Xử lý tin đồn xấu – cần một thái độ bình tĩnh
Trước tình hình trên, chủ cơ sở đã chủ động nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng, trong đó có báo chí với hy vọng lấy lại sự công bằng cho mình. Chủ cơ sở cho biết, bà đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, luôn đề cao uy tín và chất lượng sản phẩm để khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường. Bà đã đưa ra các giấy tờ chứng nhận bảo đảm đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm của các đoàn kiểm tra liên ngành trong những ngày xảy ra tin đồn ác ý trên, và nhận định, tin đồn có khả năng do sự cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở sản xuất cùng loại sản phẩm với cơ sở.
Nhờ sự can thiệp kịp thời từ nhiều phía mà cơ sở này đã dần ổn định sản xuất, thế nhưng, tin đồn đã gây tác hại không nhỏ đối với cơ sở. Chủ cơ sở chia sẻ, sau sự cố này bà coi như là dịp để cơ sở càng nỗ lực hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố thêm niềm tin đối với khách hàng.
Từ sự việc trên, có thể thấy: Vì nhiều lý do mà không ít cơ sở, doanh nghiệp làm ăn chân chính vướng phải tin đồn thất thiệt, mà một trong những nguyên nhân là do sự cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ. Song, nếu biết cách xử lý tin đồn một cách uyển chuyển, khéo léo thì doanh nghiệp, cơ sở bị hàm oan sẽ vượt qua dễ dàng. Trong đó trước tiên người đứng đầu doanh nghiệp phải đứng ra trấn an dư luận, tìm các căn cứ dữ liệu pháp lý chứng minh tin đồn đó là không đúng; đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã và hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt, cần trang bị cho mình kỹ năng xử lý sự cố để giảm thiểu tác hại của tin đồn xấu. Nếu không may vướng vào vấn nạn này thì điều đầu tiên là phải bình tĩnh tìm nguyên nhân, đánh giá mức độ tác động bởi tin đồn để có biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
Bên cạnh đó, cũng rất cần sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng trong việc xử lý, “dẹp loạn” tin đồn thất thiệt, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc