Thoát nghèo: Không thể thiếu nghị lực, ý chí
Lãnh đạo huyện Cư Kuin thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. |
Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng chưa đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra (kế hoạch là 3%/năm), kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS còn chiếm trên 61% trong tổng số hộ nghèo. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn từ trung ương, vốn lồng ghép, kinh phí của địa phương chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Tổng kinh phí đã bố trí cho Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2014 là 2.316.750 triệu đồng (không bao gồm vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội), trong đó ngân sách Trung ương mới bố trí đạt 55,2% kế hoạch, ngân sách địa phương là 3,07%. Nguồn kinh phí bố trí cho công tác giảm nghèo chủ yếu để thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, đầu tư kết cấu hạ tầng… còn kinh phí thực hiện các chính sách nhằm tạo sinh kế không nhiều do đó chưa tạo ra sự đột phá. Mặt khác, ý thức, nhận thức và tập quán của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế, một bộ phận không nhỏ hộ nghèo chưa biết làm ăn, tính toán chi tiêu hợp lý, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Mới đây, trong buổi giám sát về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 của Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) tại Sở LĐ - TBXH, một đại biểu đã chỉ ra, hiện nay chính sách giảm nghèo còn quá dàn trải, nhiều đầu mối dẫn tới kém hiệu quả; cùng với đó, còn nhiều chính sách hỗ trợ khiến người nghèo ỷ lại. Chuyện là: Có một dự án hỗ trợ đồng bào nghèo bò giống, tiền làm chuồng để phát triển chăn nuôi. Khi cán bộ Ban quản lý dự án đến nhà tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng… một nông dân bày tỏ: cấp bò, nhưng không cho tiền mua thức ăn thì biết lấy gì cho nó ăn. Hay tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào DTTS diễn ra trung tuần tháng 9, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân tồn tại, hạn chế, trong đó có việc kết nghĩa phải xuất phát từ 2 phía. Tại sao lại có điều này, bởi một số cấp ủy, ban tự quản buôn hiểu chưa đúng ý nghĩa, mục tiêu của việc kết nghĩa do đó có tâm lý ỷ lại, dẫn đến chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo càng về những năm sau của giai đoạn càng khó giảm và thấp hơn các năm trước, nếu không muốn nói là rất khó thoát nghèo bởi rơi vào các hộ đặc biệt khó khăn, như: có người tàn tật, người già neo đơn, thiếu lao động... Trong khi đó các chính sách hỗ trợ dành cho hộ cận nghèo chưa nhiều, hoặc mới được ban hành, chưa phát huy hiệu quả, nếu không may gặp rủi ro như thiên tai, bệnh tật… thì đối tượng này rất dễ rơi vào diện hộ nghèo. Vì vậy, cũng tại buổi giám sát Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, một số đại biểu đề xuất chính sách hỗ trợ thoát nghèo cần phải có điều kiện để người thụ hưởng chủ động phát huy nội lực. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước là động lực, cơ hội để người nghèo vươn lên xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, ý thức của họ lại là vấn đề quyết định để sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước thực sự phát huy tác dụng.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc