Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng văn minh công sở từ góc nhìn của giới trẻ

20:15, 04/10/2014
Trong thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã tích cực triển khai phong trào “3 trách nhiệm” trong cán bộ công chức trẻ, phong trào văn hóa doanh nghiệp của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong khối doanh nghiệp, phong trào thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị, trong đó hướng tới việc văn hóa giao tiếp ứng xử của cán bộ công chức trẻ trong công sở.
 
Có thể nói, việc triển khai của Đoàn đã góp phần vào những kết quả chung của công cuộc cải cách hành chính, xây dựng văn hóa nơi công sở, tuy nhiên ở một vài góc độ, vẫn còn đó đôi điều đáng bàn về văn minh nơi công sở.

Nghe điện thoại cá nhân nơi công sở là một ví dụ điển hình. Có người nói vừa đủ nghe, trao đổi tế nhị, ngắn gọn những nội dung cần thiết; có người nói chuyện một cách tự nhiên như ở nhà, “tám” hết chuyện nọ sang chuyện kia, từ chuyện con đi học ở trường, chuyện mua cái gì, ở đâu cho tốt, cho rẻ đến chuyện bạn bè người này thế nào, thế kia. Ở một vài cơ quan, công chức đi ăn sáng, uống cà phê trong giờ làm việc, rồi thì chuyện chơi game, nghe nhạc, chuyện tụ tập nói chuyện riêng ở công sở. Trong cuộc họp có không ít người lướt facebook, tra cứu thông tin, đọc báo, nhắn tin… Có người sử dụng còn kín đáo, có người thì chẳng thèm quan tâm để ý đến xung quanh đặt hẳn máy tính bảng hoặc laptop lên trên bàn sử dụng… Và còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến văn minh công sở.

Thiết nghĩ, văn hóa công sở, văn minh doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở lời ăn, tiếng nói trao đổi công việc, hình thức ăn mặc bề ngoài mà chúng ta phải nhìn nhận tổng quan hơn, phát triển hơn về vấn đề: có một quy định chuẩn mực của văn hóa công sở để góp phần xây dựng hình mẫu thanh niên thời đại mới. Thứ nhất, văn hóa giờ giấc làm việc: Làm việc đúng giờ giấc mà cơ quan đã quy định, phát huy tinh thần làm việc theo hướng “làm hết việc” chứ không phải “làm để chờ hết giờ”; có những công việc để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cho chuyên sâu, nhiều ĐVTN là công chức trẻ còn “ôm” về nhà để nghiên cứu. Thứ hai, văn hóa giao tiếp, ứng xử, nói chuyện điện thoại: Hướng tới việc giao tiếp văn minh lịch sự, ứng xử thân thiện, lịch thiệp thể hiện nét văn minh của người thanh niên thời đại mới, trao đổi, nói chuyện điện thoại ở công sở vừa nghe, nội dung tập trung cho công việc. Thứ ba, văn hóa trang phục, ăn mặc: Mỗi cơ quan, công sở đều có quy định trang phục, đồng phục của cơ quan mình và nhiều bạn trẻ chọn cho mình những trang phục thích hợp, hài hòa, ưa nhìn trong mắt mọi người. Cách ăn mặc ở đây ngoài việc thể hiện sự tôn trọng người khác mà còn là tôn trọng chính bản thân mình. Thứ tư, văn hóa bài trí nơi làm việc: bố trí nơi làm việc gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ cũng góp phần thể hiện sự văn minh, văn hóa nơi làm việc. Thứ năm, văn hóa sử dụng tài sản của công: Sử dụng tài sản của công một cách hợp lý tránh lãng phí và phục vụ cho công tác, tranh thủ và tiết kiệm góp phần sử dụng tài sản công có hiệu quả ví dụ như: sử dụng lai giấy in còn một mặt trắng để in những bản dự thảo, tắt các thiết bị điện không cần thiết và khi ra khỏi phòng, sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ thích hợp và chỉ sử dụng khi cần thiết… Thứ sáu, văn hóa hội họp: Trong các cuộc họp tham gia có trách nhiệm, góp ý xây dựng thẳng thắn tạo nên cuộc họp có kết quả tốt, khi tham gia họp luôn đến đúng giờ quy định, chuẩn bị nội dung trước khi đến họp và tham gia xây dựng cuộc họp. Thứ bảy, văn hóa nhận xét, đánh giá, góp ý, phê bình: Trong các cuộc họp, nhất là cuộc họp nhận xét đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức cuối năm, chúng ta phải thẳng thắn góp ý, xây dựng đồng chí, đồng nghiệp trên tinh thần yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, tránh tình trạng vì không thích nhau, đả kích nhau mới góp ý, lợi dụng vấn đề góp ý để hạ thấp người khác…

Thiết nghĩ mỗi cơ quan đơn vị cần xây dựng một bộ quy chế về văn minh công sở, thủ trưởng cơ quan đơn vị quán triệt chặt chẽ đến cán bộ, công nhân viên của cơ quan mình, đưa nội dung văn hóa công sở vào bản đăng ký thi đua hằng năm đối với cán bộ, công nhân viên chức. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, định hướng và động viên cán bộ, công nhân viên của cơ quan mình thực hiện noi theo, khen thưởng kịp thời những gương người tốt việc tốt, phê bình, kiểm điểm việc không chấp hành của cán bộ công nhân viên. Qua đó, tiến tới xây dựng một môi trường làm việc văn minh, văn hóa trong công sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giỏi nghề, yêu nước; xây dựng người công chức trẻ có kiến thức, trình độ và bản lĩnh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

                                                                               Nguyễn Đình Khiêm


Ý kiến bạn đọc