Có một nghề đang dần bị lãng quên
Đi dọc các tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột thật khó để tìm thấy một biển hiệu “Cho thuê sách, truyện”, chỉ còn lác đác vài tiệm nhỏ với những quyển sách đã phủ lớp bụi nằm lặng lẽ một góc. Phải chăng nghề này đã bị “bỏ quên”?
Khoảng 10 năm trở về trước khi “cơn bão” Internet còn chưa “quét” mạnh như bây giờ, cho thuê truyện là một trong những dịch vụ phát triển khá rầm rộ và thu hút số lượng lớn các bạn trẻ tìm đọc. Những tiệm cho thuê truyện lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Nhiều tiệm nằm san sát từng dãy trên đường Phan Bội Châu, Bà Triệu, Hồ Tùng Mậu, Y Wang… Đó thường là những địa điểm gần trường học, phục vụ chủ yếu cho học sinh. Giá mua truyện cao trong khi thuê truyện lại rẻ nên dịch vụ này rất “hút” khách. Truyện thuê bao gồm thể loại truyện tranh và tiểu thuyết, với hàng trăm bộ truyện của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc từ tình cảm, kiếm hiệp đến viễn tưởng các loại. Được cầm trên tay những quyển truyện khi ấy là cả một điều thích thú của giới trẻ. Chị Hoàng Như Ngọc (38 tuổi) bán hàng tạp hóa trên đường Y Jút tiếc nuối nói: “Nhớ lại hồi xưa cứ rảnh lại chạy ra tiệm cho thuê truyện ở đường Phan Bội Châu tìm những cuốn tiểu thuyết tình cảm về đọc, nhiều lúc đọc say sưa cả đêm không ngủ. Bây giờ, muốn đọc một cuốn tiểu thuyết xưa mà đi thuê ít nơi có, đi thư viện lại ngại mất công làm thẻ nên thôi”.
Ngày nay với sự phát triển chóng mặt của Internet, hàng trăm website đọc truyện online chất lượng cao ra đời, cung cấp hàng nghìn đầu truyện cho đông đảo độc giả. Chỉ cần một cái nhấp chuột đã có ebook, những trang truyện trực tuyến vừa sinh động lại chẳng lo mất phần nếu chậm chân. Những hàng quán cho thuê truyện cũng vì thế mà ế ẩm rồi vắng bóng dần, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhưng hầu như tiệm nào cũng vắng khách, có tiệm “ế” quá lúc mở lúc đóng, có tiệm chỉ vài trẻ em trong xóm đến thuê. Hiện nay, độc giả chủ yếu là các em học sinh thích đọc truyện tranh Hàn Quốc, Nhật Bản, còn những tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao, truyện kiếm hiệp Trung Quốc một thời “làm mưa làm gió” nay bị xếp vào một xó, hầu như không có ai hỏi. Tiểu thuyết văn học của Nam Cao, Hồ Biểu Chánh… thì tuyệt nhiên không thấy. Dù thủ tục thuê truyện khá đơn giản, không cần đặt giấy tờ tùy thân như trước, chỉ cần đặt cọc tiền theo giá bìa và tiền thuê 1 nghìn đồng/cuốn, khi nào trả cũng được nhưng các độc giả cũng chẳng “mặn mà”. Chị Lê Thị Lệ Hương (49 tuổi) chủ tiệm cho thuê truyện ở 55A Hồ Tùng Mậu cho biết: “Tôi làm nghề này đã 10 năm nhưng khó mà sống nổi với nghề được, vì tôi mở tiệm tại nhà riêng không tốn tiền thuê mặt bằng nên còn “giữ” nghề đến bây giờ, chứ nơi khác đóng cửa hết rồi”. Hiện nghề cho thuê truyện rơi vào cảnh ế ẩm như vậy vì truyện online lúc nào cũng “đi trước” nhà xuất bản, khi sách truyện phát hành thì độc giả đã “nằm lòng” nội dung. Giá mua truyện lại tăng chóng mặt, chẳng hạn như giá truyện tranh đầu năm 2000 chỉ khoảng 5 nghìn đồng/cuốn thì hiện nay lên tới 16 nghìn đồng/cuốn, thậm chí có những bộ truyện tranh là 20 nghìn đồng/cuốn, giá thuê truyện thì không thể tăng, không trả nổi tiền mặt bằng nên ai cũng bỏ nghề, phải bán sách truyện cho mấy người ve chai hoặc nơi thu sách cũ với giá bèo. Trước đây, thu nhập của nghề cho thuê truyện khoảng 200 nghìn đồng/ngày, giờ chỉ được vài chục, có ngày không được đồng nào.
Một bạn đọc thuê sách ở tiệm 55A Hồ Tùng Mậu. |
Những tiệm còn cho thuê truyện như Thái Cơ ở đường Y Wang, Đô Mi ở đường Hồ Tùng Mậu, tiệm ở đường Trần Phú … vẫn đang “gắng gượng” qua ngày. “Sắp tới tôi cũng bỏ nghề thôi, đang rao sang nhượng lại cho ai có nhu cầu mở tiệm, độc giả giảm dần mà tiền thuê truyện cũng không nhiều nhặn gì nếu tiếp tục thì không có tiền cho con ăn học” chị Chu Thị Quế, chủ tiệm Thái Cơ ở 98/15 Y Wang buồn rầu nói.
Tuy nhiên, việc đọc trên mạng dễ gây mỏi mắt, không đầy đủ nội dung và nhất là cảm giác cầm trên tay cuốn truyện với những nét vẽ sinh động vẫn thú vị hơn cả. Đó là lý do còn những độc giả trung thành với việc cho thuê truyện. Bạn Lê Thị Ngọc Uyên (19 tuổi), một người khách đã 7 năm thuê truyện ở tiệm chị Hương chia sẻ: “Dù đọc trên mạng khá nhanh chóng, tiện lợi nhưng khiến em mỏi mắt, trong khi thuê truyện em có thể đọc lại nhiều lần, đọc thoải mái, các hình vẽ lại rất đẹp khiến em đọc truyện thích thú hơn.” Tuổi thơ của nhiều người hầu hết đều gắn liền với những cuốn truyện, nhưng thay vì cầm trên tay như trước thì giờ lại chăm chú vào máy tính, mất đi cái hay, thú vị của việc đọc sách giải trí. Nghề cho thuê truyện còn là một trong những “kênh” lưu giữ văn hóa đọc truyền thống, giúp ngành xuất bản truyện tránh cảnh phát hành nhưng “ế ẩm”. Thiết nghĩ, để tạo lại thói quen đọc truyện cần có những việc làm thiết thực từ chính những nhà xuất bản như: chú trọng quảng bá, giới thiệu những cuốn truyện hay để thu hút độc giả; giảm giá mua tại các đại lý phân phối truyện để các chủ tiệm cho thuê truyện mua được giá rẻ; quản lý chặt chẽ khâu bản quyền để không có tình trạng truyện xuất hiện tràn lan trên mạng trước khi phát hành. Trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại, những giá trị xưa cũ dần “rơi rớt”, những phương tiện giải trí quen thuộc dần “biến tướng”. Nghề cho thuê truyện vì thế cũng dần “lụi tàn”, nếu không có những biện pháp cải thiện thì nay mai nghề này sẽ rơi vào quên lãng trong tâm trí người đọc.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc