Hiệu quả thiết thực từ phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" ở huyện Krông Pak
Cùng với việc tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cấp hội CCB huyện đã vận động hội viên phát huy tính cần cù, sáng tạo, đoàn kết thi đua giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đến nay toàn huyện có 22 cơ sở hội, 288 chi hội với trên 5.000 hội viên. Các cơ sở hội đã vận động hội viên xây dựng Quỹ Hội trên 5,3 tỷ đồng. Hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên vay hơn 45 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Các hội viên CCB đã phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tích cực đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh, dịch vụ. Đến nay, hội viên CCB đã phát triển được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho lao động địa phương, đời sống của hầu hết hội viên được cải thiện, số hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ 39%, hộ nghèo giảm xuống còn 3,8%.
Cựu chiến binh Phạm Viết Chinh, thôn 10, xã Krông Buk với mô hình nuôi dê lấy thịt. |
Điển hình trong phong trào là CCB Nguyễn Hữu Hòa, hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ 7, xã Krông Buk, đã nêu cao phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ thành lập công ty khai thác sản xuất đá, xây dựng thủy lợi, thủy điện, thi công cầu đường mang tên Bình Hòa. Công ty ông đã tạo công ăn việc làm cho gần 50 công nhân lao động địa phương và con em cựu chiến binh với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng. Hoặc CCB Phạm Viết Chinh sinh hoạt tại Chi hội thôn 10, xã Krông Buk, là một trong những hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ, giúp đỡ về khoa học, kỹ thuật và được Hội CCB xã Krông Buk cho vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi đàn dê. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình ông gây dựng được một đàn dê trên 100 con, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng và đã thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, các chi hội khác cũng đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng quỹ hội từ đó giúp nhau xóa đói giảm nghèo, như Chi hội buôn Pan, xã Ea Yông. Còn đối với Chi hội CCB thôn Cao Bằng, xã Ea Knuêk đã nêu cao tinh thần học tập và làm theo tấm gương của Bác với phương châm “đoàn kết, lấy thực lực của ta để giải quyết cho ta”. Từ sự tự nguyện đầu tư hơn 40 triệu đồng của Chi hội trưởng Nông Đức Tài để bắc cầu qua suối cho bà con nhân dân đi lại được thuận tiện, Chi hội đã đứng ra vận động nhân dân xây dựng thêm cầu, kéo điện để phục vụ tưới nước cây cà phê, xây dựng cổng chào thôn, hội trường thôn… trị giá trên 340 triệu đồng.
Tinh thần “CCB gương mẫu” còn thể hiện ở nhiều việc làm tình nghĩa với đồng chí, đồng đội. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã trích quỹ thăm hỏi động viên, tặng quà hội viên lúc ốm đau, gặp khó khăn; tổ chức cho hội viên thăm chiến trường xưa, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất giỏi ở các địa phương. Hưởng ứng phong trào xóa nhà tranh tre tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo, các cấp hội CCB trong huyện đã đóng góp trên 3,4 tỷ đồng, tham gia hàng trăm ngày công lao động làm mới 22 ngôi nhà, hỗ trợ sửa chữa ngôi 14 nhà; đến nay hội viên CCB trong huyện không còn nhà tạm bợ, dột nát.
Hội CCB huyện Krông Pak luôn phát huy vai trò là nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua ở địa phương. Các CCB đã đóng góp nhiều ý kiến cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; vận động hội viên tham gia đấu tranh phòng, chống cácc tệ nạn xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... Dù thời chiến hay thời bình, các chiến sĩ cách mạng năm xưa, nay là những CCB, vẫn giữ vững bản chất anh bộ đội Cụ Hồ gương mẫu trên các mặt của đời sống.
Thùy Trang
Ý kiến bạn đọc