Giải quyết vấn đề thiếu nhân lực ở ngành Y tế - Còn nhiều vướng mắc
Hiện nay, tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, các bệnh viện chuyên khoa, tình trạng thiếu bác sĩ diễn ra khá phổ biến. Mặc dù tỉnh và ngành chức năng đã có nhiều giải pháp để thu hút nhưng số lượng bác sĩ tuyển dụng được trong những năm gần đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì thế, chuyện thiếu bác sĩ vẫn “nóng” hằng ngày...
Kỳ I: Thiếu bác sĩ - nỗi lo “kép”
Thiếu bác sĩ đã trở thành phổ biến ở hầu hết các đơn vị y tế trong tỉnh, khiến cho các đơn vị y tế không bảo đảm được chất lượng khám chữa bệnh và bị động trong công tác đào tạo nhân lực tại cơ sở.
“Điệp khúc” thiếu...
Lâu nay, mỗi lần đi khám chữa bệnh, người dân trong tỉnh đã quá quen với tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế. Quá tải không chỉ là do cơ sở hạ tầng, chỉ tiêu giường bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế mà còn do thiếu hụt nguồn nhân lực mà chủ yếu là đội ngũ bác sĩ. Sự thiếu hụt bác sĩ đó không chỉ xảy ra ở khối khám chữa bệnh mà còn ở các khối khác như dự phòng, pháp y cũng thiếu trầm trọng. Với những đơn vị này, nhiều năm liền không tuyển dụng được bác sĩ không còn là chuyện lạ. Chẳng hạn như Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, trong hành trình thực hiện mục tiêu trở thành bệnh viện vùng về chỉ đạo tuyến và thực hiện các kỹ thuật cao thì trở ngại lớn nhất cũng là thiếu nhân lực. Trong khi đó, công tác tuyển dụng bác sĩ của bệnh viện lại “gập ghềnh” trăm mối, bởi theo lý giải của lãnh đạo đơn vị thì trong số các bác sĩ mới ra trường chẳng mấy người “mặn mà” với cái tên “Bệnh viện Lao và bệnh Phổi”, hiếm hoi lắm mới có hồ sơ nộp về đăng ký, nhưng khi tuyển dụng vào làm việc tại bệnh viện mới được thời gian ngắn đã “bỏ của chạy lấy người” vì sợ môi trường làm việc dễ lây bệnh. Hay như các trung tâm y tế tuyến huyện rất khó tuyển được bác sĩ về công tác bởi chế độ đãi ngộ thấp, lại không có thu nhập thêm ngoài lương nên không tạo được sức hút.
Khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. |
Theo thống kê của ngành Y tế, tính đến 30-6-2014, toàn ngành có 5.610 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên, trong đó chỉ có 1.525 người có trình độ đại học và sau đại học. Tính theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT- BYT-BNV của Liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước thì tỉnh ta đang thiếu khoảng 23% so với con số tối thiểu cần phải có. Chia sẻ về nguyên nhân thiếu hụt này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Sở Y tế cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh thiếu khoảng 300 - 400 bác sĩ, nguyên nhân một phần là do vấn đề tuyển sinh đào tạo nhân lực của ngành Y tế, vì trên thực tế, thiếu nhân lực lại không rơi vào các chủng loại điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh… mà rơi vào đội ngũ bác sĩ. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên Y khoa của các trường đại học không nhiều lắm, điểm đầu vào lại khá cao nên ngay từ đầu vào đã bị thiếu. Hơn nữa, Dak Lak là một tỉnh miền núi, khó khăn, nên bác sĩ ra trường thường lựa chọn những nơi có điều kiện phát triển nghề nghiệp tốt để “đầu quân”. Còn nếu về tỉnh thì họ cũng sẽ lựa chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh chứ không thích về tuyến huyện hay các trung tâm y tế. Do đó, mặc dù nhu cầu tuyển dụng bác sĩ cho các bệnh viện tuyến huyện hằng năm rất nhiều, nhưng không ai nộp hồ sơ đăng ký xin về những nơi này, nên nhiều bệnh viện 3-4 năm liên tiếp không tuyển dụng được bác sĩ cũng là điều dễ hiểu!
...Và những trăn trở
Bệnh nhân nhiều bác sĩ ít đã khiến cho các cơ sở y tế gặp không ít khó khăn trong công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Ở nhiều nơi, thời điểm bệnh nhân đông, các bác sĩ phải căng sức làm việc, thậm chí ban giám đốc bệnh viện cũng phải “xắn tay áo” tham gia vào khám chữa bệnh để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’leo hiện chỉ có 19 bác sĩ (kể cả 3 bác sĩ trong Ban Giám đốc), so với nhu cầu thực tế mỗi ngày tiếp đón khoảng 200 bệnh nhân đến khám chữa bệnh thì bệnh viện còn thiếu 5 - 6 bác sĩ. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Tùng, Phó Giám đốc bệnh viện, việc thiếu bác sĩ làm cho việc triển khai kỹ thuật mới, xây dựng các chuyên khoa lẻ ở bệnh viện gặp nhiều trở ngại nhất định. Thời gian qua, Bệnh viện đã nỗ lực hình thành các chuyên khoa lẻ như Răng hàm mặt, Tai mũi họng… để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, song vì thiếu nhân lực nên các chuyên khoa này không thể hoạt động. Không những thế, việc thiếu bác sĩ còn gây trở ngại cho cả khoa Ngoại-Sản có số lượng bệnh nhân khá lớn nhưng đến nay vẫn chưa có bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nên dù cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, các ca phẫu thuật ghép nối xương đều phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên”.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột thực hiện một ca phẫu thuật vá màng nhĩ qua nội soi bằng vật liệu tự thân. |
Thiếu bác sĩ không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các cơ sở y tế mà ngay cả việc cắt cử cán bộ đi học nâng cao trình độ cũng khó thực hiện. Bác sĩ Nguyễn Quang Thừa, Giám đốc BVĐK huyện M’Drak cho hay, từ nhiều năm nay, bệnh viện không tuyển dụng được bác sĩ, trong khi đó nhu cầu lại rất lớn, so với định mức biên chế thì còn thiếu 8-9 bác sĩ. Nhân lực luôn ở trong tình trạng bị động nên việc cắt cử cán bộ đi học phải cân nhắc rất kỹ, bởi ngay cả khi không ai đi học thì các bác sĩ cũng đã phải căng sức ra làm việc rồi...
Vẫn biết rằng việc thiếu bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng cũng chính vì thế nó cũng đang tạo nên những “khoảng trống” cả trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công tác khám chữa bệnh.
(Còn nữa)
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc