyện với mọi người, không nói nhiều về những việc làm của mình, già làng Y Brah Niê chỉ “khoe” về những đổi thay của buôn Ea Bhôk và  việc bà con nâng cao ý thức trong xây dựng nếp sống mới, từ chuyện nỗ lực để phát triển kinh tế đến việc đoàn kết đồng lòng đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, thắt chặt tình làng nghĩa xóm… Với cái tâm và bầu nhiệt huyết của mình, già làng Y Brah Niê thực sự là chỗ dựa tinh thần của bà con trong buôn và là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.