Giới trẻ và "thần tượng" của giới trẻ
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay khái niệm thần tượng ít nhiều trở nên biến dạng, méo mó và thật dễ dàng để một người được phong là “thần tượng”. Nhiều bạn yêu thích, si mê “thần tượng” đến phát cuồng khiến không ít bạn có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc, đôi khi quá dư thừa nước mắt để than khóc cho những việc liên quan đến thần tượng, hay có trường hợp còn mất lý trí, thay đổi tính cách, thậm chí còn vì “thần tượng” mà đánh mất người thân, xa rời bạn bè.
Có một sự thật đáng buồn là có những bạn trẻ chưa hiểu biết nhiều về lịch sử đất nước, nét đẹp văn hóa, những giá trị truyền thống, các anh hùng hào kiệt, những người không tiếc tuổi thanh xuân để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, trong khi đó lại dành nhiều thời gian để tìm hiểu “thần tượng” của mình trên các lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, thể thao, các gameshow và cả trò chơi trực tuyến. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, những hình ảnh, video, thông tin cá nhân, các hoạt động đời thường của các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, các cầu thủ bóng đá… nhanh chóng được các “fan” cập nhật và lập nên các “fan club” của những “thần tượng” mà mình yêu thích trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội để cùng nhau ca ngợi, tán dương. Cũng từ đó xuất hiện những cuộc tranh luận, cãi cọ để bảo vệ thần tượng của mình. Họ sẵn sàng làm tất cả để được đến gần thần tượng, chứng tỏ sự hâm mộ của mình với thần tượng và không ít vụ xô xát, cãi vã đã xảy ra với những ứng xử thiếu văn hóa đã được các “fan” sử dụng để bảo vệ “thần tượng” của mình. Cùng với đó là những kiểu “hành xác bản thân” như nằm vật vã, chen lấn, xô đẩy, đứng cả hàng chục giờ đồng hồ chỉ để một lần ngắm nhìn ngôi sao “thần tượng”. Sau đó là cảnh tượng đường phố náo loạn vì những tiếng la hét, chạy theo, khóc lóc vì “thần tượng”, thậm chí là có không ít những hình ảnh giành giật, giẫm đạp, xô đẩy, chen lấn... để tìm cho mình một không gian tốt nhất để có thể ngắm nhìn “thần tượng” và đón nhận những “món quà” mà “thần tượng” trao tặng. Nhiều bạn trẻ còn dành phần lớn thời gian để sưu tầm băng, đĩa, theo dõi thông tin, lập “fan club” hay ăn mặc, để kiểu tóc, đi đứng, phẫu thuật thẩm mỹ cho giống “thần tượng”, khiến đôi khi họ trở nên kỳ quái.
Không ít bạn trẻ chưa thật sự hiểu về “thần tượng” nhưng vẫn a dua theo tâm lý đám đông, họ tôn thờ, chạy theo “thần tượng” và cho rằng phải biết hâm mộ “thần tượng” mới được coi là “sành điệu”. Trong khi đó, một số cá nhân chỉ vì sự tung hô thái quá của một bộ phận người hâm mộ mà nảy sinh những “thần tượng ảo”...
Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó một phần có thể là việc thiếu quan tâm, mải mê làm kinh tế, lo cho cuộc sống mưu sinh của các bậc cha mẹ đã khiến cho con cái cảm thấy thiếu vắng tình cảm, sự yêu thương và che chở. Trong khi đó, cùng với sự phát triển của xã hội, các chương trình trực tuyến, các gameshow, các hoạt động giải trí ngày càng nhiều khiến cho giới trẻ chạy theo xu hướng của xã hội, từ đó xuất hiện “thần tượng” trong họ và họ đặt niềm tin thái quá vào “thần tượng”. Bên cạnh đó, việc định hướng giá trị sống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Trước các trào lưu trong xã hội, các em chưa được dạy cho cách phân tích, nhận định vấn đề để phân biệt đâu là đúng, là sai, đâu là giá trị đích thực và đâu là cuộc sống ảo…
Chúng ta không thể phủ nhận những điều tốt đẹp mà thần tượng mang lại nhưng học ở thần tượng những gì và chọn ai là thần tượng thì cần có sự định hướng đúng đắn và nhận thức chín chắn của mỗi người. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp phối hợp tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, rèn luyện đạo đức, lối sống đối với các bạn trẻ, có như vậy, thần tượng mới thật sự được dành đúng cho những người xứng đáng.
Nguyễn Mai
Ý kiến bạn đọc